|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc triệu tập loạt doanh nghiệp nước ngoài, cảnh báo hậu quả thảm khốc nếu tuân theo lệnh cấm của Mỹ

16:41 | 09/06/2019
Chia sẻ
Ít ngày trước, chính phủ Trung Quốc triệu tập đại diện của các tập đoàn công nghệ lớn và cảnh báo rằng các doanh nghiệp này có thể phải gánh chịu "hậu quả thảm khốc" nếu hợp tác với các lệnh cấm của chính quyền Tổng thông Trump nhằm vào doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei.

Tờ New York Times dẫn nguồn tin giấu tên cho biết rất nhiều doanh nghiệp đã bị triệu tập đến cuộc họp, trong đó có Microsoft và Dell của Mỹ, SK Hynix và Samsung của Hàn Quốc, nhà thiết kế chip ARM của Anh, …. và các doanh nghiệp khác có hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.

Cuộc họp được tổ chức trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư tuần này, tức không lâu sau khi chính quyền Bắc Kinh tuyên bố đang chuẩn bị một danh sách những cá nhân và công ty nước ngoài "không đáng tin cậy" có thể bị Trung Quốc trừng phạt.

Danh sách này được coi là đòn trả đũa việc chính quyền Tổng thống Trump áp lệnh cấm lên tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc, khiến cho Huawei không mua được linh kiện cũng như dịch vụ công nghệ thiết yếu. Theo cáo buộc từ phía Mỹ, nguyên nhân của lệnh cấm này là Huawei đã ăn cắp bí mật thương mại và do thám bất hợp pháp.

Trung Quốc triệu tập loạt doanh nghiệp nước ngoài, cảnh báo hậu quả thảm khốc nếu tuân theo lệnh cấm của Mỹ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: The Verge.

Theo nguồn tin của New York Times, cuộc họp với các đại gia công nghệ nói trên được chủ trì bởi đơn vị kế hoạch hóa kinh tế cấp Trung ương của Trung Quốc - Ủy ban Phát triển và Đổi mới Quốc gia, đồng thời có sự tham gia của đại diện Bộ Thương mại và Bộ Công nghệ thông tin Trung Quốc. Đại diện các cơ quan này đã phát biểu công khai trước rất nhiều doanh nghiệp có mặt tại cuộc họp.

Sự góp mặt của ba cơ quan quản lí này cho thấy sự phối hợp và đồng thuận cấp cao trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc. Nguồn tin của New York Times cho rằng động thái này là nhằm huy động sự ủng hộ cho Huawei mặc dù doanh nghiệp này không được nói đến đích danh.

Phát ngôn viên của Microsoft, Dell và ARM từ chối đưa ra bình luận, đại diện của Samsung và SK Hynix không phản hồi câu hỏi của New York Times.

"Sẽ không mấy hiệu quả"

Nguồn tin trên còn cho biết, các quan chức Trung Quốc cảnh báo rõ ràng rằng những công ty nào có ý định di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc mà không phải vì mục đích đa dạng hóa hoạt động kinh doanh thông thường đều có thể bị trừng phạt. Ngoài ra, các quan chức Trung Quốc cũng có vẻ đưa ra những thông điệp hơi khác nhau, tùy thuộc đối tượng có phải là doanh nghiệp Mỹ hay không.

Đối với những doanh nghiệp đến từ Mỹ, phía Trung Quốc cảnh báo rằng hành động của chính quyền Trump nhằm cắt đứt nguồn cung công nghệ Mỹ đối với công ty Trung Quốc đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời đe dọa những công ty nào tuân theo chính sách này của Mỹ sẽ phải đối mặt với những hậu quả lâu dài.

Các cơ quan của chính phủ Trung Quốc không phản hồi yêu cầu xác nhận của New York Times.

Nguồn tin của New York Times còn nói thêm, các quan chức Trung Quốc cũng tuyên bố với những doanh nghiệp ngoài nước Mỹ rằng chỉ cần họ giữ quan hệ làm ăn như hiện nay và tiếp tục cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp Trung Quốc, họ sẽ không phải chịu sự trừng phạt nào. Các quan chức cũng khẳng định cam kết của Trung Quốc trong việc mở cửa thương mại và chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Scott Kennedy, một chuyên gia đến từ Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định: "Khi có tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước  khác kèm theo nguy cơ các tập đoàn đa quốc gia hạn chế quan hệ làm ăn với Trung Quốc, chính phủ nước này thường xuyên sử dụng chiến thuật gây áp lực để buộc họ ngoan ngoãn cư xử đúng mực".

Chẳng hạn trong một chuyến thăm cấp cao tới Mỹ năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình dừng chân ở thành phố Seattle trước khi tới Washington. Tại đây, ông gặp gỡ hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc cũng như Mỹ để nhấn mạnh mối quan hệ kinh tế bền chặt giữa hai nước, ngay trong lúc chính quyền Tổng thống Obama tìm cách đẩy lùi chính sách thương mại và qui định đầu tư phi cạnh tranh của Trung Quốc.

Tuy nhiên theo nhận định của ông Kennedy, chiến thuật này của Trung Quốc sẽ kém hiệu quả trong bối cảnh hiện nay vì nó buộc các doanh nghiệp phải lựa chọn giữa việc khuất phục trước sức ép từ phía Bắc Kinh hay tuân theo lệnh cấm của Mỹ.

"Doanh nghiệp Mỹ sẽ không vi phạm qui định của Mỹ, đặc biệt là trong một vấn đề nổi cộm thu hút sự chú ý hiện nay khi mà các hành động của họ đều bị giám sát chặt chẽ", ông Kennedy nhận định.