|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Huawei và Mỹ: Ai đi trước? Ai ăn cắp công nghệ?

18:52 | 27/05/2019
Chia sẻ
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần cáo buộc tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc ăn cắp công nghệ của Mỹ đồng thời tham gia vào các hoạt động tình báo, gián điệp chống lại Mỹ. Trong khi những bằng chứng chống lại Huawei còn rất mơ hồ thì đã có nhiều thông tin bất lợi cho Mỹ được công khai rõ ràng.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg ngày 24/5, nhà sáng lập và CEO của Tập đoàn Huawei - ông Nhậm Chính Phi được hỏi về những cáo buộc của Mỹ về việc Huawei là gián điệp của Trung Quốc và ăn cắp bí mật công nghệ từ các doanh nghiệp Mỹ như Cisco, Motorola, T-Mobile....

Ông chủ Huawei cười lớn và đáp: "Mỹ thậm chí còn chưa có những công nghệ đó. Chúng tôi đi trước Mỹ. Nếu chúng tôi đi sau, chính quyền Trump sẽ chẳng tốn nhiều công sức tấn công chúng tôi".

Huawei và Mỹ: Ai đi trước ai?

Huawei là một trong những tập đoàn đầu tư mạnh nhất cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Năm 2018, chi cho R&D của Huawei là hơn 101 tỉ nhân dân tệ, tương đương 15,3 tỉ USD. Con số này chỉ đứng sau Amazon, Alphabet và Samsung.

Nhiều hãng công nghệ của Mỹ còn xếp sau Huawei như Microsoft, Apple, Intel.

Huawei và Mỹ: Ai đi trước? Ai ăn cắp công nghệ? - Ảnh 1.

Huawei chi 15,3 tỉ USD cho hoạt động R&D trong năm 2018, nhiều hơn Microsoft, Apple, Intel. Nguồn: Bloomberg, EqualOcean.

Trong giai đoạn 2014-2018, chi cho R&D của Huawei tăng trưởng 149%, chỉ dưới Amazon và đứng trên Microsoft, Alphabet, Apple, Intel, …

Huawei và Mỹ: Ai đi trước? Ai ăn cắp công nghệ? - Ảnh 2.

Chi cho R&D của Huawei tăng trưởng 149% giai đoạn 2014-2018.

Riêng về công nghệ 5G, Huawei là doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu & phát triển mạnh tay nhất, đồng thời là doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất.

Huawei và Mỹ: Ai đi trước? Ai ăn cắp công nghệ? - Ảnh 3.

Top doanh nghiệp có nhiều đóng góp kĩ thuật cho 5G nhất. Nguồn: IPlytics, CNBC.

Những nỗ lực này của Huawei đã mang lại thành quả: Tính đến tháng 2/2019, Huawei nắm giữ số lượng bản quyền 5G thiết yếu nhiều nhất thế giới với 1.529 chiếc.

Huawei và Mỹ: Ai đi trước? Ai ăn cắp công nghệ? - Ảnh 4.

Top doanh nghiệp giữ nhiều bản quyền 5G nhất thế giới. Nguồn: IPlytics, CNBC.

Trong tương lai, những ngành phụ thuộc vào kết nối mạng như vận tải hay năng lượng sẽ phải trả phí bản quyền khi sử dụng mạng tốc độ cao 5G.

Điều này có nghĩa một công ty nắm giữ nhiều bản quyền công nghệ như Huawei sẽ có quyền kiểm soát đáng kể đối với hệ thống mạng này.

Nói cách khác, cho dù các nước không mua thiết bị 5G của Huawei nhưng sử dụng thiết bị có công nghệ 5G của Huawei thì vẫn sẽ phải trả tiền cho tập đoàn Trung Quốc này.

Ai ăn cắp công nghệ? Ai làm gián điệp?

Chính quyền Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần cáo buộc Huawei là công cụ của chính phủ Trung Quốc, giúp chính phủ này thu thập thông tin tình báo, gián điệp. 

Theo ông Trump, Huawei lén cài các "cửa sau" (backdoor) lên các thiết bị viễn thông bán cho các nước khác. Khi các thiết bị này được lắp đặt vào hệ thống mạng viễn thông, Huawei có thể thông qua các "cửa sau" này để truyền dữ liệu mật về Trung Quốc.

Ông Trump còn cáo buộc Huawei ăn cắp các bí mật công nghệ, bí mật thương mại của các doanh nghiệp Mỹ để phục vụ hoạt động của mình.

Vậy thực hư những cáo buộc này ra sao?

Năm 2003, quả đúng có việc Tập đoàn Cisco (Mỹ) kiện Huawei về tội vi phạm nhiều bản quyền và sao chép bất hợp pháp mã phần mềm. Tuy nhiên về sau, Cisco đã rút đơn kiện. 

Về cáo buộc lén cài "cửa sau" để thu thập tin tức tình báo, đến nay đây vẫn là một giả thuyết. Chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa tìm được bất kì một con chip hay một máy chủ nào do Huawei sản xuất có cài "cửa sau". Tức là ông Trump mới chỉ nghi ngờ chứ chưa thể chứng minh bằng các chứng cứ xác thực việc.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Time mới đây, ông Nhậm Chính Phi khẳng định: "Nếu bất kì quốc gia nào tìm thấy "cửa sau" trong thiết bị của Huawei, doanh số bán thiết bị của chúng tôi tại 170 quốc gia sẽ lập tức rớt thảm, tình hình tài chính của chúng tôi sẽ sụp đổ".

Ngược lại, ngày 22/3/2014, tờ New York Times, dẫn nguồn tin từ tài liệu do cựu điệp viên Edward Snowden cung cấp, đã đăng một bài viết nói về việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đột nhập mạng (hack) vào hệ thống máy chủ của Huawei tại thành phố Thẩm Quyến.

Huawei và Mỹ: Ai đi trước? Ai ăn cắp công nghệ? - Ảnh 6.

Cựu điệp viên NSA - Edward Snowden. Ảnh: New York Times

Chiến dịch tấn công mạng này có tên gọi "Shotgiant" và nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau.

Thứ nhất, để thu thập thông tin về cơ chế hoạt động của các bộ định tuyến (router) và bộ chuyển (switch) kĩ thuật số  khổng lồ mà Huawei quảng cáo là đang kết nối 1/3 dân số thế giới. 

Thứ hai, theo dõi liên lạc giữa các lãnh đạo cấp cao của Huawei.

Thứ ba, để lợi dụng công nghệ của Huawei để theo dõi và - nếu Tổng thống ra lệnh - tấn công mạng các quốc gia khác, các gồm cả những nước thân Mỹ và không thân Mỹ - miễn là họ sử dụng thiết bị Huawei. 

Tài liệu do Edward Snowden cung cấp có đoạn: "Nhiều mục tiêu của của chúng ta liên lạc với nhau thông qua các thiết bị do Huawei sản xuất. Chúng ta cần đảm bảo khả năng lợi dụng các thiết bị này ... để tiếp cận những mạng viễn thông cần thiết" trên khắp thế giới.

Về phần mình, NSA từ chối bình luận cụ thể về vụ đột nhập mạng Huawei mà chỉ nói chung chung: "Các hoạt động của NSA chỉ đặc biệt tập trung vào những mục tiêu gián điệp nước ngoài hợp lí, nhằm đáp ứng yêu cầu của hoạt động tình báo".

Song Ngọc