|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguồn cung trong nước bị vắt kiệt, Trung Quốc sẽ cấm than của Australia đến bao giờ?

07:21 | 11/09/2021
Chia sẻ
Giới chuyên gia cảnh báo, nguồn cung than của Trung Quốc đang bị siết chặt và giá than sẽ tiếp tục tăng cao trong 6 tháng tới do sản lượng trong nước có phần hạn chế và Bắc Kinh áp lệnh cấm nhập khẩu không chính thức đối với than của Australia.

Giá than chưa hạ

Trong hai tháng qua, sản lượng thép của Trung Quốc đã sụt giảm đáng kể so với hồi đầu năm. Song, giá than cốc - một trong các nguyên liệu chính để luyện thép, vẫn còn tương đối cao.

Tuần trước, ở một số khu vực của tỉnh Sơn Tây, nơi được mệnh danh là thủ phủ ngành than của Trung Quốc, giá than cốc đã vượt mốc 4.000 nhân dân tệ (tương đương 620 USD)/tấn. Theo Kaiyuan Securities, giá than đã tăng hơn 45% kể từ đầu tháng 8.

Giá than nhiệt được sử dụng để sản xuất điện cũng đạt mức cao kỷ lục vào tuần trước. Do giá than tăng quá nóng, chính quyền Bắc Kinh đã ra hạn chế sử dụng điện ở các tỉnh thành Quảng Đông, Vân Nam, Giang Tây và Hồ Nam. Giá than nhiệt vốn đã đi lên từ tháng 5 năm ngoái và chạm đỉnh 10 năm vào tháng 7 năm nay.

Do hoạt động công nghiệp bùng nổ và nhu cầu mạnh mẽ từ các hộ gia đình, tổng mức tiêu thụ điện của Trung Quốc đã tăng 15,6% trong 7 tháng đầu năm nay. Trong đó, 16 tỉnh vượt mức tiêu thụ trung bình cả nước, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) cho hay.

Tổng lượng tiêu thụ than nhiệt hàng năm của đất nước tỷ dân hiện rơi vào khoảng 3 tỷ tấn, trong đó 2,7 tỷ tấn đến từ trong nước và phần còn lại được nhập khẩu từ nước ngoài.

Trong bối cảnh nhu cầu điện năng quá cao, tổng lượng than nhiệt mà Trung Quốc có thể tiêu thụ trong năm nay đang trên đà tăng thêm 10%, nhà phân tích Li Rong của Cinda Securities dự đoán. Nếu như vậy, Trung Quốc sẽ phải tìm thêm 300 triệu tấn than để đáp ứng nhu cầu khổng lồ của người dân.

Nguồn cung trong nước bị vắt kiệt, Trung Quốc sẽ cấm than của Australia đến bao giờ? - Ảnh 1.

Một kho than tại cảng Liên Vân Cảng, tháng 12/2020. (Ảnh: Xinhua).

Trung Quốc cầm cự được bao lâu?

Các nhà chức trách Trung Quốc đã tăng cường dự trữ than chiến lược và đẩy nhanh việc phê duyệt quyền sử dụng đất cho các mỏ lộ thiên ở Nội Mông, khu vực khai thác than lớn nhất đất nước.

Khoảng 36 mỏ than lộ thiên ở Nội Mông đã được tái cấp giấy phép sử dụng đất kể từ cuối tháng 8, trong khi giấy phép mới sẽ được cấp cho các mỏ có công suất hàng năm gần 50 triệu tấn vào giữa tháng 9, theo tờ Economic Information Daily.

Sản lượng hàng tháng của các mỏ hiện tại ở Nội Mông có thể tăng hơn 7 triệu tấn, nhưng sẽ mất một thời gian để chúng vận hành đến 100% công suất, tờ báo trên đưa tin.

