|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nếu Mỹ áp thuế thật, Trung Quốc sẽ đáp trả kiểu gì?

22:27 | 03/08/2019
Chia sẻ
Sau đe dọa áp thuế của ông Trump, Trung Quốc suy tính toán xem nên phản đòn như thế nào. Nhưng càng suy nghĩ, Trung Quốc càng nhận thấy vấn đề trước mắt lớn nhất của mình chính là nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

Một cánh cửa khép lại ...

Hôm 1/8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế suất 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1/9 tới. Ngay sau đó, các quan chức Trung Quốc khẳng định sẽ đáp trả thích đáng nếu ông Trump thực sự áp thuế như tuyên bố.

Hôm 2/8, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này sẽ "thực hiện mọi biện pháp phản đòn cần thiết để kiên quyết bảo vệ lợi ích cốt lõi của quốc gia và dân tộc."

Câu hỏi đặt ra lúc này là bằng cách nào. Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ chỉ bằng một phần nhỏ so với Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc, vậy nên chính quyền Bắc Kinh không thể đánh thuế với qui mô tương đương như Washington đang làm.

XNK My - Trung

Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn so với Trung Quốc nhập từ Mỹ. Nguồn: Cục Thống kê Dân số Mỹ.

Năm 2018, Mỹ nhập 540 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Hiện nay, Mỹ đã áp thuế lên 250 tỉ USD hàng hóa và sắp tới sẽ áp thuế lên khoảng 300 tỉ USD còn lại.

Trong khi đó, Trung Quốc nhập 120 tỉ USD từ Mỹ trong năm 2018. Hiện nay Trung Quốc đã áp thuế lên 110 tỉ USD và chẳng còn mấy dư địa để đánh thuế tiếp.

... những cánh cửa khác mở ra

Tuy không thể đánh thuế lên hàng nhập khẩu như Mỹ đã, đang và sẽ làm, Trung Quốc có thể đánh trả bằng các biện pháp phi thuế quan.

Các mặt hàng mà Mỹ xuất sang Trung Quốc bao gồm nông sản như đậu nành, sản phẩm chuyên dụng như máy bay Boeing hay các con chip dùng trong điện thoại thông minh.

Trung Quốc có thể suy nghĩ đến việc kêu gọi người dân tẩy chay hàng hóa Mỹ, dừng mua máy bay Boeing, phá giá đồng nhân dân tệ, gây khó khăn và áp lực lên các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc hay kiểm soát chặt nguồn cung đất hiếm.

Theo tờ New York Times, các nhà đầu tư cho rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ dùng một số biện pháp trong những lựa chọn kể trên. 

Chẳng hạn, đồng nhân dân tệ hiện đang có mức giá thấp nhất trong năm 2019. Giá các cổ phiếu công ty sản xuất đất hiếm tăng mạnh trong khi giá cổ phiếu Boeing sụt giảm mạnh hơn so với thị trường chung.

Tuy nhiên mỗi biện pháp kể trên đều có những hạn chế, mà tất cả đều bắt nguồn từ việc nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong vòng 27 năm qua. Nếu phản đòn không khéo, Trung Quốc có thể tự làm hại mình, ảnh hưởng tới doanh nghiệp và người dân nước mình.

Yên ổn trong nhà mới đi ra ngoài ngõ

Trong vài tuần gần đây, các quan chức Trung Quốc phát tín hiệu cho rằng giải quyết vấn đề tăng trưởng ì ạch là yêu cầu tiên quyết nếu muốn giành ưu thế trong chiến tranh thương mại, đặc biệt là khi cuộc chiến nhiều khả năng sẽ kéo dài nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm nữa.

Nguy cơ chiến tranh thương mại kéo dài lại càng trở nên hiện hữu khi ông Trump đe dọa áp thuế hôm 1/8, chỉ một ngày sau khi các quan chức Mỹ kết thúc cuộc đàm phán với những người đồng cấp Trung Quốc tại Thượng Hải.

"Trung Quốc phải lập các kế hoạch dài hạn và sẽ phải tập trung vào bản thân mình nhiều hơn", TS Song Guoyou – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan nhận định.

"Trung Quốc không thể thay đổi được tiến trình cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và do vậy nước này nhận thấy cần phải chú trọng hơn tới cải cách trong nước", TS Song nói thêm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi người dân Trung Quốc chuẩn bị cho quãng thời gian khó khăn phía trước. Theo New York Times, trong những tháng gần đây Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) đã nới van tín dụng chảy vào các dự án cơ sở hạ tầng. 

Trước đây, chính sách kiểu này là công thức tin cậy để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng hiện nay nó lại đe dọa làm năng khối nợ khổng lồ của Trung Quốc.

Trong tuần này, Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì một cuộc họp chính sách kinh tế cấp cao. Các lãnh đạo tham gia cuộc họp này cho rằng Trung Quốc cần phải khuyến khích nhu cầu trong nước để giúp kiểm soát các rủi ro và thách thức kinh tế.

Các lãnh đạo này cũng gợi ý về khả năng ngân hàng trung ương bơm thêm tiền vào lưu thông để giúp chính quyền địa phương ổn định tình hình kinh tế trong vài tháng tới.

Ông Hồ Tích Tiến – Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của Trung Quốc đăng lên Twitter: "Trung Quốc sẽ không ưu tiên việc kiểm soát cán cân cuộc chiến thương mại mà thay vào đó sẽ tập trung vào một chiến lược quốc gia trong điều kiện cuộc chiến thương mại kéo dài".

