Khủng hoảng điện tại Trung Quốc ảnh hưởng đến mọi khía cạnh, từ sữa cho tới iPhone
Cuộc khủng hoảng điện tại Trung Quốc không chỉ gây ra những khó khăn cho riêng quốc gia này mà nó còn ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc hạn chế sử dụng điện gây ra thiệt hại cho một số ngành nghề, khiến những nhóm ngành này chịu áp lực, theo Bloomberg.
Bìa giấy
Việc sản xuất bìa các tông và vật liệu đóng gói vốn đã căng thẳng do nhu cầu tăng cao trong thời kỳ đại dịch. Hiện tại, việc ngừng hoạt động tạm thời ở Trung Quốc đã gây ra những hưởng nghiêm trọng đến sản lượng, dẫn đến nguồn cung có thể giảm từ 10% đến 15% trong tháng 9 và tháng 10, theo Rabobank. Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với những tình huống phức tạp khi mà trước đó họ đã đối mặt với việc thiếu nguồn cung bìa giấy.
Lương thực
Tình trạng lạm phát lương thực đang nóng lên và cuộc khủng hoảng năng lượng có thể khiến điều này càng trở nên tồi tệ hơn. Chuỗi cung ứng cũng đối mặt với tình trạng rủi ro vì cuộc khủng hoảng năng lượng khiến việc thu hoạch trở nên khó khăn hơn. Giá lương thực toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ. Tình trạng có thể còn tồi tệ hơn khi Trung Quốc gặp khó khăn trong việc xử lý các loại cây trồng từ ngô, đậu nành đến lạc và bông.
Vài tuần qua, một số nhà máy buộc phải đóng cửa hoặc giảm sản lượng để tiết kiệm điện. Giá phân bón, một trong những yếu tố quan trọng nhất của nông nghiệp, đang tăng chóng mặt, gây áp lực tới người nông dân.
Theo Rabobank, ngành công nghiệp chế biến sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn so với các mặt hàng khác như ngũ cốc và thịt. Trong lĩnh vực sữa, việc cắt điện có thể làm gián đoạn hoạt động của các máy vắt sữa, trong khi các nhà cung cấp thịt lợn phải đối mặt với áp lực từ nguồn cung kho lạnh.
Vải
Bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, những người chăn nuôi cừu tại Úc đang chuẩn tinh thần đối mặt với tình trạng giảm nhu cầu. Ngành công nghiệp này chứng kiến các nhà máy Trung Quốc giảm sản lượng tới 40% do bị cắt điện vào tuần trước, trang Australian Broadcasting Corp đưa tin.
Công nghệ
Lĩnh vực công nghệ cũng có khả năng chứng kiến tác động lớn vì Trung Quốc là cơ sở sản xuất lớn nhất thế giới về các thiết bị điện tử, từ iPhone đến máy chơi game. Ngoài ra, quốc gia này còn đóng vai trò trung tâm sản xuất chất bán dẫn được sử dụng trong ô tô và thiết bị điện tử.
Một số cơ sở của nhiều ông lớn phải tạm ngừng hoạt động tại Trung Quốc để tuân thủ yêu cầu giảm tiêu thụ điện năng của địa phương. Pegatron Corp, đối tác quan trọng của Apple, cho biết tháng trước họ đã bắt đầu áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Trong khi đó, ASE Technology, đơn vị sản xuất và đóng gói các mặt hàng chip lớn nhất thế giới, đã tạm dừng sản xuất trong vài ngày.
Tác động tổng thể đối với lĩnh vực công nghệ cho đến nay chưa được xác định rõ do ở Trung Quốc đang là thời gian nghỉ lễ dài. Nếu cuộc khủng hoảng năng lượng trở nên tồi tệ hơn, nó có thể ảnh hưởng đến sản lượng cung cấp trước mùa mua sắm cuối năm quan trọng. Những "gã khổng lồ" trong ngành như Dell và Sony sẽ không thể chịu được thêm cú sốc này sau tình trạng hỗn loạn do đại dịch gây ra.
Sản xuất ô tô
Bất kỳ sự suy thoái nào khác của thị trường bán dẫn cũng sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô phải đau đầu. Trong suốt thời gian qua, họ đã chứng kiến sản lượng ô tô bị suy giảm mạnh do tình trạng thiếu chip. Ngành công nghiệp sản xuất ô tô, vốn nằm trong danh sách các ngành được bảo vệ ở những thời điểm như hiện tại, cho đến nay hầu như không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng điện.
Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp cá biệt. Toyota, đơn vị sản xuất hơn một triệu xe mỗi năm tại các nhà máy tập trung quanh Thiên Tân và Quảng Châu, cho biết một số hoạt động của họ đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện.