|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

‘Huawei thời chiến’: Nhân viên chia ca làm việc 24/7, nhiều ngày không về nhà

14:00 | 07/06/2019
Chia sẻ
Đằng sau cánh cổng khu trụ sở của Huawei tại Trung Quốc, nhân viên đang làm việc tất bật. Những chiếc xe buýt nhỏ chở nhân viên di chuyển giữa các tòa nhà liên tục ngày này qua ngày khác, đèn huỳnh quang chiếu sáng xuyên màn đêm, nhà ăn nhân viên mở cửa cho tới tối muộn.

Tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc – Huawei phát triển hùng mạnh được như ngày nay là nhờ vào một văn hóa làm việc mà nhân viên trong công ty cũng như người ngoài gọi là "văn hóa chó sói". Tinh thần làm việc không khoan nhượng này giờ đây càng được khuếch đại khi Huawei đang đối đầu với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc chiến đầy cam go.

‘Huawei thời chiến’: Nhân viên chia ca làm việc 24/7, nhiều ngày không về nhà - Ảnh 1.

Nhân viên Huawei xếp hàng tại nhà ăn của công ty. Ảnh: Getty Image.

Ngày 15/5, ông Trump kí một lệnh hành pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì các mối đe dọa về thông tin và truyền thông. Đến ngày 17/5, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm Huawei vào một bản danh sách đen, cắt đứt đường tiếp cận các công nghệ thiết yếu cũng như cấm tập đoàn Trung Quốc này giao dịch với doanh nghiệp Mỹ.

Theo một nguồn tin riêng của Bloomberg, Huawei gần đây đã phân công 10.000 kĩ sư luân phiên làm việc 3 ca một ngày tại các văn phòng ở Thượng Hải, Thẩm Quyến và Tây An để cố gắng chấm dứt sự phụ thuộc vào phần mềm cũng như linh kiện Mỹ. Từ cô lao công đến anh lái xe, tất cả đều được huy động vào "cuộc chiến" và được yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng tâm lí cho tình hình áp lực chính trị và thị trường gia tăng trong lương lai.

Huawei từ chối bình luận cụ thể và chỉ nói rằng tập đoàn này đã có kế hoạch dự bị cho  một tình huống chính xác như thế này.

‘Huawei thời chiến’: Nhân viên chia ca làm việc 24/7, nhiều ngày không về nhà - Ảnh 2.

Nhân viên Huawei tại khu trụ sở Thẩm Quyến đi bộ đến nhà ăn, ngày 22/5/2019. Ảnh: Bloomberg.

Một người ở Huawei cho biết nhiều kĩ sư ở đây đã nhiều ngày liền không về nhà. Các kĩ sư này đang nghiên cứu nhiều sản phẩm khác nhau, trong đó có ăng-ten trạm gốc (base station antennas) – một loại thiết bị mà các doanh nghiệp Mỹ như Rogers Corp. sản xuất và chi phối thị trường. Các kĩ sư Huawei cũng đang tìm cách cải tiến toàn bộ các trạm gốc 4G, qua đó cạnh tranh ngang ngửa với các sản phẩm của Ericsson và Nokia.

Một kĩ sư Huawei nói với Bloomberg: "Bây giờ đừng hỏi liệu chúng tôi có thắng được hay không – bởi vì chúng tôi buộc phải chiến thắng. Đây không phải cuộc chiến của riêng Huawei mà là cuộc chiến vì một nền công nghiệp viễn thông độc lập của Trung Quốc".

Trên một diễn đàn online cho nhân viên Huawei có một bài đăng với nội dung: "Những chiến binh trong áo giáp vàng sẽ không trở về nhà cho đến khi đánh bại được Donald Trump của nước Mỹ".

‘Huawei thời chiến’: Nhân viên chia ca làm việc 24/7, nhiều ngày không về nhà - Ảnh 3.

Nhân viên mới của Huawei trong lớp huấn luyện tại Trường Đại học Huawei, ngày 23/5/2019. Ảnh: Bloomberg.

Theo tờ Washington Post, các nhân viên mới của Huawei phải trải qua hai tuần huấn luyện tại Đại học Huawei – tổ chức đào tạo riêng của công ty.

Ở đây, các nhân viên phải ở trong phòng như kí túc xá, thức dậy vào lúc 5h sáng, chạy và tập các bài thể dục trong đồng phục màu trắng-đỏ của Huawei. Sau đó, các nhân viên mới này đến các lợp học về lịch sử, sản phẩm và văn hóa của công ty. Một cựu nhân viên của Huawei miêu tả văn hóa tại đây "khát máu như chó sói".

Một nghiên cứu đăng trên Harvard Business Review thì miêu tả không khí làm việc tại Huawei "căng thẳng như trên chiến trường",

Các lệnh cấm và hành động tẩy chay của nước Mỹ có thể đặt dấu chấm hết cho một giai đoạn tăng trưởng thần tốc của Huawei. Hiện nay tập đoàn Trung Quốc này đang là số 1 thế giới về thiết bị mạng viễn thông và thứ 2 thế giới về điện thoại di động chỉ sau Samsung của Hàn Quốc.

Lệnh cấm của Mỹ đã khiến các nhà sản xuất chip cả ở Mỹ và Châu Âu lo lắng do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe dọa. Lịch triển khai mạng không dây 5G toàn cầu cũng có thể bị ảnh hưởng, khiến cho việc ứng dụng xe tự lái hay robot phẫu thuật bị chậm lại.

