Chiến lược trái ngược trong mảng giao đồ ăn giữa Uber và Grab
Đầu năm nay, Uber bất ngờ công bố kế hoạch rút lui khỏi mảng giao đồ ăn tại thị trường Ấn Độ. Thị phần của Uber Eats tại đất nước đông dân thứ hai thế giới sẽ được chuyển giao cho một ứng dụng địa phương là Zomato theo một thỏa thuận mua bán, sáp nhâp cổ phần.
Đây không phải là quyết định tháo chạy đầu tiên của Uber Eats tại châu Á. Hồi cuối năm 2019, Uber đã ngừng kinh doanh mảng giao đồ ăn tại thị trường Hàn Quốc để tập trung vào mảng kinh doanh gọi xe cốt lõi.
Trong thông báo mới nhất, Uber quyết định bỏ mảng giao món tại 7 thị trường khác nhau, bao gồm Arab Saudi, Ai Cập, Czech, Honduras, Romania, Uruguay và Ukraine. Tại UAE, Uber Eats cũng chuyển giao toàn bộ cho công ty con của Uber là Careem Now,
Uber nói họ thu hẹp mô hình kinh doanh gọi món trên thế giới để tập trung cho mảng gọi xe - vốn là xương sống của Uber. Chiến lược của Uber tương đối trái ngược so với một đối thủ khác là Grab.
Năm 2019, bà Lim Kell Jay, người đồng sáng lập của Grab, cho biết Grabfood - mảng giao đồ ăn - sẽ là yếu tố cốt lõi giúp có lãi, mục tiêu mà chính Uber cũng chưa đạt dù công ty đã phát hành cổ phiếu ra công chúng từ tháng 5/2019.
Bà Lim nói mảng giao món có biên lợi nhuận cao hơn so với mảng gọi xe. Hơn thế nữa, với cơ sở dữ liệu (người dùng, tài xế) hiện tại, việc phát triển mạnh thị phần giao món không tốn quá nhiều nguồn lực của công ty.
Hồi năm 2018, UBS dự đoán thị trường giao đồ ăn sẽ tăng gấp 10 lần, từ 35 tỉ USD lên 365 tỉ USD vào năm 2030. Do đó, việc Grab lựa chọn Grabfood làm hạt nhân để dẫn tới lợi nhuận là giải pháp khả thi.
Ngược lại, Uber lại thấy rằng việc mở rộng mảng giao món Uber Eats là một gánh nặng. Ngoài việc kiên định với triết lí tập trung vào mảng gọi xe, rõ ràng việc phát triển quá nóng Uber Eats trên khắp thế giới đã khiến Uber gặp phải rắc rối.
Khi Uber Eats rút khỏi Ấn Độ, ông Vivek Sunder, giám đốc vận hành của Swiggy (một đối thủ trực tiếp của Uber Eats) tuyên bố rằng Uber đã thất bại tại thị trường giao món Ấn Độ vì không thể "bản địa hóa" được ứng dụng, khiến công ty thất thế khi cạnh tranh với các ứng dụng nội địa.
Bản địa hóa luôn là một trong những yếu tố ưu tiên hàng đầu đối với Grab, đặc biệt trong mảng gọi món. Bếp chung Grab, một mô hình có thể bùng nổ trong tương lai, đang dần hình thành tại một số quốc gia, bao gồm Việt Nam.
Mặc dù vậy, Grab mới đang hoạt động tại Đông Nam Á, một khu vực với nhiều quốc gia có văn hóa không quá khác biệt. Việc bản địa hóa ứng dụng sẽ dễ dàng hơn so với Uber, một công ty mạnh tay triển khai các mảng gọi xe, giao món trên toàn cầu.
Dịch bệnh COVID-19 khiến chiến lược tập trung vào mảng gọi xe mà bỏ mảng giao đồ ăn của Uber thêm phần trắc trở trong quá trình tạo ra lợi nhuận. Nhu cầu đi lại giảm xuống và nhu cầu gọi món về nhà lại tăng lên trong thời gian dịch bệnh.
Mới đây, Uber chia tay với ông Thuận Phạm, giám đốc công nghệ gốc Việt. Ông Thuận là giám đốc có thâm niên nhất tại Uber vì ông gắn bó với công ty từ năm 2013. Lời chia tay đến trong bối cảnh Uber tiếp tục muốn sa thải 5.400 nhân sự, tương đương 20% lực lượng lao động. .
Ngược lại, Grab và Go-jek lại sẵn sàng trích lập quĩ hỗ trợ chính phủ, đối tác và khách hàng. Chi nhánh Go-jek tại Việt Nam là Go-Viet cũng tập trung vào mảng gọi món.
Mảng giao đồ ăn là một "miếng mồi" ngon với các ứng dụng tại Đông Nam Á như Grab và Go-jek. Cả hai công ty đều thấy tiềm năng và cơ hội phát triển trong tương lai của dịch vụ. Tuy nhiên, Uber coi mảng giao đồ ăn là một gánh nặng và sẵn sàng cắt bỏ khi khủng hoảng (dịch bệnh) bùng phát.
Uber liên tục báo lỗ kể từ sau IPO, trong khi Grab cũng chưa có lãi. Điểm khác biệt mấu chốt đến từ mảng giao đồ ăn rất có thể sẽ quyết định Grab có thể đến đích trước Uber trong chặng đường tiến tới có lãi với mô hình kinh tế chia sẻ hay không.