|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

4 lý do khiến NASA quyết trở lại Mặt Trăng sau 50 năm rời đi

11:09 | 30/08/2022
Chia sẻ
Lần cuối cùng con người bước đi trên Mặt Trăng là vào năm 1972, tức là từ nửa thế kỷ trước. Giờ đây, NASA một lần nữa muốn đưa phi hành gia lên Mặt Trăng để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng.

Tổng thống Mỹ John F. Kennedy năm 1962. (Ảnh: Getty Images).

Năm 1962, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã có một bài phát biểu nổi tiếng về thách thức đưa người Mỹ đặt chân lên Mặt Trăng. Ông nói chính phủ lựa chọn du hành Mặt Trăng vì đây không phải là điều dễ dàng mà là một nhiệm vụ khó khăn.

Như một kỳ tích về khoa học công nghệ, trong vòng 7 năm, chương trình Apollo đã hoàn thành nhiệm vụ ông Kennedy giao phó khi gửi 12 phi hành gia lên Mặt Trăng từ năm 1969 đến 1972 để làm 6 nhiệm vụ, với chi phí khoảng 25 tỷ USD thời đó - tương đương 250 tỷ USD ngày nay.

60 năm sau bài phát biểu của ông Kennedy, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) lại chuẩn bị đưa con người trở lại Mặt Trăng. Theo chương trình Artemis, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 29/8, đánh dấu giai đoạn Artemis I.

Tuy nhiên, chuyến bay này đã gặp sự cố về động cơ và phải hoãn lại.

Theo kế hoạch, sau khi chuyến bay thử nghiệm thành công, các phi hành gia sẽ được đưa lên Mặt Trăng để tiếp tục làm nhiệm vụ. Trước sự kiện trên, nhiều người đã đặt câu hỏi: Tại sao NASA lại quyết định quay trở lại Mặt Trăng? Theo NPR, câu trả lời gồm 4 lý do:

Nhiều nghiên cứu khoa học cần được thực hiện trên Mặt Trăng

Mẫu đá do các phi hành gia của chương trình Apollo mang về cách đây vài thập kỷ đã giúp các nhà khoa học rất nhiều khi nghiên cứu về lịch sử địa chất của Trái Đất và Mặt Trăng.

Ông David Kring, một nhà địa chất học tại Trung tâm Khám phá & Khoa học Mặt Trăng ở Houston, Texas (Mỹ) nhận định những gì các phi hành gia có thể thu thập được trong thời gian tới có thể cung cấp thêm kiến thức cho con người.

Trong chương trình Apollo, 6 cuộc hạ cánh của tàu vũ trụ đều gần vùng xích đạo của Mặt Trăng do đây là khu vực dễ hạ cánh nhất. Tuy nhiên, hiện nay NASA đặt ra mục tiêu tham vọng hơn.

Mới đây, NASA đã công bố 13 địa điểm có thể hạ cánh, nằm ở khu vực cực nam, nơi băng đá nằm sâu bên trong miệng hố và không bao giờ nhìn thấy ánh sáng Mặt Trời.

Dự kiến, trong giai đoạn Artemis II, một phi hành đoàn sẽ bay đến Mặt Trăng vào năm 2024. Trong giai đoạn Artemis III phi hành đoàn sẽ có chuyến hạ cánh đầu tiên xuống Mặt Trăng và có thể diễn ra sớm nhất vào năm 2025.

Phối cảnh 13 địa điểm trên Mặt Trăng mà tàu vũ trụ Artemis của NASA có thể sẽ hạ cánh. Mỗi khu vực có kích thước khoảng 14 km x 14 km. (Ảnh: NASA).

Bà Bethany Ehlmann, Phó Giám đốc của Viện Nghiên cứu Không gian Keck thuộc Viện Công nghệ California, cho biết các địa điểm hạ cánh mới nằm trong số trong những nơi tốt nhất để nghiên cứu địa chất Mặt Trăng và tìm hiểu băng Mặt Trăng và lấy mẫu băng.

Theo nhà địa chất học David Kring, cực nam Mặt Trăng là khu vực địa chất hết sức bất thường.

Ông Kring nhấn mạnh nếu muốn tìm ra nguồn gốc của sự tiến hóa trong hệ Mặt Trời, không có nơi nào tốt hơn là Mặt Trăng, bởi vì vệ tinh này chưa bao giờ có bầu khí quyển hay nước chảy, không bị phong hóa và xói mòn. Do đó, Mặt Trăng vẫn lưu giữ bằng chứng về nguồn gốc của mình.

Theo ông Kring, nhờ sự tiến bộ của khoa học công nghệ trong nhiều thập kỷ kể từ sau chương trình Apollo, các tàu thăm dò như Lunar Reconnaissance Orbiter đã giúp xác định mức độ chi tiết trên bề mặt Mặt Trăng, nhờ đó, giới khoa học đã xác định được những loại đá trên bề mặt Mặt Trăng cần các phi hành gia thu thập.

