|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khi Facebook, Paypal đầu tư vào Go-jek, mảng thanh toán của Go-Viet có thể thăng hoa?

09:36 | 04/06/2020
Chia sẻ
Go-Viet vẫn chưa hỗ trợ thanh toán phi tiền mặt. Nhưng sau khoản đầu tư của Facebook hay Paypal vào 'kì lân xe ôm', rất có thể mảng thanh toán của Go-Viet sẽ bùng nổ trong tương lai.

Đằng sau khoản đầu tư vào Go-jek của những "ông lớn"

Theo công bố của các bên liên quan, ứng dụng gọi xe Go-jek đã nhận đầu tư của hàng loạt các công ty lớn trên thế giới như Facebook, Paypal, Tencent và Google. Go-jek từ lâu được coi là đối thủ lớn nhất của Grab trong khu vực Đông Nam Á với mô hình hoạt động tương đối giống nhau.

Nhiều hãng thông tấn trên thế giới đánh giá việc các tập đoàn lớn đầu tư vào Go-jek nhằm phát triển mảng thanh toán kĩ thuật số tại Đông Nam Á. Điều này một lần nữa được  ông Kevin Aluwi, đồng CEO Go-jek, khẳng định.

"Một phần của thỏa thuận thương mại là các tính năng thanh toán của PayPal sẽ được tích hợp vào các dịch vụ của Gojek, và hai công ty cũng sẽ hợp tác để cho phép khách hàng của GoPay - ví điện tử của Gojek - có quyền truy cập vào mạng lưới hơn 25 triệu đối tác nhà hàng của PayPal trên toàn thế giới", ông Aluwi tuyên bố trong một thông cáo báo chí.

Từ lâu, Đông Nam Á là một mảnh đất màu mỡ với thị trường thanh toán điện tử. Ngoại trừ Singapore, mặt bằng chung tỉ lệ sử dụng tiền mặt trong khu vực rơi vào khoảng 47% - 65% ở thời điểm trước dịch COVID-19 ( theo báo cáo "Số hóa tiền mặt ở ASEAN" của Ngân hàng Standard Chartered xuất bản năm 2019). 

Facebook, Paypal... đầu tư vào Go-jek, mảng thanh toán của Go-Viet liệu sẽ 'bung lụa'? - Ảnh 1.

Go-Viet hiện vẫn chưa chấp nhận thanh toán phi tiền ,mặt. Ảnh: Chụp màn hình.

Ngoài ra, báo cáo của Adsota xuất bản tháng 2/2020 chỉ ra Đông Nam Á có tới 2 nước lọt vào top 15 thị trường smartphone lớn nhất thế giới (Việt Nam và Indonesia). Chính những điều kiện này giúp Đông Nam Á trở nên sôi động hơn với các khoản đầu tư vào ngành fintech nói chung và phân ngành thanh toán số nói riêng.

Đối thủ lớn nhất của Go-jek là Grab đã liên kết với Moca để hình thành một hệ sinh thái thanh toán không tiền mặt trải khắp các quốc gia mà hãng gọi xe này có mặt. 

Thậm chí tại riêng Việt Nam, Moca còn là một trong 6 ví điện tử hàng đầu chiếm hầu hết thị phần, theo phát biểu của ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng viện Chiến lược Ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Thành công phần nào của Moca tại Việt Nam có đóng góp lớn từ mối liên kết với Grab. Nghiên cứu của Cimigo chỉ ra rằng 32% số giao dịch qua Moca là để thanh toán gọi xe công nghệ.

Trên thực tế, Go-jek cũng đã có riêng cho mình ví điện tử mang tên GoPay. Tuy nhiên hiện tịa GoPay vẫn chưa thật sự phổ biến trên toàn Đông Nam Á. Ít nhất tại Việt Nam, đối tác của Go-jek là Go-Viet hiện vẫn chỉ có phương thức thanh toán tiền mặt.

Bao giờ Go-Viet cho thanh toán không tiền mặt?

Dịch COVID-19 khiến người dân hạn chế tiếp xúc với nhau hơn và xu thế hạn chế dùng tiền mặt đang lên cao. Theo dữ liệu của Moca, số người dùng lần đầu tiên thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab vào tháng 03/2020 đã tăng đến 22,5% so với tháng trước đó.

Về mặt chính sách tại Việt Nam, Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về về vấn đề phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).

Khách hàng mới có xu hướng chọn các hãng gọi xe công nghệ có phương thức thanh toán không tiền mặt tiện lợi. Xu hướng ấy sẽ tạo nên tác động kép: Dịch vụ của đối tác thanh toán càng tốt thì hãng gọi xe công nghệ càng phát triển và ngược lại.

Tại Việt Nam, Go-Viet gần như là hãng gọi xe công nghệ duy nhất vẫn chỉ sử dụng thanh toán tiền mặt. Đầu năm nay, Be cũng đã liên kết với ví điện tử SmartPay trong khi FastGo cũng có hỗ trợ thanh toán phi tiền mặt qua ví điện tử Vimo.

Thậm chí các ứng dụng gọi món khác như Baemin, Now cũng có những tùy chọn khác ngoài thanh toán tiền mặt cho khách hàng.

Facebook, Paypal... đầu tư vào Go-jek, mảng thanh toán của Go-Viet liệu sẽ 'bung lụa'? - Ảnh 2.

Với khoản đầu tư từ các tập đoàn lớn, liệu mảng thanh toán của Go-Viet sẽ "bung lụa"?. Ảnh: Go-Viet

Chính vì thế, với sự đầu tư lần này, Go-Viet được kì vọng sẽ phát triển thêm những hình thức thanh toán mới để mở rộng hệ sinh thái nhằm cạnh tranh với các đối thủ trong nước.

"Ứng dụng Go-Viet tương đối ổn về mảng gọi đồ ăn với nhiều mã khuyến mại và tôi thường xuyên sử dụng để đặt món. Tuy nhiên nếu ứng dụng mở thêm mảng thanh toán qua ví điện tử hay thẻ nữa thì sẽ hút thêm nhiều người dùng hơn", anh Việt, một thanh niên 28 tuổi ở Hà Nội, chia sẻ.

Trên thực tế, với lần rót vốn này của các "ông lớn" vào Go-jek, kì lân Indonesia hoàn toàn có khả năng hỗ trở đẩy mạnh thanh toán phi tiền mặt trong khu vực, trong đó có thị trường Việt Nam với đối tác Go-Viet. Đây cũng là điều mà đại diện Go-Viet khẳng định.

"Chúng tôi đang tìm hiểu về các dịch vụ thanh toán điện tử tại Việt Nam nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, và sẽ sớm thông báo về vấn đề này. Chúng tôi tin rằng, các dịch vụ này sẽ hỗ trợ những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc tiến tới một xã hội không dùng tiền mặt", Phát ngôn viên của Go-Viet cho biết.

Paypal là một cổng thanh toán quốc tế, trong khi cả Google, Facebook lẫn Tencent đều sở hữu những mảng kinh doanh thanh toán kĩ thuật số. Với cái bắt tay lần này, tham vọng đưa mảng thanh toán của Go-jek nói chung và Go-Viet nói riêng tiến xa là rất rõ ràng. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế thanh toán không tiền mặt đang phát triển nhanh tại Việt Nam.


Tiểu Phượng

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.