|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bóng ma lạm phát gần kề, tại sao giá vàng thế giới không tăng phi mã?

07:24 | 19/10/2021
Chia sẻ
Nhà đầu tư thường coi vàng như một công cụ ngừa lạm phát hiệu quả và giá vàng có xu hướng leo thang khi áp lực lạm phát gia tăng. Song, trên thực tế thì giá vàng hiện không thể phá ngưỡng quan trọng là 1.800 USD/ounce, chứ chưa nói là không thể bật tăng mạnh mẽ.

Cú sốc lạm phát gần kề

Trong một báo cáo công bố ngày 12/10, Quỹ Tiền tệ Quốc (IMF) đã cảnh báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng các ngân hàng trung ương lớn cần phải chuẩn bị siết chặt chính sách tiền tệ phòng trường hợp lạm phát vượt ngoài khả năng kiểm soát.

Tháng 9 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời nhích 0,4% so với tháng 8 do giá xe hơi mới, thực phẩm và khí đốt đồng loạt leo thang. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2008.

 

Cũng trong tháng 9, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc đã chạm mức đỉnh 26 năm khi tăng đến 10,7% so với một năm trước, theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Bloomberg cho rằng, nếu các doanh nghiệp địa phương bắt đầu đẩy chi phí sang cho người tiêu dùng, áp lực lạm phát sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.

Trong bối cảnh hiện tại, một số chuyên gia còn nhận định, bức tranh kinh tế năm nay đang gợi nhắc về cú sốc lạm phát đình đốn từng diễn ra trong những năm 1970, khi mà lạm phát tăng cao và tăng trưởng GDP xuống thấp.

Một trong những điểm tương đồng là nền kinh tế thế giới đang phải một lần nữa chống chọi với cú sốc giá năng lượng và thực phẩm. Theo Economist, giá thực phẩm toàn cầu đã tăng khoảng 33% trong một năm qua; còn giá than và khí đốt tại châu Á lẫn châu Âu đều liên tục xô đổ kỷ lục.

 

Chưa kể, nhiều cú sốc khác cũng đang diễn ra: giá cước vận tải biển phi mã vì nhu cầu mua sắm hàng hóa lớn, thiếu hụt container và tắc nghẽn tại các cảng biển trên khắp hành tinh; doanh nghiệp thiếu hụt lao động hậu đại dịch, như trường hợp của TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai tại Việt Nam sau nhiều tháng dài giãn cách xã hội.

 

Chia sẻ với Wall Street Journal, ông Michael Moran, kinh tế trưởng tại công ty tài chính Daiwa Capital Markets America, nhấn mạnh: "Đây là một cơn bão hoàn hảo để lạm phát sinh sôi: chuỗi cung ứng kẹt cứng, thị trường lao động tắc nghẽn, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa siêu lỏng lẻo".

Sau nhiều tháng khẳng định lạm phát chỉ tăng nhất thời, Fed đã phát tín hiệu sẽ siết chặt chính từ giữa tháng 11 năm nay, chuẩn bị cho việc tăng lãi suất vào năm tới. Cụ thể, trong biên bản cuộc họp tháng 9, các quan chức Fed cho biết ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giảm bơm tiền thông qua chương trình thu mua tài sản trị giá 120 triệu USD/tháng.

Để đối phó với áp lực lạm phát, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng rục rịch chuẩn bị tăng lãi suất, nhiều khả năng đây sẽ là ngân hàng trung ương đầu tiên của một nền kinh tế lớn có động thái này.

Tại sao giá vàng không phi mã dù lạm phát tăng mạnh?

Trong mắt nhà đầu tư, vàng thường được coi là một công cụ ngừa lạm phát hiệu quả và giá vàng có xu hướng leo thang khi áp lực lạm phát gia tăng.

Hồi tháng 9 năm nay, ngân hàng Canada CIBC dự đoán giá vàng sẽ đạt trung bình 1.925 USD/ounce trong quý III, sau đó leo lên 2.000 USD/ounce vào quý IV; 2.300 USD/ounce vào năm 2022; 2.200 USD vào năm 2023; và cuối cùng trở về ngưỡng 2.000 USD/ounce trong năm 2024.

Tờ Economic Times của Ấn Độ cũng dẫn lời các chuyên gia lưu ý rằng, giá của kim loại quý này có thể tăng lên mức đỉnh mọi thời đại vào cuối năm 2021. Các chuyên gia này cho rằng đồng USD yếu đi, lãi suất còn thấp và lạm phát tăng cao, cũng như nhu cầu mua vàng vật chất của người dân Ấn Độ trong mùa lễ hội sắp tới là những trụ đỡ cho vàng.

 

Tuy nhiên, trong vài tháng trở lại đây, giá vàng lại liên tục lên xuống thất thường và chưa thể phá ngưỡng kháng cự quan trọng là 1.800 USD/ounce. Tại thời điểm 16h30 ngày 18/10 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đang dao động quanh mức 1.763 USD/ounce, theo goldprice.org.

Bình luận về việc này, bà Amy Arnott, một chiến lược gia về danh mục tại hãng tư vấn Morningstar, cho rằng các nhà đầu tư đang e ngại về giá tiêu dùng leo thang có thể tìm đến các tài sản thay thế khác.

"Vàng không phải là một hàng rào chống lạm phát hiệu quả", bà Arnott nhấn mạnh. Kết luận này được đưa ra sau khi vị chiến lược gia phân tích tỷ suất sinh lợi của nhiều tài sản như quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT), thị trường hàng hóa và vàng.

 

Tương tự, một nghiên cứu khác của giáo sư Campbell Harvey thuộc Đại học Duke và cựu giám đốc cấp cao Claude Erb của công ty tài chính TCW Group cho thấy, sau khi Tổng thống Nixon từ bỏ bản vị vàng vào năm 1971, lạm phát và giá vàng đều tăng. Mối tương quan nêu trên đã khiến nhiều người tin rằng vàng là công cụ phòng ngừa lạm phát hiệu quả. Song, thực tế lại chứng minh điều ngược lại.

Nếu vàng là một hàng rào ngừa lạm phát tốt, thì tỷ lệ giữa giá vàng và chỉ số CPI phải tăng tương đối trong các năm qua. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Trong 50 năm qua, tỷ lệ này liên tục biến động từ mức thấp 1 điểm lên mức cao 8,4 điểm.

Nghiên cứu kết luận rằng, vàng chỉ là một tài sản ngăn ngừa lạm phát hiệu quả nếu xét trong một thời gian dài, vượt kế hoạch đầu tư thông thường của nhà giao dịch, chẳng hạn như một thế kỷ trở lên.

Bóng ma lạm phát gần kề, tại sao giá vàng thế giới không tăng phi mã? - Ảnh 6.

 

Yên Khê