Chân dung Huawei: Từ startup bán hàng tí hon đến gã khổng lồ công nghệ rơi vào tầm ngắm Tổng thống Trump
Huawei là một trong những tập đoàn đa quốc gia thành công nhất của Trung Quốc. Công nghệ của Huawei được sử dụng tại hơn 170 nước trên khắp thế giới, điện thoại thông minh (smartphone) của hãng này cạnh tranh thị phần với cả Samsung và Apple.
Thị phần điện thoại di động thế giới năm 2018 của 5 đại gia đầu ngành. Nguồn: IDC, CNBC.
Tuy nhiên, một số quốc gia như Mỹ lại bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng điện thoại và các thiết bị khác mà Huawei sản xuất để thu thập thông tin gián điệp.
Trước đó tại Mỹ đã xuất hiện nhiều cáo buộc Huawei ăn cắp bí mật thương mại và gian lận trong giao dịch ngân hàng. Giờ đây, tương lai của Huawei đang bị đe dọa khi hãng công nghệ Trung Quốc này đang phải hứng chịu một cơn bão tố địa chính trị.
Huawei thuở lọt lòng
Cái tên Huawei - đọc là Hoa Vĩ - có hai cách dịch, "thành tích huy hoàng" hoặc "Trung Quốc thành công". Hãng được thành lập vào năm 1987 tại thành phố Thẩm Quyến ở phía nam Trung Quốc. Người sáng lập đồng thời là CEO của hãng từ đó đến nay là ông Nhậm Chính Phi – một cựu kĩ sư trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Ông Nhậm hiện là một Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhậm Chính Phi sinh năm 1944 tại tỉnh Quý Châu, là con cả trong một gia đình có 7 anh em với bố mẹ đều làm giáo viên. Ông được học máy tính điện tử, kỹ thuật số, tự động hóa tại Đại học Trùng Khánh.
Nhập ngũ năm 1974, ông tham gia Binh chủng Kiến thiết Cơ sở hạ tầng của quân đội với nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng Nhà máy Hóa sợi Liêu Dương. Theo giới thiệu tại website của Huawei, Nhậm Chính Phi từng đảm nhiệm nhiều vị trí tại nhà máy này như kĩ sư, kĩ thuật viên rồi được thăng chức phó giám đốc (tương đương cấp trung đoàn phó), nhưng ông không có quân hàm chính thức bởi hệ thống quân hàm trong quân đội Trung Quốc đã bị xóa bỏ trong một thời gian dài sau Cách mạng Văn hóa.
Số vốn ban đầu mà ông Nhậm rót vào Huawei là 21.000 nhân dân tệ.
CEO của Huawei - Nhậm Chính Phi, năm 2019. Ảnh: Financial Times.
Thuở ban đầu, Huawei chỉ là một công ty làng nhàng, bán các bộ chuyển mạch điện thoại (switch) do một công ty khác ở Hong Kong sản xuất.
Trong thập niên 1990, Huawei bắt đầu tự nghiên cứu sản phẩm và đến cuối thế kỉ 20, hãng này đã mở một số trung tâm nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới.
Nhờ những nghiên cứu này, Huawei đã có thể tự phát triển sản phẩm của riêng mình, đôi khi rẻ hơn tới 25% so với các đối thủ. Sau đó, hãng cũng bắt đầu mở rộng hoạt động ra khắp thế giới.
Gã khổng lồ Huawei
Ngày nay, Huawei có lẽ được biết đến nhiều nhất với tư cách là một trong những nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới, cùng với Samsung và Apple.
Huawei cũng là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Hãng này đã xây dựng hơn 1.500 mạng viễn thông trên toàn cầu, kết nối 1/3 dân số thế giới. Trong năm 2018, Huawei có doanh thu 107 tỉ USD với khoảng 180.000 nhân viên. Tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) doanh thu hàng năm trong 5 năm qua là 26%.
Năm 2018, Huawei đạt doanh thu 721 tỉ nhân dân tệ, tương đương 107 tỉ USD, lợi nhuận hoạt động và dòng tiền hoạt động cùng đạt khoảng 11 tỉ USD. Nguồn: Huawei.
Trong cơ cấu doanh thu 2018 của Huawei, thị trường nội địa đóng góp lớn nhất với 55 tỉ USD - tương đương 51,6%; đồng thời tăng trưởng 19,1% so với năm trước đó.
Khu vực Châu Mỹ chỉ đóng góp 6,6%, và đạt mức tăng trưởng 21,3% so với 2017. Huawei cho biết mức tăng trưởng này đạt được là nhờ các doanh nghiệp ở Mỹ Latinh đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kĩ thuật số; các sản phẩm tầm trung của Huawei cũng có tính cạnh tranh cao ở khu vực này.
