|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cơ cấu cổ đông kì lạ: Huawei có phải do chính phủ và quân đội Trung Quốc sở hữu?

21:20 | 29/05/2019
Chia sẻ
Huawei do công đoàn sở hữu tới gần 99%, khiến nhiều người liên tưởng đến sự kiểm soát của chính phủ và quân đội Trung Quốc. Về phần mình, Huawei phủ nhận quan điểm này và khẳng định mình là doanh nghiệp hoàn toàn do người lao động làm chủ. Thực tế, cơ cấu cổ đông của Huawei rất giống với các doanh nghiệp hợp tác xã ở các quốc gia tư bản.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần cáo buộc Tập đoàn công nghệ Huawei là do chính phủ và quân đội Trung Quốc sở hữu và kiểm soát.

Dấu hiệu dễ thấy nhất để ủng hộ cáo buộc này là việc nhà sáng lập kiêm CEO của Huawei – ông Nhậm Chính Phi từng là một kĩ sư trong Binh chủng Kiến thiết Cơ sở hạ tầng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa trước khi xuất ngũ và thành lập Huawei. Hiện nay, Nhậm Chính Phi là một Đảng viên.

Cơ cấu cổ đông kì lạ: Huawei có phải do chính phủ và quân đội Trung Quốc sở hữu? - Ảnh 1.

Nhà sáng lập và CEO của Huawei - ông Nhậm Chính Phi. Ảnh: Bloomberg.

Một nghiên cứu do hai học giả Donald Clarke của Đại học George Washington và Christopher Balding của Đại học Fulbright Việt Nam thực hiện lại chỉ ra một chi tiết gây nghi ngờ khác: Một tổ chức có tên "ủy ban công đoàn" (trade union committee) đang sở hữu tới gần 99% vốn điều lệ của công ty mẹ của Huawei Technologies.

Thông thường, công đoàn là tổ chức thuộc sự quản lí của Đảng Cộng sản và do vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể đang gián tiếp nắm cổ phần chi phối Huawei.

Huawei mới đây đã tổ chức một buổi họp báo qui mô lớn ở thành phố Thẩm Quyến và khẳng định tổ chức công đoàn được thành lập chỉ để đáp ứng các yêu cầu về pháp lí và công đoàn chỉ có nhiệm vụ quản lí các hoạt động ngoài giờ của người lao động như chơi cầu lông hay leo núi.

Công ty này cũng khẳng định không có cơ quan chính phủ bất cứ tổ chức nào khác nắm giữ cổ phần tại Huawei. 

Công đoàn thì sao?

Nghiên cứu của hai học giả Donald Clarke và Christopher Balding cho biết Huawei Technologies là công ty con của Huawei Investment & Holding Co. 

Huawei Investment lại do CEO Nhậm Chính Phi sở hữu 1,01% vốn, công đoàn Huawei sở hữu 98,99% còn lại.

Tại Trung Quốc, các công đoàn (trade union) báo cáo công việc cho các tổ chức công đoàn cấp trên, cứ như vậy cho đến cơ quan cao nhất là Tổng Liên đoàn Lao động toàn Trung Quốc, cơ quan này lại do Đảng Cộng sản Trung Quốc quản lí. Vì vậy, hai học giả trên cho rằng tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông khổng lồ Huawei có thể được coi là một doanh nghiệp do chính phủ Trung Quốc sở hữu và kiểm soát.

Quan hệ giữa Huawei và chính phủ Trung Quốc trở thành vấn đề nóng bỏng nhận được nhiều sự quan tâm trong bối cảnh Mỹ không những "cấm cửa" Huawei mà còn kêu gọi các nước đồng minh hành động tương tự vì các cáo buộc gián điệp và ăn cắp bí mật thương mại.

Huawei đã nhiều lần cực lực phản đối những cáo buộc này từ phía Mỹ. CEO Nhậm Chính Phi từng khẳng định ông sẽ "không bao giờ làm tổn hại đến các quốc gia khác".

