|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ngành thép chững lại, hoạt động của nhiều doanh nghiệp đi xuống

18:18 | 18/02/2020
Chia sẻ
Năm 2019, tăng trưởng sản xuất và bán hàng của ngành thép Việt Nam chậm lại đáng kể so với 2018, dẫn tới kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cũng kém sắc với doanh thu và lợi nhuận suy giảm, thậm chí thua lỗ.
Ngành thép chững lại, hoạt động nhiều doanh nghiệp đi xuống - Ảnh 1.

Cơ sở kinh doanh ống thép Hòa Phát và Minh Ngọc ở khu vực phía Bắc. Ảnh: Song Ngọc.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong năm 2019 Việt Nam sản xuất được gần 25,3 triệu tấn thép và tiêu thụ hơn 23,1 triệu tấn, tăng trưởng lần lượt 4,4% và 6,4% so với năm 2018.

Cũng theo VSA, xuất khẩu sắt thép đạt 6,68 triệu tấn, tương đương kim ngạch 4,21 tỉ USD. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang các nước Đông Nam Á với sản lượng đạt 4,17 triệu tấn, giá trị 2,52 t USD.

Tổng sản lượng xuất khẩu tăng 6,6% so với năm trước nhưng giá giảm tới 13,2% dẫn tới tổng kim ngạch giảm 7,4%.

Tuy thị trường nhìn chung vẫn tăng trưởng nhưng không còn nhanh như trước, cho thấy 2019 là một năm khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành.

Cụ thể năm 2018, sản xuất thép tăng tới 14,9%, bán hàng tăng gần 21% so với 2017. Xuất khẩu sắt thép thành phẩm và bán thành phẩm năm 2018 đạt hơn 7,8 triệu tấn, tăng 40% về lượng, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 5,7 tỉ USD.

Trong bối cảnh ngành thép nói chung giảm tốc, kết quả kinh doanh của các công ty đại chúng lớn cũng không mấy sáng sủa khi nhiều doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận suy giảm, thậm chí là thua lỗ.

Doanh thu đi xuống hàng loạt

Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) duy trì vị thế dẫn đầu trong năm vừa qua và cũng là doanh nghiệp duy nhất trong số 11 công ty lớn mà chúng tôi thống kê có doanh thu tăng trưởng. 

Cụ thể, trong năm 2019 Hòa Phát ghi nhận doanh thu 63.658 tỉ đồng, tăng trưởng 14% so với năm 2018. Cả năm 2019, Hòa Phát đã sản xuất hơn 2,8 triệu tấn thép thô và bán 2,77 triệu tấn thép xây dựng ra thị trường, tăng 16,8% so với năm trước và cao hơn mức tăng chung 6,4% của ngành.

Xuất khẩu thép xây dựng đạt trên 265.000 tấn, chủ yếu đến các nước Campuchia, Nhật Bản, Mỹ và Malaysia. Trong năm 2020, Hòa Phát đặt mục tiêu xuất khẩu 400.000 tấn. Tại Việt Nam, Hòa Phát dẫn đầu với 26,2% thị phần thép xây dựng.

Bên cạnh đó, Hòa Phát đạt sản lượng 750.800 tấn ống thép trong năm 2019, tăng 14,8%. Xuất khẩu đạt 19.100 tấn. Thị phần ống thép trong nước tăng lên mức 31,5%.

Các sản phẩm thép đóng góp khoảng 80% doanh thu của Hòa Phát, còn lại là nhờ các mảng nông nghiệp, điện lạnh, nội thất và bất động sản. Với điện lạnh, cả năm 2019 công ty đã bán tổng cộng khoảng 260.000 sản phẩm ra thị trường, đem về doanh thu trên 1.100 tỉ đồng.

Các doanh nghiệp lớn khác như Hoa Sen, VNSteel (Tổng Công ty Thép Việt Nam), Pomina, Nam Kim đều có doanh thu đi xuống so với năm trước.

Ngành thép chững lại, hoạt động nhiều doanh nghiệp đi xuống - Ảnh 2.

Đa phần doanh nghiệp đại chúng lớn của ngành thép có doanh thu sụt giảm trong năm 2019. (Niên độ tài chính của Hoa Sen là từ 1/10 đến 30/9, số liệu ở đây đã được điều chỉnh lại theo năm Dương lịch 1/1-31/12.)

Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định: Mặc dù tiêu thụ toàn ngành thép xây dựng chỉ tăng khoảng 6%, sản lượng bán hàng của Hòa Phát đã tăng tới 17%, qua đó, giúp công ty này mở rộng thị phần từ 23,8% lên 26,2%. 

Trong khi đó, sản lượng bán ra của Pomina và PoscoSS lần lượt giảm 12% và 11%. Đáng chú ý, sản lượng tiêu thụ của Formosa đã tăng 22% lên mức 660.000 tấn, trong đó toàn bộ là thép cuộn. Điều này giúp Formosa gần như bắt kịp với Hòa Phát trong phân khúc thép cuộn này.

Ngành thép chững lại, hoạt động nhiều doanh nghiệp đi xuống - Ảnh 3.

Nhiều công ty đuối sức về lợi nhuận

Hòa Phát ghi nhận 7.578 tỉ đồng lãi sau thuế trong năm 2019, cao gấp gần 16 lần doanh nghiệp đứng thứ hai là Hoa Sen (Mã: HSG). Tuy nhiên kết quả này của Hòa Phát vẫn giảm 12% so với năm 2018.

