Khủng hoảng năng lượng chặn đường sinh kế tại thành phố sầm uất bậc nhất thế giới của Trung Quốc
Chợ Thương mại Quốc tế Nghĩa Ô được biết đến là khu chợ bán buôn lớn nhất thế giới. Thông thường, nơi đây có vô số quầy hàng nhộn nhịp trưng bày mọi thứ, từ đồ trang trí Giáng sinh đến bộ phận máy móc. Nhưng ngày nay, chợ Nghĩa Ô lừng danh lại trầm lắng hơn rất nhiều.
Thang cuốn và điều hòa đã ngừng hoạt động bên trong khu phức hợp rộng 4 triệu mét vuông. Vắng khách, các chủ cửa hàng ngáp ngủ giữa cái nóng ngột ngạt.
Thành phố Nghĩa Ô, được mệnh danh là phòng trưng bày hàng sản xuất của Trung Quốc, đã bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch, lệnh cấm di chuyển khiến cho người mua nước ngoài không thể đến thăm nơi này. Bây giờ, thành phố lại phải đối mặt với thách thức khác: Thiếu điện trầm trọng.
Trong các khu công nghiệp của Nghĩa Ô, các chủ nhà máy lo lắng rằng sản xuất sẽ bị gián đoạn nhiều hơn nữa.
Nhà máy đóng gói của bà He Meiling chỉ còn hoạt động với nửa công suất vì các hạn chế tiêu thụ điện. Bà He than thở: "Có cảm giác như thể chúng tôi không còn đường để kiếm sống. Thị trường đã đảo lộn. Giá nguyên liệu thô leo thang, lương nhân công liên tục tăng, tiền thuê đất và tất cả mọi khoản khác cũng vậy, nhưng sản xuất bị hạn chế và lợi nhuận của chúng tôi teo dần. Tôi đang đâm vào ngõ cụt".
Chuỗi cung ứng rộng lớn của Trung Quốc vẫn chưa hoàn hồn từ cuộc tấn công của đại dịch năm ngoái. Đến nay, trong bối cảnh nhà máy đóng cửa và sản xuất chậm lại, chuỗi cung ứng một lần nữa bị xáo trộn gây ra tắc nghẽn và thiếu hụt.
Năng lực sản xuất suy giảm cộng với giá nguyên liệu thô lên cao đã buộc bà He ngừng nhận các đơn đặt hàng gấp. Chỉ riêng giá PVC đã tăng hơn 50% trong năm ngoái, còn dầu diesel cần thiết để chạy máy phát điện thì quá đắt, bà cho biết.
Nữ doanh nhân này ngày càng lo lắng: "Những doanh nghiệp nhỏ như của tôi có thể không sống sót nổi. Nếu chính sách mới được công bố cuối tháng này nói rằng tình hình sẽ không thay đổi trong thời gian tới, tôi sẽ phải sa thải nhân công. Tôi sẽ không có tiền để trả lương cho họ".
Ngay cả với những nhà máy có thể mua dầu để chạy máy phát điện, việc kinh doanh cũng rất khó khăn, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Ông Ding Anding, cư dân ở Nghĩa Ô có hai anh em sở hữu nhà máy sản xuất tất và khăn quàng cổ kể rằng hoạt động của cả hai đều đang gặp khó vì khủng hoảng năng lượng.
"Dù cả hai đều dùng máy phát điện để sản xuất, họ không thể vận hành 24/7 như trước vì tiếng ồn. Nhà máy phải ngừng hoạt động về đêm nếu gần khu dân cư vì người dân sẽ phàn nàn".
Do nhà máy không thể hoạt động nếu thiếu điện nên khác với những tiểu thương ở chợ Nghĩa Ô có thể chịu đựng khi không bật điều hòa, nhân công ở nhà máy đang bị cắt giảm.
Tại Ngọc Hoàn, một thành phố cũng ở tỉnh Chiết Giang, nhà máy giảm sản xuất xuống còn hai hoặc ba ngày một tuần. Nhưng nhiều nhân viên đang làm việc 15 giờ mỗi ngày để giải quyết lượng đơn hàng tồn đọng.
Anh Yao Xiangmin, làm việc trong cơ sở sản xuất phụ tùng xe hơi, cho biết thu nhập đã bị giảm hơn 40%. Sau khi kết thúc ca làm việc mệt nhọc vào buổi đêm, anh giải thích: "Nếu tôi không làm thêm giờ thì tôi không kiếm được tiền. Tôi chẳng thể làm gì ngoài việc hy vọng mọi chuyện sớm trở lại bình thường".
'Chỉ mong sống sót'
Đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ ở tỉnh Chiết Giang, khủng hoảng điện làm tăng thêm một loạt áp lực chi phí đã ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Với việc đi lại bị hạn chế bởi biện pháp giãn cách xã hội, công ty vali của bà Lu Aisu chứng kiến nhu cầu lao dốc. Chi phí nguyên liệu thô tăng và thiếu hụt điện càng làm tăng thêm áp lực.
Vợ chồng bà Lu đã kinh doanh trong suốt ba thập kỷ tại chợ Nghĩa Ô. Trong hai năm qua, bà đã chứng kiến nhiều công ty khác phá sản và cầu nguyện rằng mình không phải người tiếp theo.
"Mọi người đều đang trải qua khoảng thời gian khó khăn. Người tiêu dùng có ít tiền để chi hơn, chúng tôi bán được ít hàng hơn và nhà máy nhận được ít đơn đặt hàng, nên việc sản xuất giảm xuống. Chúng tôi đều chỉ mong sống sót trong khi chờ tình hình tốt đẹp lên", bà Lu giãi bày.
Nhưng khủng hoảng năng lượng không tác động đến các doanh nghiệp một cách đồng đều. Các công ty lớn thường chống chịu tốt hơn các cơ sở nhỏ. Nhiều công ty còn phàn nàn rằng chính sách hạn chế tiêu thụ điện diễn ra quá đột ngột.
Các đợt cắt điện không báo trước đã khiến nhà sản xuất vải Huang Feng ở Nghĩa Ô thiệt hại nặng. Ông Huang đã kỳ vọng sẽ hoàn thành các đơn đặt hàng nước ngoài trước kỳ nghỉ "tuần lễ vàng" vào đầu tháng này. Nhưng vì thiếu điện, việc sản xuất bị chậm trễ vài ngày và ông bỏ lỡ một chu kỳ vận chuyển, dẫn đến thiệt hại hơn 100.000 nhân dân tệ (15.600 USD).
Ông Huang kể: "Chính sách được áp dụng đột ngột vào cuối tháng 9, điện bị cắt ngay ngày chúng tôi nhận được thông báo. Đáng ra chúng tôi sẽ có thể thu xếp nếu có một chút thông tin trước và không thiệt hại nhiều đến vậy".
Giới phân tích dự đoán chính sách tiết kiệm năng lượng sẽ còn kéo dài đến ít nhất là mùa xuân năm sau, bất chấp Trung Quốc cố gắng tăng cường nhập khẩu than và sản xuất trong nước.