CEO Nhậm Chính Phi trải lòng: Huawei như một ‘chú thỏ con’ không đáng ngại, Mỹ nên tỏ ra thân thiện hơn
Mở đầu buổi phỏng vấn, CEO Nhậm Chính Phi nói: "Tôi muốn Huawei trở thành một công ty ngày càng tuyệt vời hơn. Tôi muốn tiến lên phía trước. Tôi không muốn dừng lại để đội lên đầu mình một cái mũ, nhận một giải thưởng. Nếu tôi có một cái bàn để đẩy huân chương, bằng khen thì điều đó có chứng tỏ được năng lực của tôi không? Liệu những danh hiệu phù phiếm đó có chứng minh được rằng tôi có thể xây dựng được một mạng 5G chất lượng không?"
CEO của Huawei - Nhậm Chính Phi. Ảnh: Time
Huawei được thành lập vào năm 1987 tại thành phố Thẩm Quyến ở phía nam Trung Quốc. Người sáng lập đồng thời là CEO của hãng từ đó đến nay là ông Nhậm Chính Phi – một cựu kĩ sư trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Số vốn ban đầu mà ông Nhậm rót vào Huawei là 21.000 nhân dân tệ.
Nhậm Chính Phi sinh năm 1944 tại tỉnh Quý Châu, là con cả trong một gia đình có 7 anh em với bố mẹ đều làm giáo viên. Ông được học máy tính điện tử, kĩ thuật số, tự động hóa tại Đại học Trùng Khánh.
Nhập ngũ năm 1974, ông tham gia Binh chủng Kiến thiết Cơ sở hạ tầng của quân đội với nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng Nhà máy Hóa sợi Liêu Dương. Theo website của Huawei, Nhậm Chính Phi từng đảm nhiệm nhiều vị trí tại nhà máy này như kĩ sư, kĩ thuật viên rồi được thăng chức phó giám đốc (tương đương cấp trung đoàn phó), nhưng ông không có quân hàm chính thức bởi hệ thống quân hàm trong quân đội Trung Quốc đã bị xóa bỏ trong một thời gian dài sau Cách mạng Văn hóa.
Ông hiện là Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.
CEO Nhậm Chính Phi nói về những hành động thù địch của nước Mỹ nhằm vào Huawei
"Tôi không biết nước Mỹ có động cơ gì nhưng tôi nghĩ nó cũng chẳng ảnh hưởng nhiều nếu như hiện tại Huawei không hoạt động tại Mỹ. Về việc liệu Huawei có thể thâm nhập thị trường Mỹ hay không, tôi nghĩ điều này cũng không quan trọng với chúng tôi vì dù không vào Mỹ, chúng tôi vẫn là số 1 thế giới. Chúng tôi không quá cần thị trường Mỹ.
Huawei có giá trị to lớn lắm không? Tôi thấy Huawei không có quá nhiều giá trị trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Khi còn trẻ tôi rất yêu thích nước Mỹ. Đến giờ tôi vẫn rất thích nước Mỹ. Nếu các bạn đọc các tài liệu doanh nghiệp mà tôi viết trong vài thập kỉ qua, các bạn sẽ thấy những tài liệu này mang đầy tinh thần Mỹ. Vì vậy tôi nghĩ các chính trị gia Mỹ đang tấn công nhầm đối tượng.
Nước Mỹ cần có lòng tin. Huawei chỉ là một "chú thỏ nhỏ", không thể phá hủy cả một ngành công nghiệp. Vì thế, nước Mỹ nên có thái độ thân thiện hơn với Huawei".
CEO của Huawei trả lời phỏng vấn Tạp chí Time. Ảnh chụp màn hình.
CEO Nhậm Chính Phi nói về độ an toàn của sản phẩm Huawei
Một số chuyên gia cảnh báo chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng những "cửa sau" được bí mật cài trong thiết bị của Huawei để lấy trộm thông tin bí mật của các nước khác.
"Chúng tôi tiến bộ không ngừng. Và việc phát hiện ra các vấn đề là hết sức bình thường, vì chúng tôi chưa bao giờ nói rằng thiết bị của Huawei hoàn toàn không có vấn đề gì, chúng tôi chỉ có thể khẳng định rằng thiết bị của mình không có yếu tố nguy hại nào.
Chủ quyền của một mạng viễn thông thuộc về quốc gia hoặc doanh nghiệp vận hành mạng đó. Huawei chỉ đơn giản là người bán thiết bị thôi. Huawei không có quyền lực hay khả năng để làm bất cứ việc gì cả.