Ông Craig Hardgrove, Phó Giáo sư tại Trường Khám phá Vũ trụ và Trái Đất thuộc Đại học bang Arizona, cho biết ông rất ủng hộ việc khám phá bằng robot, song phương pháp này cũng có những hạn chế. Trong khi đó, con người có thể thu thập số lượng lớn các mẫu vật nhanh hơn nhiều so với robot.

Với việc các phi hành gia lựa chọn mẫu tốt nhất để mang về, những phòng thí nghiệm và trường đại học có thể kiểm tra mẫu bằng nhiều loại công cụ tinh vi hơn, giúp con người có cơ hội trả lời nhiều câu hỏi hơn nếu chỉ giới hạn trong việc sử dụng các xe thám hiểm.

Bước đệm để lên sao Hỏa

Ông Hardgrove cho biết, sao Hỏa cách xa Trái đất ít nhất 200 lần so với Mặt Trăng. Điều này đặt ra một thách thức rất lớn để giữ an toàn cho các phi hành gia khỏi những thứ như phơi nhiễm phóng xạ.

Theo ông, cứ hai năm sẽ có một cơ hội để con người đặt chân lên sao Hỏa. Do đó, các nhà khoa học đang cân nhắc về việc giữ các phi hành gia lại trên bề mặt sao Hỏa trong một thời gian dài.

Chương trình Apollo trước đây chủ yếu xoay quanh việc đánh bại Liên Xô để lên Mặt Trăng. Nhiệm vụ này đã thành công, nhưng Apollo không có kế hoạch dài hạn để duy trì sự hiện diện bền vững của con người trên đó.

Ông Clive Neal, Giáo sư về khoa học Trái Đất tại Đại học Notre Dame, cho rằng chương trình Artemis có thể thay đổi vấn đề nói trên và kỳ vọng về sự thay đổi dần dần để hướng tới duy trì sự hiện diện vĩnh viễn của con người trên Mặt Trăng.

SpaceX, một liên doanh thương mại, đã được chọn để cung cấp phương tiện đưa các phi hành gia của chương trình Artemis lên Mặt Trăng. Vì vậy, viễn cảnh sống trên Mặt Trăng có thể không còn xa như người ta từng nghĩ.

Ông Neal cho rằng cần xây dựng cơ sở hạ tầng để duy trì sự tồn tại lâu dài của con người trên Mặt Trăng và chuyển đổi sang các hoạt động thương mại trong tương lai.

Mô phỏng tàu vũ trụ SpaceX đưa phi hành gia đầu tiên trong chương trình Artemis lên Mặt Trăng. (Ảnh: SpaceX).

Khả năng thúc đẩy các công nghệ mới

Hàng chục công nghệ mới được tạo ra để đi vào vũ trụ và đặt chân lên Mặt Trăng đã mang lại những lợi ích đáng kể cho con người trên Trái Đất, với nhiều sản phẩm như máy tính cầm tay, máy bơm insulin và thực phẩm đông khô.

Chương trình Artemis cũng có thể thúc đẩy những công nghệ đổi mới tương tự. Theo một nghiên cứu năm 2013 do NASA yêu cầu thực hiện, các sản phẩm thương mại xuất phát từ nghiên cứu của cơ quan vũ trụ này mang lại cho kinh tế Mỹ từ 100 triệu đến 1 tỷ USD mỗi năm.

Nhiều "spinoff" trong số các sản phẩm thương mại có nguồn gốc từ chương trình Apollo. (Spin-off được coi là một hình thức thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ phổ biến trong các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu nhằm mục đích khai thác, tối đa hóa lợi ích kinh tế của những tri thức tạo ra).

Ví dụ, Máy tính Hướng dẫn Apollo - một kiệt tác vào thời điểm đó - đã trở thành bước đầu của công nghệ điều khiển điện tử được sử dụng trong máy bay chở khách và máy bay quân sự hiện nay.

Ông Neal nhấn mạnh nước Mỹ vẫn đang gặt hái được những thành quả từ việc thu nhỏ các thiết bị điện tử trong giai đoạn thực hiện chương trình Apollo. Theo ông, điện thoại di động có lẽ đã không có mặt trên thị trường nếu không có Apollo.

Các loại vải chống cháy lần đầu tiên được sử dụng cho bộ đồ không gian, hiện nay đang được dùng để may quần áo cho lính cứu hỏa trên khắp đất nước.

Khả năng truyền cảm hứng

Nhiều người thường nói rằng các bức ảnh chụp Mặt Trăng từ chương trình Apollo đã truyền cảm hứng cho hàng nghìn kỹ sư và nhà khoa học mới.

Mặc dù không thể đưa ra những con số cụ thể, song theo một cuộc khảo sát năm 2009 với 800 nhà nghiên cứu, cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng xứng đáng được ghi nhận vì đã tạo động lực cho một phần lớn các nhà khoa học ngày nay.

Trà My