|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đối thoại Grab - tài xế: Đối tác gợi ý việc thu hộ VAT của khách, giữ nguyên chiết khấu cũ

11:21 | 10/12/2020
Chia sẻ
Trong buổi đối thoại với tài xế của Grab trong sáng 10/12, hãng gọi xe công nghệ đã giải đáp các thắc mắc về vấn đề thuế của đối tác. Grab quyết định vẫn giữ nguyên các chính sách đặt ra theo tinh thần của Nghị định 126.

Sáng 10/12, Grab đã tổ chức buổi đối thoại, trao đổi với đối tác tài xế liên quan đến việc thực hiện Nghị định 126/2020.

Trong buổi Đối thoại, bà Nguyễn Thái Hải Vân, CEO Grab Việt Nam cho rằng 2020 là một năm đáng tiếc với các tài xế khi nhiều thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng tới đội ngũ đối tác.

Bà Vân khẳng định Grab đang làm đủ mọi cách để giải quyết mọi chuyện êm thấm.

Kể từ khi Nghị định 126 có hiệu lực, nhóm tài xế đã phải chịu thiệt khi mức chiết khấu công ty tăng theo tinh thần của Nghị định. 

Đối thoại Grab - tài xế: Đối tác gợi ý việc thu hộ VAT của khách, giữ nguyên chiết khấu cũ - Ảnh 1.

Đối thoại tài xế - Grab. (Ảnh: Lê Quý).

Tuy nhiên bà cũng cho rằng cách thực hiện nghị định 126 còn có nhiều điểm chưa phù hợp và bất cập. Cụ thể, bà cho rằng Nghị định đang áp mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình của Grab.

"Phần doanh thu của 2 bên khác nhau. Thế nhưng anh em tài xế cũng phải chịu 10% như doanh nghiệp kinh doanh", bà phân tích.

Bà nói thêm rằng Grab đã nhận được công văn ở giai đoạn dự thảo từ tháng 5/2020. Grab cũng gợi ý các phương án cho cơ quan chức năng để phù hợp hơn với mô hình kinh doanh của công ty.

Phương án đầu tiên là giữ nguyên mức VAT như trước khi Nghị định có hiệu lực (5/12).

Phương án thứ hai, Grab mong muốn cơ quan chức năng khấu trừ VAT 10% trên doanh thu sau khi đã khấu trừ 7%. Công ty khẳng định phương án sau cũng không làm ảnh hưởng đến các đối tác.

Tuy nhiên, đến khi Nghị định được kí, Grab vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ quan chức năng.

Về phía tài xế, đối tác chất vấn VAT 10% là thuế đánh vào khách hàng, Grab hay tài xế. Đại diện công ty cho rằng Grab đã tinh tế điều chỉnh giá cước lên, qua đó giúp số tiền thu về từ mỗi cuốc xe tăng lên.

Mức giá cước đã được công ty tính toán kĩ lưỡng. Nếu tăng giá quá cao, khách hàng sẽ giảm và trực tiếp làm ảnh hưởng đến đội ngũ tài xế. Công ty nhắc lại việc cuối năm là mùa "kiếm tiền" của tài xế khi khác nhu cầu GrabBike, GrabFood, GrabExpress đều tăng vọt.

Grab cũng khẳng định công ty không bắt đối tác gánh phần thuế của mình. Trong trường hợp Nghị định có thay đổi, Grab sẽ hoàn lại tiền đã thu hộ thừa tới đối tác.

Đối thoại Grab - tài xế: Đối tác gợi ý việc thu hộ VAT của khách, giữ nguyên chiết khấu cũ - Ảnh 2.

Tài xế Nguyễn Thành Luân chất vấn Grab (Ảnh: Lê Quý).

Một câu hỏi khác nhận được nhiều sự quan tâm là việc liệu các tài xế có được khấu trừ chi phí đầu vào như xăng xe, điện thoại, khấu hao trong phần doanh thu chịu thuế hay không. Trên thực tế, đây không phải là một câu hỏi mới khi từ trước đây, các tài xế vẫn phải chịu phần thuế Thu nhập cá nhân (1,5% ở phần thu nhập trên 100 triệu đồng/năm) mà không được khấu trừ chi phí đầu vào.

Cũng trong buổi đối thoại, tài xế Nguyễn Thành Luân tiếp tục chất vấn về tại sao công ty đóng thuế yêu cầu tài xế chịu thuế bằng cách tăng chiết khấu.

Giải đáp thắc mắc, Grab cho rằng dịch vụ mà công ty cung cấp là 3 bên (công ty, tài xế, khách hàng) cùng có lợi. Chính vì thế công ty cần phải giữ cân bằng cán cân giữa các bên.

"Trong những năm đầu tiên, Grab đang hỗ trợ tài xế về việc đóng thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên từ năm ngoái, công ty đã nhường lại quyền đóng thuế cho đối tác. Thời điểm đó, công ty đã chuyển sang hỗ trợ đối tác theo một hình thức khác, chứ không phải tăng giá cơ bản để bù vào phần thuế đối tác phải đóng", công ty khẳng định.

Tài xế Trần Đức Ân đại diện tài xế mong muốn Grab bóc tách rõ ràng phần doanh thu tính thuế giữa các bên. Anh đưa ra ý kiến, gợi ý việc tài xế có thể "thu hộ" phần VAT mà người tiêu dùng phải chịu như phí nền tảng. Từ đó, mức chiết khấu mà tài xế phải chịu có thể trở lại mức 20%. 

Tuy nhiên, điều này có nghĩa là mức giá cơ bản của Grab sẽ tăng lên mức tương ứng như mức tăng của VAT (từ 3% lên 10%). Điều này quay trở lại câu chuyện giữ cán cân giữa các bên qua chính sách giá. Mức giá tăng lên quá cao không hợp lí sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới số cuốc mà tài xế nhận được.

Khép lại buổi đối thoại, Grab vẫn không thay đổi chính sách đã đặt ra theo tinh thần của Nghị định 126. Đồng thời, hãng gọi xe khẳng định sẽ cập nhật sớm những chính sách thay đổi, trong trường hợp có Thông hư hướng dẫn cụ thể.

Tiểu Phượng