Tháng 4 vừa qua, tờ The Times của Anh (dẫn một nguồn giấu tên) đưa tin Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã thông tin đến các quản lí điệp viên của mình rằng Huawei đã nhận tiền tài trợ từ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, Ủy ban An ninh Quốc gia Trung Quốc và một tổ chức khác cũng thuộc mạng lưới tình báo của nước này.

Huawei thì cho rằng thông tin trên là hoàn toàn vô căn cứ.

Công đoàn có vai trò gì trong hoạt động của Huawei?

Luật Công đoàn của Trung Quốc yêu cầu các công ty có từ 25 lao động trở lên phải thành lập một Công đoàn Doanh nghiệp với mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Công đoàn của Huawei được đăng kí hoạt động dưới sự quản lí của Liên đoàn Lao động Thẩm Quyến. Ủy ban Công đoàn có nhiệm vụ quản lí công đoàn Huawei, ủy ban này có 7 thành viên, không thành viên nào  trong số này có tên trong Hội đồng quản trị của Huawei.

Theo Huawei, các thành viên của ủy ban công đoàn được bầu theo qui định của Luật công đoàn Trung Quốc, không phải do công đoàn cấp trên bổ nhiệm.

Huawei cũng cho biết công ty này có chi trả một số tiền nhất định cho Liên đoàn Lao động Thẩm Quyến theo qui định của luật, nhưng tuyệt đối không thảo luận hay công bố thông tin hoạt động cho bất kì tổ chức công đoàn cấp trên nào, kể cả liên đoàn tại Thẩm Quyến.

Giống như các công đoàn khác tại Trung Quốc, một trong những nhiệm vụ chính của công đoàn Huawei là tổ chức các hoạt động ngoài giờ làm việc nhằm cải thiện sức khỏe và đời sống tinh thần cho người lao động. Đại diện Huawei khẳng định công đoàn không có bất kì liên quan gì đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Tại sao công đoàn sở hữu tới 99% vốn của Huawei?

Đây chính là điểm kì lạ nhất trong cơ cấu cổ đông của Huawei. Khác với các doanh nghiệp lớn khác tại Trung Quốc – hay thậm chí là trên cả thế giới, Huawei từ lâu đã quảng bá hình ảnh của mình như là một doanh nghiệp do những người đã hoặc đang làm việc tại công ty làm chủ.

Nhân viên của Huawei sở hữu công ty thông qua chương trình ESOP được triển khai từ những ngày đầu thành lập. Đến cuối  năm 2018, Huawei có 96.768 nhân viên kiêm cổ đông. Công ty cũng khẳng định rằng: Bất kì ai muốn mua cổ phần của Huawei đều phải làm việc tại đây. Nói cách khác, vốn điều lệ của Huawei là do người lao động sở hữu 100%.

Huawei không thể đăng kí hàng chục nghìn nhân viên-cổ đông do con số này là quá lớn. Theo Luật Doanh nghiệp của Trung Quốc, một công ty trách nhệm hữu hạn chỉ đăng kí tối đa 50 cổ đông, một công ty cổ phần không niêm yết có thể đăng kí tối đa 200 cổ đông.

Huawei là một công ty trách nhiệm hữu hạn và do vây, công đoàn đóng vai trò là một nền tảng trung gian cho phép người lao động sở hữu cổ phần của công ty.

Việc công đoàn đăng kí với tư cách một cổ đông không phải là quá hiếm gặp. Theo điều khoản của Chương trình Quyền chọn Cổ phiếu cho Người lao động Thẩm Quyến, được chính quyền thành phố ban hành năm 2001, cổ phần thuộc sở hữu của nhân viên có thể được đăng kí và nắm giữ dưới tên của công đoàn. Một số doanh nghiệp có trụ sở tại Thẩm Quyến như Ping An và Vanke đều áp dụng cơ cấu cổ đông này trong những năm đầu thành lập.

