Toàn cảnh thị trường đặt xe công nghệ Việt Nam 2019: Thế chân vạc chưa thể hình thành
Thị trường đặt xe công nghệ Việt Nam vừa khép lại một năm 2019 đầy sóng gió nhưng cái kết lại không mấy khác nhiều so với thời điểm một năm trước đó.
Sau 12 tháng chạy đua khuyến mại, ưu đãi, dịch vụ mới và những phát ngôn táo bạo, "bộ ba quyền lực" Grab – Be – Go-Viet vẫn chưa hình thành được tương quan ngang bằng về sức mạnh thị phần.
Báo cáo của ABI Research cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, Grab áp đảo thị trường với 146 triệu cuốc xe, tương đương 73% thị phần.
Trong khi đó, Go-Viet, vốn được xem là đối thủ đáng gờm nhất của Grab, vẫn chỉ gây sóng gió được vài tháng đầu và đứng thứ ba với 10% thị phầ.
Xếp sau cả "nhân tố mới" mang tên Be. Gia nhập vào cuối năm 2018, Be ghi nhận con số 31 triệu cuốc xe, dù xếp hạng nhì sau Grab nhưng cũng chiếm chưa đầy 16% thị phần.
Những cái tên khác như FastGo, Vato, Mai Linh hay Tada chia nhau vỏn vẹn 1% thị phần còn lại.
Nếu không tính FastGo, thì bản đồ thị phần còn lại là của Grab, Be và Go-Viet. Điều đáng nói là "thế chân vạc" cũng không thể hình thành bởi hai đối thủ còn lại trong top 3 vẫn chưa đủ khả năng uy hiếp ngôi vương của Grab, kể cả khi cộng gộp lại thị phần.
Thị phần số chuyến xe hoàn thành của các ứng dụng đặt xe tại Việt Nam nửa đầu 2019. (Nguồn: ABI Research).
Tương tự tất cả thị trường khác, bài toán "sống còn" của các nền tảng đặt xe chủ yếu xoay quanh ba yếu tố là tài chính, nhân sự và dịch vụ. Phong độ của Grab, Be và Go-Viet năm qua cũng từ đấy mà ra.
Ai "mạnh về gạo, bạo về tiền"?
Trong một tuyên bố hồi tháng 3/2019, CEO Be Group Trần Thanh Hải tuyên bố nền tảng này "sẵn sàng cho cuộc chiến vài trăm triệu USD".
Be khi ấy là một "tay chơi" nội địa và "đốt tiền" khá thành công trong giai đoạn đầu, khiến thị phần nhanh chóng vượt mặt Go-Viet. Tuy nhiên, càng về cuối năm, tốc độ mở rộng đội ngũ tài xế, thị trường và dịch vụ mới của Be thưa dần.
Câu hỏi được đặt ra là liệu Be thật sự có vài trăm triệu USD hay đã gần tiêu cạn số tiền "bí mật" mà ngân hàng VPBank rót trong năm qua?
Cùng có công ty mẹ là startup "kỳ lân" như Grab, Go-Viet từng được kỳ vọng sẽ là "kẻ ngáng đường" Grab. Tuy nhiên, 500 triệu USD là con số duy nhất mà công chúng biết rằng Go-Jek sẽ chịu chi, nhưng với tất cả thị trường Đông Nam Á ngoài Indonesia.
Đó là chưa kể, Go-Viet đi theo chiến lược giá cước rẻ, tỉ lệ nhân giá giờ cao điểm thấp nên việc bù lỗ cho mỗi cuốc xe càng trở nên nặng nề. Vì thế, hành khách hiện tại không thể tìm được kiểu khuyến mại đồng giá 5.000 đồng cho mỗi cuốc xe như những ngày đầu Go-Viet tham chiến.
Trong khi đó, Grab ngoài dẫn đầu về thị phần thì cũng vô cùng "rủng rỉnh" trong chi tiêu. Tính đến tháng 3/2019, công ty gọi được 4,5 tỉ USD từ các nhà đầu tư dẫn đầu bởi Softbank và tuyên bố sẵn lòng bỏ thêm 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong vòng 5 năm tới.
Mới đây, trong lúc các đối thủ khá im hơi lặng tiếng thì Grab đã mạnh tay tung khuyến mại đồng giá 9.000 đồng cho dịch vụ GrabCar khi người dùng di chuyển đến hoặc đi từ các quận trung tâm, hay thậm chí tung ra loạt gói ưu đãi đồng giá 9.000 đồng với các mã ưu đãi "như cho không".
Rõ ràng, tính cho đến thời điểm hiện tại, Grab vẫn là ông lớn "mạnh tay" nhất trên thị trường đặt xe ở mảng "chịu chi". Song, chiến lược "tiêu tiền" dù ít hay nhiều, có thể nói đã giúp Grab giữ vững ngôi vương trên thị trường đặt xe đầy sóng gió.
Những chiếc "ghế nóng" thiếu người ngồi
Có thể thấy, 2019 là một năm đầy sóng gió với những chiếc "ghế nóng" trên thị trường đặt xe Việt Nam khi phải chứng kiến nhiều thay đổi trong dàn lãnh đạo cấp cao.