Cơ cấu doanh thu năm 2018 của Huawei. Nguồn: Huawei.
Quá khứ rắc rối
Bên cạnh những thành công trong kinh doanh, Huawei cũng nhiều phen khốn khổ vì những cáo buộc bất chấp pháp luật để tạo ra lợi nhuận, không phải chỉ mới đây mà từ nhiều năm trước.
Năm 2003, tập đoàn Cisco (Mỹ) kiện đại gia công nghệ Trung Quốc này về tội vi phạm nhiều bản quyền và sao chép bất hợp pháp mã phần mềm. Tuy nhiên về sau, Cisco đã rút đơn kiện.
Sau một cuộc điều tra năm 2012, các nhà làm luật Mỹ đã cảnh báo doanh nghiệp viễn thông nước này không nên làm ăn với Huawei và một tập đoàn Trung Quốc khác là ZTE với lí do rủi ro an ninh lâu dài khi sử dụng dịch vụ và thiết bị của hai doanh nghiệp này.
Đầu năm 2018, tập đoàn viễn thông AT&T của Mỹ bất ngờ hủy bỏ một thỏa thuận bán điện thoại Mate 10 Pro mới của Huawei sau khi các nhà lập pháp Mỹ một lần nữa bày tỏ quan ngại về rủi ro an ninh.
Chỉ 6 tháng sau, 6 quan chức tình báo cấp cao của Mỹ cảnh báo công dân không nên sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của Huawei và ZTE.
Huawei khẳng định chính quyền Bắc Kinh không sở hữu và không kiểm soát công ty và rằng hãng này sẽ không bao giờ cung cấp dữ liệu mật cho chính phủ Trung Quốc, đồng thời cũng chưa bao giờ bị yêu cầu phải cung cấp dữ liệu như vậy.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra nghi ngờ về khẳng định này của Huawei và chỉ ra rằng luật pháp Trung Quốc có một số điều khoản có khả năng ép buộc các doanh nghiệp trong nước phải hỗ trợ hoạt động thu thập tin tình báo.
Các chuyên gia cho rằng những qui định này đồng nghĩa với việc Huawei sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài cung cấp dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc khi bị yêu cầu.
Một vấn đề khác khiến chính phủ Mỹ lo ngại là việc Huawei bị cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận mà Mỹ áp lên Iran.
Đối thủ của Huawei là ZTE đã suýt sụp đổ sau khi bị Mỹ trừng phạt vào tháng 4/2018 cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận đối với Iran và Triều Tiên. Các biện pháp trừng phạt này chỉ được dỡ bỏ sau khi ZTE đồng ý nộp phạt 1 tỉ USD và cho phép nhân viên hành pháp Mỹ quyền giám sát không hạn chế đối với hoạt động công ty.
Tháng 12 năm ngoái, bà Mạnh Vãn Chu – Giám đốc tài chính của Huawei và là con gái của nhà sáng lập kiêm CEO Nhậm Chính Phi – bị cảnh sát Canada bắt giữ theo yêu cầu của chính quyền Mỹ. Sau đó phía Mỹ đã chính thức yêu cầu dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ vì cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran. Hiện bà Mạnh vẫn đang bị giam tại Canada.
Bà Mạnh Vãn Chu (trước khi bị bắt) ngồi cạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters.
Chỉ vài giờ trước khi bà Mạnh bị bắt, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Tập Cận Bình đã đồng ý tạm ngưng đánh thuế lên hàng hóa của nhau trong vòng 90 ngày.
Chính sự trùng hợp về thời gian này đã khiến dư luận Trung Quốc suy đoán rằng việc bắt giữ bà Mạnh có động cơ chính trị và là một phần của chiến dịch nhằm vào các doanh nghiệp Trung Quốc.
Căng thẳng nhanh chóng leo thang từ đây. Đầu năm 2019, Quốc hội Mỹ giới thiệu một dự luật mà nếu được thông qua, sẽ cấm tất cả doanh nghiệp Mỹ bán công nghệ cho những doanh nghiệp Trung Quốc vi phạm giới hạn xuất khẩu hoặc lệnh cấm vận.
Vài tuần sau, Huawei và một số đối tượng liên quan phải hứng chịu 23 cáo buộc của chính phủ Mỹ, bao gồm gian lận trong giao dịch ngân hàng, ăn cắp bí mật doanh nghiệp, cản trở công lý và tất nhiên là cả vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran.