Theo báo cáo thường niên của Huawei, đại hội cổ đông của công ty có sự tham gia của hai cổ đông là công đoàn và nhà sáng lập Nhậm Chính Phi.

Ai thực sự có quyền kiểm soát Huawei?

Trong khi công đoàn không có quyền tham gia vào hoạt động kinh doanh hàng ngày của Huawei, Ủy ban Đại diện lại là cơ quan có quyền lực cao nhất.

Ủy ban này được thành lập để đại diện cho cổ đông-nhân viên thực hiện quyền làm chủ công ty. Các thành viên của Ủy ban này được các cổ đông-nhân viên bầu ra theo cơ chế 1 cổ phần có 1 phiếu bầu.

Theo website của Huawei, hiện nay Ủy ban này có 115 thành viên và tham gia trực tiếp vào việc đưa ra nhiều quyết định kinh doanh. Ủy ban cũng bầu ra 17 thành viên Hội đồng quản trị của Huawei theo cơ chế 1 người có 1 phiếu bầu. 17 thành viên này bao gồm 1 Chủ tịch và 4 phó chủ tịch. Các phó Chủ tịch này luân phiên nhau giữ vị trí Chủ tịch.

Năm 2018, Ủy ban Đại diện của Huawei tổ chức hai cuộc họp để quyết định các vấn đề quan trọng như phân phối lợi nhuận, tăng vốn, các qui chế quản trị, ...

Ngoài 1,01% vốn cổ phần trực tiếp sở hữu, CEO Nhậm Chính Phi còn đang sở hữu 0,13% vốn thông qua chương trình ESOP của công ty. Như vậy, tỉ lệ sở hữu chung của ông là 1,14%, giúp ông trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của công ty.

Bộ Qui tắc quản trị của Huawei cho phép ông Nhậm có quyền phủ quyết các vấn đề liên quan đến tăng vốn, điều chỉnh cơ cấu vốn, sửa đổi các qui tắc quản trị lớn của công ty hay đề cử ứng viên vào HĐQT và Ban Kiểm soát. Đại diện Huawei cho biết ông Nhậm sẽ không sử dụng quyền phủ quyết của mình trừ khi thực sự cần thiết.

Kì lạ nhưng không phải độc nhất

Việc toàn bộ cổ đông của Huawei đồng thời là những người làm việc tại công ty là một điểm rất đặc biệt.

Trong một công ty tư bản thông thường, cổ đông có thể là bất kì ai, có thể làm việc tại công ty hoặc không, có thể là cá nhân hoặc tổ chức, có thể ở trong nước hoặc nước ngoài, … Cổ phiếu của nhiều công ty có thể được giao dịch tự do trên thị trường chứng khoán và gần như không có giới hạn nào đối với thành phần cổ đông của công ty.

Nhiều công ty cũng có chương trình phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên, tuy nhiên tỉ lệ cổ phiếu ESOP trên vốn điều lệ của công ty thường rất nhỏ, nhiều khi chỉ 1-2%.

Riêng Huawei lại lựa chọn thành phần cổ đông chỉ bao gồm những người làm việc tại công ty, nói cách khác người lao động sở hữu công ty 100%.

Cơ cấu cổ đông này có nét tương đồng với các doanh nghiệp hợp tác xã (co-op) trên thế giới.

Cái tên "hợp tác xã" có thể khiến nhiều người liên tưởng đến các đơn vị kinh tế thời kì kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp của những năm 1970-1980 tại các nước xã hội chủ nghĩa trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.

Thực tế, các doanh nghiệp này hiện có mặt ở nhiều nước trên thế giới – nhất là lại ở các nước được coi là có nền kinh tế tư bản phát triển.

Tại Vương Quốc Anh có 7.226 hợp tác xã độc lập, mang về doanh thu 36,1 tỉ bảng Anh trong năm 2018, tăng 700 triệu bảng so với năm 2017. Số lượng hội viên hợp tác xã lên tới 13,1 triệu người, tương đương 1/5 dân số toàn Vương quốc Anh.