NDRC cho biết, các dự án mới được phê duyệt trong nửa đầu năm sẽ bổ sung thêm 140 triệu tấn than mỗi năm, còn các dự án được phê duyệt trong 6 tháng cuối năm sẽ cung ứng thêm 110 triệu tấn. Song, nhà phân tích Li ước tính, quá trình này phải mất hai đến ba năm.

Bắc Kinh cũng đã kêu gọi các công ty khai thác than ngừng tích trữ hàng tại cảng để đảm bảo nguồn cung than ổn định. Tháng trước, cơ quan quản lý năng lượng của Nội Mông thậm chí còn yêu cầu chính quyền địa phương "mở một cuộc điều tra" về việc giá than tại một số mỏ tăng cao.

Nhà phân tích Li nhấn mạnh: "Tôi không tin giá than sẽ hạ nhiệt trong 6 tháng tới, dù chính phủ đang cố gắng kiềm chế đà tăng giá. Nguyên nhân là vì giá than luôn được xác định bởi mối tương quan giữa cung và cầu".

"Doanh nghiệp Trung Quốc thường bắt đầu tích trữ than từ giữa tháng 10, nhưng do đà tăng giá gần đây, họ sẽ hành động sớm hơn", ông Li cảnh báo.

Cấm vận Australia có phải nước đi đúng?

Các vấn đề trên đặt ra câu hỏi rằng, lệnh cấm vận mà Bắc Kinh áp dụng đối với nguồn cung than của Australia đang gây tổn hại cho chính họ đến mức nào, SCMP cho hay.

Australia là một trong các nhà cung ứng than cốc và than nhiệt hàng đầu cho Trung Quốc, cho đến khi chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình ban hành lệnh cấm nhập khẩu không chính thức với than Australia vào tháng 10 năm ngoái.

Than là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ ba của Australia sang đất nước tỷ dân, sau quặng sắt và khí LNG. Mặt hàng này chiếm hơn 5% tổng kim ngạch thương mại song phương trị giá 186 tỷ USD giữa hai nước.

Căng thẳng giữa Canberra và Bắc Kinh bắt nguồn từ tháng 4 năm ngoái, khi Australia kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 mà không tham vấn ngoại giao với Trung Quốc. Từ đó, Bắc Kinh bắt đầu hạn chế nhập khẩu nhiều hàng hóa của đất nước châu Đại Dương.

Hôm 6/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Australia Josh Frydenberg cho biết phần lớn lượng than than mà Trung Quốc từ chối đã được chuyển hướng thành công sang các thị trường khác.

Ông Frydenberg nói: "Tính chung các mặt hàng bị Bắc Kinh cấm vận không chính thức, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc ước tính giảm khoảng 5,4 tỷ AUD. Tuy nhiên, trong cùng giai đoạn, xuất khẩu những mặt hàng đó sang các thị trường khác đã tăng khoảng 4,4 tỷ AUD".

"Than Australia đã tìm được khách hàng mới ở Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan. Trong năm qua, xuất khẩu than sang Trung Quốc giảm 30 triệu tấn nhưng sang phần còn lại của thế giới tăng khoảng 28 triệu tấn", vị bộ trưởng nói thêm.

"Bất chấp chính sách đáp trả của Bắc Kinh, nền kinh tế Australia vẫn tiếp tục phát triển rất mạnh mẽ", Bộ trưởng Frydenberg nhấn mạnh.

Dù vậy, ông cho biết Canberra vẫn quan tâm đến mối quan hệ với Bắc Kinh, nhưng khẳng định chính phủ Australia sẽ "kiên định bảo vệ chủ quyền và các giá trị cốt lõi của đất nước", bất chấp sức ép kinh tế từ Trung Quốc.

Vị bộ trưởng cảnh báo rằng nếu thương mại tiếp tục bị gián đoạn, cả hai nước đều sẽ phải trả giá đắt. Đặc biệt, người tiêu dùng và nền kinh tế Trung Quốc sẽ không thể tiếp cận những hàng hóa chất lượng cao từ Australia.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.