Tập đoàn Toshiba chia tách thành ba công ty
Tuần qua, công ty công nghệ Nhật Bản, Toshiba đã công bố kế hoạch tách thành ba công ty khác nhau trước áp lực của cổ đông, đồng thời cũng nhằm cải thiện lợi nhuận các mảng kinh doanh cốt lõi, theo Asia Nikkei.
Theo kế hoạch kinh doanh trung hạn được Toshiba thông báo, các đơn vị cơ sở hạ tầng và thiết bị điện tử sẽ được tách ra vào cuối năm tài chính 2023 thành các công ty riêng biệt. Trong đó công ty thứ ba sẽ giữ lại tên Toshiba, là nơi quản lý cổ phần doanh nghiệp tại nhà máy sản xuất chip Kioxia Holdings cùng các tài sản khác.
Việc tái cơ cấu bộ máy tổ chức nhằm mục đích tăng hiệu suất hoạt động kinh doanh cốt lõi và giúp cổ đông hiểu cũng như giám sát từng hoạt động dễ dàng hơn. Ba công ty sẽ hoạt động độc lập với nhau. Một cuộc họp cổ đông tạm thời sẽ được tổ chức vào khoảng giữa tháng Giêng và tháng Ba để lấy ý kiến cổ đông về kế hoạch.
Mục đích của việc chia tách là để "tạo ra một tổ chức đơn giản hơn" cho từng lĩnh vực kinh doanh, Giám đốc điều hành Satoshi Tsunakawa cho biết. Đội ngũ quản lý của mỗi đơn vị sẽ được lựa chọn từ bên trong và bên ngoài công ty.
Ông Satoshi cho biết: "Mỗi đơn vị nên được dẫn dắt bởi một nhóm chuyên gia trong lĩnh vực tương ứng, qua đó giúp công ty phát triển nhanh chóng và có thể đánh bại các đối thủ cạnh tranh".
Toan tính của Toshiba
Kế hoạch này được coi là "đỉnh cao" sau gần 5 tháng làm việc của Ủy ban đánh giá chiến lược Hội đồng quản trị Toshiba, đứng đầu là ông Paul Brough. Theo ủy ban, sự chia tách này là lần đầu tiên mà một công ty Nhật Bản có tầm vóc và quy mô lớn thực hiện. Đồng thời, cách tiếp cận này phản ánh quyết tâm của Toshiba trong việc tuân theo một lộ trình sẽ nâng cao giá trị lâu dài cho các cổ đông.
Những thông tin đầu tiên về sự chia tách này được tờ Asia Nikkei đăng tải cuối tuần qua, trước khi xuất hiện thông tin gã khổng lồ GE của Mỹ cũng chia tác công ty làm ba. Đáng chú ý, GE là đối tác lâu năm của Toshiba, hợp tác trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như khai thác tuabin gió ngoài khơi. Động thái này cũng là một phản ứng trước những áp lực từ phía cổ đông, những người yêu cầu đẩy mạnh tính minh bạch và hiệu quả.
Toshiba hiện duy trì 7 nhóm hoạt động kinh doanh, bao gồm một đơn vị cơ sở hạ tầng xử lý hệ thống giao thông công cộng, hệ thống cấp thoát nước và thang máy, một công ty năng lượng xử lý việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện và điện hạt nhân, và một đơn vị thiết bị điện tử sản xuất ổ đĩa cứng, chất bán dẫn.
Tập đoàn Toshiba tin rằng giá trị của các nhóm doanh nghiệp mới sẽ thu hút mức định giá tốt hơn so với thời điểm đứng chung dưới một tập đoàn. Thông thường, các nhà đầu tư có xu hướng định giá thấp các tập đoàn lớn bởi họ không nắm rõ cách vận hành cũng như các thông tin khác khi đứng từ phía bên ngoài. Ngoài ra, một tổ chức vận hành nhiều mảng kinh doanh khác nhau sẽ khó quản lý hơn so với những đơn vị có trọng tâm rõ ràng.
Việc chia tách cũng được kỳ vọng sẽ cho phép mỗi tập đoàn hoạt động theo hướng năng động hơn, đưa ra chiến lược kinh doanh riêng, mở rộng huy động vốn và đạt được mức tăng trưởng cao hơn.
Mamoru Hatazawa, Phó Giám đốc điều hành tập đoàn rất ngạc nhiên khi biết rằng đối tác lâu năm GE cũng đang đi theo một con đường tương tự. Ông nói: "Tốc độ thay đổi đang tăng nhanh. Chúng tôi không thể bắt kịp với sự thay đổi khi các hoạt động khác nhau cùng diễn ra trong một tổ chức".
Bước chuyển mình lớn
Toshiba từng là biểu tượng của các tập đoàn công nghiệp Nhật Bản, bán nhiều loại sản phẩm từ TV đến nhà máy điện hạt nhân, nhưng thời điểm đó giờ đã qua. Vài năm gần đây, tập đoàn đã bán bớt các đơn vị bao gồm nhà sản xuất thiết bị y tế Toshiba Medical, doanh nghiệp máy tính cá nhân Dynabook và nhà sản xuất bộ nhớ máy tính Toshiba Memory, hiện được gọi là Kioxia.
Ông Satoshi Tsunakawa nhấn mạnh: "Chúng tôi không còn là một tập đoàn công nghiệp nữa. Thế mạnh của chúng tôi là về cơ sở hạ tầng, năng lượng và chất bán dẫn. Việc tổ chức lại là một sự tiến hóa hướng tới tương lai."
Theo kế hoạch, một công ty cơ sở hạ tầng mới được thành lập sẽ kết hợp hai mảng kinh doanh cơ sở hạ tầng và hoạt động năng lượng. Đơn vị này cũng được trang bị các công nghệ công nghiệp tiên tiến, chẳng hạn như IoT, tự động hóa nhà máy, lưới thông minh và điện toán lượng tử.
Công ty thiết bị điện tử sẽ chịu trách nhiệm sản xuất chất bán dẫn và ổ cứng. Toshiba sản xuất chất bán dẫn thông qua công ty con Japan Semiconductor. Công ty con có trụ sở tại Kitakami là nhà sản xuất chip quản lý cung cấp điện chính. Toshiba cũng sản xuất ổ cứng thông qua công ty con Toshiba Device, một trong ba công ty hàng đầu cùng với Seagate Technology và Western Digital.
Trước đây, Toshiba từng nói rằng sẽ bán 20% cổ phần của Kioxia, nhưng Tsunakawa hiện nói rằng họ sẽ bán toàn bộ cổ phần. "Kinh doanh bộ nhớ máy tính đòi hỏi những khoản đầu tư lớn. Chúng tôi đã quyết định rằng sẽ không tham gia vào lĩnh vực kinh doanh này", ông nói.
Hôm qua, Toshiba đã công bố một báo cáo từ Ủy ban nâng cao năng lực quản trị về việc điều hành cuộc họp đại hội đồng thường niên năm ngoái, trong đó các CEO Toshiba bị cáo buộc đã làm việc với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp để gây áp lực, buộc các cổ đông ủng hộ các đề xuất từ các nhà hoạt động.
Báo cáo nói rằng hành vi của các giám đốc điều hành trái với những gì họ mong đợi từ các cổ đông và trái với đạo đức doanh nghiệp. Dù vậy, báo cáo cũng chỉ ra hành vi đó không phải là vi phạm pháp luật vì Toshiba có văn hóa phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chính phủ, và ban lãnh đạo đã không đủ các cuộc đối thoại với nhà đầu tư.