Nếu bất kì quốc gia nào tìm thấy "cửa sau" trong thiết bị của Huawei, doanh số bán thiết bị của chúng tôi tại 170 quốc gia sẽ lập tức rớt thảm, tình hình tài chính của chúng tôi sẽ sụp đổ. Nếu thế giới chưa thể đi đến một thỏa thuận hợp lí, Huawei sẵn sàng thúc đẩy chính phủ Trung Quốc kí hiệp định "không cài cửa sau" trên thiết bị viễn thông với các quốc gia đồng ý.
Có lo ngại cho rằng tôi sắp vào tù, các bạn yên tâm, chắc chắn không thể có chuyện đó."
CEO Nhậm Chính Phi nói về việc con gái của mình bị bắt
Con gái của CEO Nhậm Chính Phi là bà Mạnh Vạn Châu – CFO của Huawei đã bị cảnh sát Canada bắt giữ theo yêu cầu của chính phủ Mỹ.
"Tất cả những gì chúng tôi biết là Mạnh Vãn Châu không phạm tội gì ở Canada, cũng không phạm tội gì ở Mỹ. Bản thân hành động bắt giữ Mạnh Vãn Châu là việc làm sai trái.
Thứ nhất, việc bắt giữ phải dựa trên tình tiết thực tế. Thứ hai, phải có bằng chứng. Tòa án phải thể hiện sự công bằng, cởi mở và minh bạch trong việc công bố những thông tin này. Đây là cách duy nhất để chứng minh Mạnh Vãn Châu có làm gì sai hay không. Chúng tôi cho rằng chỉ cần tất cả các bên sẵn sàng minh bạch mọi chuyện, Mạnh Vãn Châu sẽ không có vấn đề gì cả. Vì vậy nên chúng tôi tin tưởng vào tòa án".
Bà Mạnh Vãn Châu trước khi bị bắt. Ảnh: Huawei.
CEO Nhậm Chính Phi nói về Tổng thống Donald Trump
Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần cáo buộc Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, lợi dụng quan hệ thương mại hai nước để gây hại cho Mỹ.
"Tôi cho rằng những gì mà ông Trump nói khiến mọi người nghĩ đến chính phủ Trung Quốc, tức là chúng ta phải không ngừng cải thiện bản thân, nếu không sẽ bị đánh bại. Có thể chính phủ Trung Quốc sẽ ít ảo tưởng hơn. Tôi cho rằng chính quyền Tổng thống Trump buộc Trung Quốc phải tự cải thiện mình. Đây chẳng phải là điều tuyệt vời sao?"
CEO Nhậm Chính Phi nói về công nghệ 5G
"5G không phải là vấn đề chính trị. Các chính trị gia không thể kẻ một đường thẳng trên cát để chia tách hai phiên bản riêng biệt. Tôi nghĩ 5G đã đạt một nhóm tiêu chuẩn chung nhất định. Nếu không có sự liên kết cho các công nghệ 5G, chi phí sẽ cao hơn rất nhiều. Chúng tôi thực sự rất muốn được phục vụ thế giới.
Nếu chúng tôi định giá sản phẩm của mình quá thấp, chúng tôi sẽ khiến thế giới chịu thiệt và giết chết các doanh nghiệp phương Tây. Nếu Huawei định giá sản phẩm của mình tương đối cao tức là chúng tôi đã chừa ra con đường sống cho các doanh nghiệp khác. Nhờ vậy, chúng tôi có thể sử dụng lợi nhuận của mình để hỗ trợ các trường đại học và nhà khoa học đang nỗ lực khám phá tương lai.
5G chỉ là một công cụ. Giá trị và tác dụng của 5G đang bị thổi phồng. Chúng tôi không nghĩ 5G sẽ đóng góp cho xã hội nhiều tới mức như một số người tưởng tượng."
Theo số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường IPlytics, Huawei là doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển của mạng 5G.
Huawei đã đổ hơn 1 tỉ USD vào hoạt động nghiên cứu 5G và đăng kí bản quyền hầu hết công nghệ 5G quan trọng nhất.
Tính đến tháng 2/2019, Huawei là doanh nghiệp nắm giữ số lượng bản quyền 5G thiết yếu nhiều nhất thế giới.
Trong tương lai, những ngành phụ thuộc vào kết nối mạng như vận tải hay năng lượng sẽ phải trả phí bản quyền khi sử dụng mạng tốc độ cao 5G.
Điều này có nghĩa một công ty nắm giữ nhiều bản quyền công nghệ như Huawei sẽ có quyền kiểm soát đáng kể đối với hệ thống mạng này.
Nhiều quốc gia coi Huawei là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và vị thế tiên phong của Huawei trong công nghệ 5G khiến những nước này càng thêm lo lắng.