Hiện tại tăm tối
Cuối tuần vừa qua, Mỹ tiếp tục chĩa mũi nhọn công kích về phía Huawei khi đặt doanh nghiệp Trung Quốc này vào bản danh sách những đối tượng có thể gây hại cho lợi ích quốc gia Mỹ. Theo đó, các doanh nghiệp Mỹ muốn bán bất cứ sản phẩm hay dịch vụ gì cho Huawei đều phải xin phép chính phủ Mỹ và gần như chắc chắn chính phủ Mỹ sẽ không đồng ý. Điều này đồng nghĩa với việc Huawei sẽ không được cấp giấy phép sử dụng hệ điều hành cũng như không thể mua con chip từ các đại gia công nghệ Mỹ.
Thứ Hai tuần này (20/5) Google tuyên bố ngừng cấp phép hệ điều hành Android trên điện thoại di động cho Huawei. Các hãng sản xuất chip như Intel, Qualcomm cũng thông báo với nhân viên rằng họ sẽ không cung cấp linh kiện cho Huawei cho đến khi có hướng dẫn mới.
Trong khi Huawei vẫn cho rằng mình có thể tự sản xuất chip và không phụ thuộc vào các đối tác Mỹ thì ARM – nhà phát triển cấu trúc chip tại Anh cũng tuyên bố chấm dứt hợp tác kinh doanh với Huawei.
Đây được coi là đòn đau đối với Huawei vì từ nay, hãng này sẽ không thể sản xuất con chip sử dụng kiến trúc từ ARM. Đại gia công nghệ Trung Quốc sẽ phải tự thiết kế con chip từ con số 0 và việc này sẽ tốn rất nhiều thời gian cũng như tài lực.
Huawei và ARM. Ảnh minh họa.
5G mới là nguyên nhân thực sự?
Một số chuyên gia cho rằng sở dĩ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump một mực nhằm vào Huawei chủ yếu là vì vai trò của Huawei trong hệ thống mạng 5G, còn những lí do như gian lận giao dịch ngân hàng hay vi phạm lệnh cấm vận Iran chỉ là "thêm thắt" vào cho đủ.
Nói một cách đơn giản, 5G là hệ thống mạng không dây tốc độ siêu cao và có khả năng hỗ trợ thế hệ internet của tương lai.
Huawei đã đổ hơn 1 tỉ USD vào hoạt động nghiên cứu 5G và đăng kí bản quyền hầu hết công nghệ 5G quan trọng nhất. Nỗ lực này đã bước đầu mang lại quả ngọt. Tính đến tháng 2/2019, Huawei là doanh nghiệp nắm giữ số lượng bản quyền 5G thiết yếu nhiều nhất thế giới.
Top doanh nghiệp giữ nhiều bản quyền 5G nhất thế giới. Nguồn: IPlytics, CNBC.
Tại sao việc nắm giữ những bản quyền này lại quan trọng? Trong tương lai, những ngành phụ thuộc vào kết nối mạng như vận tải hay năng lượng sẽ phải trả phí bản quyền khi sử dụng mạng tốc độ cao 5G.
Điều này có nghĩa một công ty nắm giữ nhiều bản quyền công nghệ như Huawei sẽ có quyền kiểm soát đáng kể đối với hệ thống mạng này.
Theo số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường IPlytics, Huawei cũng là doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển của mạng 5G
Top doanh nghiệp có nhiều đóng góp kĩ thuật cho 5G nhất. Nguồn: IPlytics, CNBC.
Nhiều quốc gia coi Huawei là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và vị thế tiên phong của Huawei trong công nghệ 5G khiến những nước này càng thêm lo lắng.
Australia, New Zealand và Nhật Bản đã cùng với Mỹ cấm sử dụng thiết bị 5G của Huawei trong hệ thống mạng của nước mình nhằm ngăn chặn rủi ro gián điệp và tấn công mạng.
Những lệnh cấm này đã ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp sử dụng thiết bị của Huawei để phát triển mạng 5G. Chẳng hạn, công ty TPG Telecom của Australia đã phải từ bỏ kế hoạch phát triển mạng 5G sử dụng thiết bị do Huawei cung cấp.
Chính phủ và truyền thông Trung Quốc thì chỉ trích nước Mỹ đang tấn công Huawei để "hành hạ" một doanh nghiệp đang phát triển. Một lãnh đạo cấp cao của Huawei thì cáo buộc Mỹ đang thể hiện "thái độ cay cú của kẻ thua cuộc" khi không thể cạnh tranh với Trung Quốc trong công nghệ 5G.
Huawei cũng cảnh báo việc loại hãng này ra khỏi cuộc đua sẽ chỉ làm chậm tiến trình phát triển mạng 5G và làm tăng phi phí với người dùng cá nhân cũng như tổ chức. Tuy nhiên các chính phủ phản bác rằng an ninh quốc gia là vô giá, không thể đem ra so sánh được.
Chừng nào các quốc gia còn chú trọng phát triển công nghệ 5G cho tương lai, chừng đó Huawei sẽ còn là tâm điểm chú ý trên các mặt báo khắp thế giới.