Ngược lại, lợi nhuận 479 tỉ đồng của Hoa Sen trong năm 2019 cao gấp 3,7 lần so với năm trước, bất chấp việc doanh thu giảm 21% và thị phần sản phẩm chủ lực là tôn mạ giảm từ 33,6% còn 29,5%. 

Ngành thép chững lại, hoạt động nhiều doanh nghiệp đi xuống - Ảnh 4.

Trong năm vừa qua, Hoa Sen đã tích cực tái cấu trúc hệ thống phân phối bằng cách chuyển đổi các chi nhánh trước đây thành cửa hàng thuộc chi nhánh tỉnh.

Đến ngày 1/1/2020, Hoa Sen có 536 điểm bán hàng ở 55 tỉnh thành trên cả nước, trong đó có 55 chi nhánh tỉnh, 10 tổng kho, chi nhánh sản xuất tôn xốp; và 471 cửa hàng trực thuộc các chi nhánh tỉnh.

Hoa Sen đặt mục tiêu doanh thu thuần niên độ 2019-2020 (từ 1/10/2019 đến 30/9/2020) đạt 28.000 tỉ đồng, giảm 35 tỉ đồng so với thực hiện niên độ trước. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế 400 tỉ đồng, tăng trưởng 11%.

Sản lượng tiêu thụ phấn đấu đạt 1,5 triệu tấn, trong đó tiêu thụ thành phẩm là 1,4 triệu tấn, thay đổi không đáng kể so với thực hiện niên độ trước.

Ngành thép chững lại, hoạt động nhiều doanh nghiệp đi xuống - Ảnh 5.

Trong quí IV, Thép Nam Kim (Mã: NKG) kinh doanh khởi sắc và có lãi 7,2 tỉ đồng trong khi cùng kì 2018 lỗ 173 tỉ đồng. Tuy nhiên do quí I/2019 công ty lỗ hơn 100 tỉ đồng nên lợi nhuận cả năm của Nam Kim giảm 17% còn 47 tỉ đồng.

VDSC cho biết sản lượng tiêu thụ ống thép của Nam Kim năm 2019 đã giảm 46,8% khiến thị phần của công ty này giảm từ 6,6% xuống 3,5%. Ngược lại thị phần ống thép của Hòa Phát tăng đáng kể từ 27,5% lên 31,5%. 

Đầu năm 2020, Hòa Phát đã cho ra mắt sản phẩm mới là ống thép cỡ lớn, cụ thể là các loại ống tròn ⱷ273 và ⱷ 325 mm, ống hộp vuông 200x200, 250x250 mm, ống chữ nhật 200x300. Hòa Phát cho biết độ dày ống thép lên đến 12 mm và có thể thay thế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Công suất của dây chuyền làm ống thép Hòa Phát là 50.000 tấn/năm.

Ngành thép chững lại, hoạt động nhiều doanh nghiệp đi xuống - Ảnh 6.

Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel – Mã: TVN) cũng có quí IV khởi sắc khi báo lãi 42,6 tỉ đồng trong khi cùng kì năm trước lỗ gần 294 tỉ đồng. Kết quả kì này cải thiện là do không còn khoản lỗ 334 tỉ đồng trong công ty liên kết như năm trước.

Thép Pomina (Mã: POM) báo lỗ sau thuế cả năm 310 tỉ đồng trong khi năm trước lãi 434 tỉ đồng. Riêng trong quí IV, công ty có lãi gộp 93 tỉ đồng nhưng do chi phí tài chính lên cao nên dẫn tới lỗ sau thuế 58 tỉ đồng.

Tương tự Pomina, Thép Tiến Lên (Mã: TLH) cũng báo lỗ sau thuế cả năm 146 tỉ đồng trong khi cùng kì năm trước có lãi 86 tỉ đồng. Nguyên nhân của sự sa sút này, theo giải trình của công ty, là chi phí trích lập dự phòng hàng tồn kho.

Thép Việt – Ý (Mã: VIS) tiếp tục lỗ ròng gần 219 tỉ đồng sau khi đã lỗ 329 tỉ đồng trong năm 2018. Trong cả hai năm, công ty đều bán hàng dưới giá vốn, dẫn tới lỗ gộp.

Kết quả kinh doanh của Thép Tấm lá Thống Nhất (Mã: TNS) cũng đi xuống rõ rệt, từ lỗ sau thuế 20 triệu đồng năm 2018 thành lỗ hơn 30 tỉ đồng trong năm 2019. Tương tự như Thép Việt – Ý, Thống Nhất cũng bán hàng dưới giá vốn và lỗ gộp gần 11 tỉ đồng năm vừa qua.

Riêng quí IV, Thống Nhất lỗ thuần 17 tỉ đồng. Theo giải trình của công ty, trong quí vừa qua thị trường thép cuộn cán nóng (CRC) tiếp tục bị khống chế về giá do cá quốc gia nhập khẩu tôn mạ đã gia tăng bảo hộ thương mại thông qua chính sách đánh thuế chống bán phá giá.

Bên cạnh đó, các khách hàng chủ lực của Thống Nhất đã tự đầu tư và đưa các dây chuyền thép cán nguội để tự cung cấp nên làm giảm sản lượng bán hàng của công ty.

Song Ngọc, Đức Quyền