Trên khắp thế giới, số lượng hợp tác xã lên tới con số 3 triệu. Các doanh nghiệp này có qui mô lớn nhỏ rất khác nhau nhưng có chung đặc điểm là người lao động đồng thời là cổ đông sở hữu 100% doanh nghiệp.

Điển hình Mondragon

Chẳng hạn, Tập đoàn Hợp tác xã Mondragon ở phía bắc Tây Ban Nha có hơn 80.000 nhân viên kiêm cổ đông làm việc tại 266 công ty con và chi nhánh, tạo ra 12 tỉ euro doanh thu mỗi năm và là một trong những tập đoàn lớn nhất Tây Ban Nha.

Mondragon hiện hoạt động trong 4 lĩnh vực chính bao gồm tài chính-ngân hàng, sản xuất công nghiệp, bán lẻ và giáo dục.

Các quyết định sản xuất kinh doanh thường được quyết định bằng thảo luận công khai của người lao động trong chi nhánh, công ty con. Thành viên trong ban giám đốc công ty được người lao động bầu ra theo thể thức mỗi người có một phiếu bầu ngang nhau, không phải người nào có nhiều cổ phần thì có nhiều phiếu bầu như tại các doanh nghiệp tư bản.

Độc đáo Suma Wholefood

Tại thủ đô London của Anh có một doanh nghiệp hợp tác xã có tên Suma Wholefood chuyên bán đồ ăn chay. Thành lập năm 1977, đến nay Suma đã có 42 năm phát triển. Ngoài việc tất cả cổ đông đều là nhân viên, ở Suma còn có những đặc điểm kì lạ hơn nữa như:

- Suma không có CEO, không có Hội đồng quản trị hay Ban Tổng Giám đốc ra lệnh cho nhân viên

- Tất cả các quyết định lớn đều được toàn thể nhân viên kiêm cổ đông họp bàn và biểu quyết công khai theo cơ chế 1 người có 1 phiếu bầu.

- Người lao động luân phiên đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau và thành thạo nhiều kĩ năng công việc

- Mọi người lao động tại Suma nhận cùng một mức lương duy nhất, năm 2018 là 15,6 bảng Anh/giờ (khoảng 480.000 đồng/giờ)

Tuy "cào bằng" lương thưởng và không có lãnh đạo cố định như vậy nhưng Suma vẫn tồn tại được trong 42 năm qua và đạt được nhiều thành tự đáng nể.

Năm 2014, Suma được vinh danh là doanh nghiệp hợp tác xã của năm. Năm 2015, Suma có 166 nhân viên kiêm cổ đông tạo ra doanh thu 40 triệu bảng Anh. Năm 2017 Suma đạt doanh thu 48 triệu bảng Anh (gần 1.500 tỉ đồng) và vinh dự nhận giải thưởng của Nữ hoàng Anh cho doanh nghiệp xuất sắc trong lĩnh vực thương mại quốc tế - giải thưởng cao quý nhất của nước Anh cho doanh nghiệp.

Điểm chung với Huawei?

Quay lại với Huawei, có thể thấy giữa Huawei và các doanh nghiệp hợp tác xã nêu trên có hai điểm chung như: toàn bộ cổ đông đều là nhân viên, lãnh đạo doanh nghiệp đều do các nhân viên kiêm cổ đông bầu ra. Tuy nhiên Huawei cũng có nhiều điểm khác biệt như: việc bầu cử Ủy ban Đại diện tại Huawei vẫn được thực hiện theo cơ chế 1 cổ phần có 1 phiếu bầu thay vì 1 người có 1 phiếu bầu, vai trò của một cá nhân CEO Nhậm Chính Phi quá lớn - có thể phủ quyết ý kiến của cả tập thể, ...

Kiên Dương, Đức Quyền