|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đại công xưởng Trung Quốc nâng giá hàng hóa, áp lực lạm phát sẽ còn tăng cao?

09:44 | 20/10/2021
Chia sẻ
Các nhà máy tại Trung Quốc đang ồ ạt nâng giá hàng hóa xuất khẩu. Điều này có thể khiến áp lực lạm phát tăng cao hơn trong những tháng tới.

Công xưởng tại Trung Quốc tăng giá bán

Hoạt động kinh doanh của Zhejiang Zhendong Leisure Product đang trên đà bùng nổ. Từ nhà máy ở miền đông Trung Quốc, công ty này mỗi năm sản xuất được khoảng 1 triệu chiếc ghế xếp, đa phần sẽ được xuất sang Mỹ và châu Âu.

Nhu cầu đối với ghế xếp tăng đột biến kể từ sau đại dịch COVID-19, khiến Zhejiang Zhendong làm không xuể tay và đơn hàng tồn đọng đến tận tháng 4 năm sau. Điều này cũng giúp công ty đủ tự tin tăng giá bán thêm 10%.

Thay vì gây hại cho nhu cầu, "người mua hiện đang đặt nhiều đơn hàng vì sợ rằng giá có thể tăng hơn nữa trong tương lai", Giám đốc bán hành Sonia Lu của Zhejiang Zhendong chia sẻ tại một hội chợ thương mại ở thành phố Quảng Châu.

Các khách hàng muốn một chiếc dù che nắng bên ngoài hiên nhà thậm chí còn phải đối mặt với mức tăng cao hơn. Shaoxing Gaobu Tourism Product, đối tác của các nhà bán lẻ như Walmart và Carrefour, đã nâng giá bán lên khoảng 20%. Họ không hề bị lo mất đơn hàng.

Chia sẻ với Bloomberg, nhân viên bán hàng Lyric Lian của Shaoxing Gaobu nhấn mạnh: "Cho dù khách hàng tìm đến người bán nào thì thực tế mà họ sẽ phải đối diện đều như nhau: giá hàng hóa tăng lên".

Đại công xưởng Trung Quốc nâng giá hàng hóa, áp lực lạm phát sẽ còn tăng cao? - Ảnh 1.

Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc lần thứ 130 (Hội chợ Canton) tại Quảng Châu, ngày 18/10. (Ảnh: Getty Images).

Thông tin trên sẽ càng khiến các chuyên gia lo lắng hơn, rằng cú tăng đột biến của lạm phát toàn cầu nhiều khả năng không phải là "nhất thời" như nhận định của các nhà hoạch định chính sách, đơn cử như Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Theo công ty nghiên cứu và tư vấn hàng hải Drewry, giá hàng hóa tăng cao còn xuất hiện cùng lúc với cước vận tải biển phi mã. So với một năm trước, giá cước đã nhảy vọt gần 300% và chi phí này chủ yếu do các nhà nhập khẩu gánh.

Trong nhiều năm qua, các cơ sở sản xuất của Trung Quốc đã đóng vai trò như một lực hãm đối với lạm phát toàn cầu, vì họ thường cắt giảm chi phí để giữ chân khách hàng quốc tế khi nhu cầu chững lại và áp lực cạnh tranh từ các đối thủ như Việt Nam gia tăng.

Tuy nhiên, cơn sốt xuất khẩu của Trung Quốc hậu đại dịch đã làm thay đổi tất cả. Doanh nghiệp sản xuất trên khắp đất nước tỷ dân bây giờ có đủ tự tin để đề nghị nâng giá hàng hóa hơn trước.

Trong khi đó, với nhu cầu bật dậy mạnh mẽ từ đại dịch, giá hàng hóa cao hơn không khiến khách hàng chùn bước. Xuất khẩu của Trung Quốc được dự báo sẽ nhích 21% trong năm nay, là mức tăng mạnh nhất trong một thập kỷ.

Nhưng thực sự có đáng lo đến vậy?

Mặc dù giá chào bán của các nhà máy tại Trung Quốc tăng cao hơn là một thay đổi đáng kể so với năm ngoái, Bloomberg cho rằng đây có thể chưa phải là yếu tố sẽ tác động đến bức tranh lạm phát toàn cầu. Nguyên nhân là đối với người tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển, hàng hóa từ đất nước tỷ dân chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi tiêu hàng ngày.

Tại Mỹ, nhà ở, đi lại và chăm sóc y tế thường chiếm 2/3 rổ hàng hóa được sử dụng để tính toán lạm phát giá tiêu dùng. Ngân hàng Trung ương Canada ước tính, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 5% trong rổ hàng hóa của nước này.

Hơn nữa, kể từ sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các nhà nhập khẩu và bán lẻ thường cố gắng hấp thụ mức tăng giá hơn là sang tay người tiêu dùng, Bloomberg lưu ý thêm.

Đại công xưởng Trung Quốc nâng giá hàng hóa, áp lực lạm phát sẽ còn tăng cao? - Ảnh 2.

Người mua trải nghiệm ghế massage thông minh tại Hội chợ Canton, ngày 17/10. (Ảnh: Getty Images).

Song, cũng có khả năng là đợt tăng giá bán của các nhà máy Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Cơn sốt nguyên liệu thô trên toàn cầu đang tạo ra một cú sốc khác: giá nguyên liệu đầu vào tăng nhanh nhất trong gần 26 năm. Ngoài ra, Bắc Kinh còn cảnh báo rằng giá điện có thể tăng thêm 20% do cuộc khủng hoảng thiếu điện trên diện rộng.

Ông Chen Zijian, Giám đốc Bán hàng tại Guangzhou GL Supply Chain chuyên sản xuất sản phẩm làm vườn để cung ứng sang Mỹ, cho biết công ty đã nâng giá bán 10% trong năm nay và có thể tiếp tục tăng thêm.

Theo ông Stanley Chao, nhà sáng lập của công ty tư vấn All in Consulting, quy mô của một doanh nghiệp là yếu tố quyết định liệu họ có thể chấp nhận mức tăng giá hay không.

"Các nhà máy nhỏ có biên lợi nhuận thấp hơn đang đẩy chi phí sang cho khách hàng. Trong khi đó, các nhà cung ứng lớn với biên lợi nhuận cao và hoạt động hiệu quả hơn có thể giữ nguyên giá bán", ông Chao giải thích.

Nhìn chung, mức độ tăng giá hàng hóa sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ tự tin của doanh nghiệp về nhu cầu trong tương lai. Khi đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu chững lại, có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc ở nước ngoài đang dịu bớt.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khả Nhân

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.