Cuối tháng 3/2019, ông Nguyễn Vũ Đức và ông Nguyễn Bảo Linh đồng loạt rời ghế Tổng giám đốc và Phó tổng phụ trách phát triển Go-Viet.
Không lâu sau, cựu Giám đốc Facebook Việt Nam, bà Lê Diệp Kiều Trang được bổ nhiệm vào vị trí thay ông Đức. Tuy nhiên, bà Trang cũng chỉ ngồi "ghế nóng" vỏn vẹn 5 tháng trước khi chia tay để theo đuổi con đường riêng. Cho đến nay, Go-Viet vẫn còn bỏ trống vị trí CEO.
Sự ra đi mới đây của CEO Be Group Trần Thanh Hải càng bất ngờ hơn. Nhiều suy đoán cho rằng, nếu như đội ngũ nhân sự cấp cao của Go-Viet phải rời đi vì không tìm được tiếng nói chung về đường hướng tăng trưởng với Go-Jek thì sự chia tay của ông Hải chủ yếu bởi không đạt được KPI mà nhà đầu tư đặt ra và khả năng tìm được nguồn vốn mới cho Be kém sáng sủa.
Tuy nhiên, dù là vì lí do gì, việc đội ngũ lãnh đạo không ổn định khiến cả Be lẫn Go-Viet mất đi một phần sức mạnh đáng kể khi cạnh tranh.
Bà Lê Diệp Kiều Trang và ông Trần Thanh Hải lần lượt rời "ghế nóng" Go-Viet và Be Group chỉ trong vòng nửa cuối năm 2019
Siêu ứng dụng - Top 3 phát triển đến đâu?
Ở mặt trận siêu ứng dụng, thực tế cũng cho thấy Top 3 đang phát triển không đồng đều.
Giẫm chân tại chỗ lâu nhất là Go-Viet. Nền tảng này ăn mừng sinh nhật một tuổi chỉ với 3 dịch vụ cơ bản là GoBike, GoFood và GoSend và thậm chí chỉ mới thanh toán được bằng tiền mặt.
GoPay đã rục rịch tuyển dụng nhân sự từ nửa năm nay và GoCar đã được cấp phép nhưng chưa rõ ngày triển khai.
Á quân Be nhanh nhẹn hơn khi ngoài beBike, beCar thì đã tăng tốc triển khai thêm beExpress, beDelivery, và mới đây là beLoyalty nhằm cạnh tranh cùng GrabRewards của Grab.
Tuy nhiên, Be lại tuyên bố hoãn beFood với lí do không muốn "đầu tư dàn trải" và tập trung cho mảng vận tải. Hồi giữa năm, beFinancial kí kết chiến lược với VPBank để làm beFinance nhưng các dịch vụ cụ thể vẫn chưa thành hình.
Trong khi đó, Grab giữ ngôi vương trên nhiều mặt trận bao gồm đặt xe, đặt đồ ăn, giao hàng, thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo khảo sát mới nhất của Kantar, GrabFood vẫn duy trì là nền tảng giao nhận thức ăn được sử dụng thường xuyên nhất tại Việt Nam. Nền tảng này cũng vừa công bố số lượng đơn hàng tăng trưởng gần 1.800% trong năm 2019, đồng thời triển khai thêm 2 "căn bếp trung tâm" GrabKitchen tại TP HCM.
Ở mảng thanh toán, Moca khi "bắt tay" cùng Grab cũng chứng tỏ bản thân là đối thủ đáng gờm khi được hưởng lợi ích khổng lồ từ hệ sinh thái này.
Dịch vụ giao hàng GrabExpress của Grab cũng vừa công bố mức tăng trưởng 97% trong năm 2019. Không dừng lại ở những con số trên, có thể thấy rằng trên thực tế, tham vọng "siêu ứng dụng" của Grab tại thị trường Việt Nam vẫn chưa hề có dấu hiệu dừng lại khi tay chơi này vẫn đang có động thái cho ra mắt thêm ngày càng nhiều dịch vụ.
Tạm kết
Nhìn chung, xét cả ba yếu tố, việc Grab vẫn đang dẫn đầu thị trường đặt xe là điều chắc chắn, kể cả khi ABI Research chưa công bố nghiên cứu mới về thị phần cả năm 2019.
Còn với năm 2020, thị trường là một danh sách dài những câu hỏi. Liệu ai sẽ ngồi vào ghế CEO của Go-Viet và Be? Liệu Grab sẽ có ý tưởng gì mới để giữ vững thị phần? Liệu những nền tảng khác như FastGo, Vato, Mai Linh, Tada… sẽ có đột phá gì để người dùng "nhớ mặt đặt tên"? Hay thậm chí là liệu ai sẽ là người sẽ rời cuộc chơi vì cạn vốn?
Sẽ còn có nhiều câu hỏi hơn nữa mà chưa ai biết đáp án. Tuy nhiên, có một điều mà "tay chơi" nào trong thị trường này cũng biết chắc câu trả lời. Đó là khách hàng ngày càng thông minh và khó chiều hơn.
Chỉ những nền tảng mang lại trải nghiệm liền mạch, thuận tiện với giá cả hợp lí mới có thể trụ vững trên thị trường.