Các quan chức Trung Quốc đã có những bước đi cụ thể nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào Mỹ đối với một số loại hàng hóa. 

Chẳng hạn, Trung Quốc đã nỗ lực tạo dựng quan hệ thương mại với Nhật Bản, Hàn Quốc và cắt giảm hàng rào thương mại với các quốc gia khác.

Trung Quốc cũng kí kết các thỏa thuận nhập khẩu nông sản từ các nước không phải Mỹ. Tuần này, Trung Quốc phê duyệt việc nhập khẩu đại mạch từ Nga. Chiến lược này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là nếu cuộc chiến thương mại cứ lai rai không dứt.

Trung Quốc có nguồn lực tài chính rất lớn, bao gồm khối tài sản tiết kiệm khổng lồ của người dân được gửi trong các ngân hàng thương mại nhà nước và cả "núi" dự trữ ngoại tệ. Nhưng hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ cũng hao tổn không ít nguồn lực.

Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đợi đến sau cuộc bầu cử tổng tuyển cử tại Mỹ vào năm sau với hi vọng ông Trump thất cử; tuy nhiên một số ứng cử viên Đảng Dân chủ cũng thể hiện lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.

Nếu bị dồn vào đường cùng

Nếu ông Trump quyết tâm áp thuế từ ngày 1/9, Trung Quốc sẽ buộc phải sử dụng đến những công cụ phi thuế quan để đáp trả.

Một kịch bản là Trung Quốc sẽ đưa các doanh nghiệp Mỹ vào cái gọi là "danh sách thực thể không đáng tin cậy" mà nước này thông báo mới đây sau khi Huawei bị đưa vào danh sách bị cấm giao dịch với doanh nghiệp Mỹ.

Trung Quốc đã công khai cảnh báo FedEx với cáo buộc doanh nghiệp kho vận này của Mỹ cố tình chậm giao hàng trăm bưu kiện cho Huawei. 

Nhiều doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc cũng đã nhận được cảnh báo sẽ phải chịu "hậu quả thảm khốc" nếu tuân theo lệnh cấm của Mỹ đối với Huawei.

Trung Quốc cũng có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp Mỹ bằng các biện pháp cấm xuất cảnh đối với các doanh nhân, lãnh đạo; hoặc cố ý trì hoãn quá trình cấp phép và thông qua giao dịch.

(Đầu tháng 6 vừa qua, một lãnh đạo của Tập đoàn Koch Industries của Mỹ đã bị yêu cầu không được rời khỏi Trung Quốc và phải trả lời các câu hỏi trong nhiều ngày liền về vấn đề chiến tranh thương mại và quan hệ Mỹ - Trung.)

Các quan chức và bộ máy truyền thông nhà nước Trung Quốc có thể kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay thương hiệu Mỹ như Apple. Tuy nhiên hành động này có thể phản tác dụng, khiến các nhà máy và hàng trăm ngàn công nhân Trung Quốc "bỗng dưng mất việc" đồng thời ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Một biện pháp có thể giúp hạn chế tác động của thuế quan là phá giá đồng nhân dân tệ. Nhưng kinh nghiệm lịch sử cho thấy "liều thuốc" này có vẻ như quá "đắng".

Năm 2015 khi Trung Quốc bất ngờ phá giá nội tệ, các thị trường tài chính bị một phen choáng váng và dòng vốn đã ồ ạt chảy ra nước ngoài. Về sau Bắc Kinh phải thắt chặt kiểm soát vốn và chi tới 1.000 tỉ USD để củng cố giá trị đồng nội tệ.

Hành động này cũng sẽ làm leo thang căng thẳng. Tổng thống Donald Trump đã không ít lần chỉ trích việc Bắc Kinh cố ý làm suy yếu đồng nhân dân tệ để giảm giá thành sản phẩm, cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa Mỹ.

Thậm chí hiện nay Bắc Kinh đang ngăn cản chứ không khuyến khích làm suy yếu đồng tiền của mình. Chỉ cần quan chức Trung Quốc khẽ nới lỏng tay trong việc kiểm soát, giá trị đồng nhân dân tệ sẽ đi xuống và lập tức khiến chính quyền ông Trump phải chú ý.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chưa có hành động trả đũa gì đáng kể trước tháng 9.

"Trung Quốc sẽ tập trung vào việc ổn định tình hình trong nước hơn là đáp trả. Ổn định trong nước đang là ưu tiên số một của Trung Quốc", ông  Shaun Roache – kinh tế trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương của S&P Global trao đổi với tờ New York Times.

Ngoài việc tính cách phản đòn, quan chức Trung Quốc cũng phải cố gắng phân tích chiến lược đàm phán của ông Trump. Một số chuyên gia cho rằng tính cách thất thường của Tổng thống Mỹ đã khiến cho Bắc Kinh phải lúng túng.

Ông Tu Xinquan – Giáo sư Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế trả lời phỏng vấn tờ New York Times: "Chúng tôi cũng không biết phải xử lí vấn đề này như thế nào. Đầu óc ông Trump có tỉnh táo hay không? Lời đe dọa của ông làm nhiều người rất bất ngờ, vì Nhà Trắng trước đó vừa thông báo các cuộc đàm phán vừa diễn ra rất có tính xây dựng".

Nhưng giáo sư Tu cũng nói thêm: Nếu thuế quan được chính thức áp dụng vào ngày 1/9, "tôi nghĩ phía Trung Quốc sẽ chấm dứt hoàn toàn việc đàm phán".

Song Ngọc, Kiên Dương