Tổng thống Trump cho biết những lệnh cấm được ban hành là biện pháp cần thiết để ngăn ngừa việc Huawei giúp chính quyền Bắc Kinh ăn trộm thông tin từ các quốc gia khác. Từ nhiều năm qua, Huawei đã bị cáo buộc và thưa kiện về hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ từ nhiều công ty lớn, bao gồm cả Cisco và T-Mobile. Về phần mình, Huawei phủ nhận mọi cáo buộc trên.

Nhà sáng lập Huawei – CEO Nhậm Chính Phi trả lời phỏng vấn Bloomberg cho biết: "Chúng tôi đang đi trước nước Mỹ về công nghệ. Nếu chúng tôi tụt hậu so với Mỹ, ông Trump sẽ không tấn công chúng tôi như vậy".

Lãnh đạo Huawei đã  theo dõi sát sao hành động của Bộ Thương mại Mỹ hồi năm ngoái khi cơ quan này buộc một tập đoàn Trung Quốc khác là ZTE phải khuất phục và thay đổi hoàn toàn hệ thống quản lí, trả án phạt hàng tỉ USD đồng thời cho phép Mỹ quyền tiếp cận không hạn chế mọi hoạt động của công ty. Khi đó, lãnh đạo Huawei đã hạ quyết tâm phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản xấu nhất.

Trong một thông báo nội bộ ngay sau khi lệnh cấm của Mỹ được công bố: "Lịch sử đứng về phía chúng ta. Cầu vồng luôn xuất hiện sau cơn mưa. Huawei mong muốn tất cả cán bộ nhân viên trong công ty hãy giữ vững niềm tin, không ngừng cống hiến và tận tâm hoàn thành nhiệm vụ của mình".

Chính phủ Trung Quốc sẽ cứu "con cưng" của mình thế nào?

Một nguồn tin cho biết Huawei đã tích trữ chip và các linh kiện quan trọng khác đủ để sử dụng trong ba tháng. Nhiều người trong số 180.000 nhân viên Huawei tỏ ra lạc quan rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ giải quyết được tranh chấp với Washington.

Một số khác lại cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ bơm vốn hoặc dùng các chính sách khác để vực dậy "niềm tự hào Huawei" của mình.

Hôm 17/5, cùng ngày Huawei bị Mỹ cho vào danh sách đen, Trung Quốc công bố chính sách miễn thuế cho các doanh nghiệp thiết kế chip và phần mềm trong nước. Theo đó, HiSilicon – công ty con sản xuất chip mang đầy màu sắc bí mật của Huawei – sẽ không phải nộp một đồng thuế nào trong hai năm tới. Hiện nay HiSilicon đang là đơn vị đảm nhiệm trọng trách phát triển chip với mục tiêu giúp Huawei chấm dứt sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ.

Dẫu vậy, tâm lí lo lắng bất an vẫn xuất hiện ở các chi nhánh Huawei từ Tokyo tới Sydney. Một nhân viên Huawei nói: "Chúng tôi phải thừa nhận rằng lệnh cấm của Mỹ có tác động rất tiêu cực, tin tức xấu về Huawei xuất hiện liên tục ngày này qua ngày khác. Nhưng các nhân viên công ty ở Nhật Bản đang dần phấn chấn lên, và chúng tôi cố gắng tiếp tục làm việc như bình thường. Một số khách hàng thậm chí còn cố gắng động viên chúng tôi".

Việc nhân viên của Huawei có thể nhanh chóng lấy lại tinh thần làm việc cho thấy tài lãnh đạo và uy tín của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi đối với cấp dưới. 

Ông Nhậm trước đây là một kĩ sư thuộc Binh chủng Kiến thiết cơ sở hạ tầng trong Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Ở Trung Quốc, ông được ca ngợi là vị tỉ phú từ hai bàn tay trắng xây dựng nên một tập đoàn hùng mạnh có doanh thu hàng năm lớn hơn cả hai gã khổng lồ khác là Alibaba và Tencent cộng lại. Ông Nhậm từng nói về gia đình mình thuở hàn vi: "Chúng tôi có muối để nấu ăn, và vì thế chúng tôi được coi là giàu có".

‘Huawei thời chiến’: Nhân viên chia ca làm việc 24/7, nhiều ngày không về nhà - Ảnh 6.

Nhân viên Huawei sau giờ làm việc tại trung tâm nghiên cứu và phát triển Ox Horn, phía nam Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Trong khi Huawei khuấy động tinh thần của nhân viên thì nước Mỹ tiếp tục lôi kéo, thậm chí gây áp lực yêu cầu các quốc gia khác tẩy chay thiết bị Huawei vì lí do an ninh.

Australia và New Zealand đã ngả theo Mỹ. Nhật Bản cũng có thể coi là đã làm tương tự. Trong khi đó các quốc gia khác bao gồm Vương Quốc Anh vẫn đang đắn đo. Tổng thống Trump từng nói các lệnh cấm đối với Huawei có thể được gỡ bỏ như là một phần của thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, tuy nhiên đến nay cuộc đàm phán giữa hai bên đã đi vào ngõ cụt. Huawei vẫn phải tiếp tục nỗ lực thay thế sản phẩm, dịch vụ Mỹ và những ngọn đèn trong văn phòng của Huawei vẫn còn phải thắp sáng xuyên nhiều đêm nữa.

Đức Quyền, Song Ngọc