|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Toyota đưa ra kịch bản về 'ngày tận thế' của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, dự báo hàng triệu lao động sẽ mất việc làm

08:08 | 02/10/2021
Chia sẻ
Mục tiêu của việc phát triển lĩnh vực xe điện tại Nhật Bản là đạt được mức trung tính carbon vào năm 2050.

Ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản cảnh báo rằng việc chính phủ nước này thúc đẩy trung tính carbon – trạng thái không phát thải carbon dioxide, có thể khiến nước này mất hàng triệu việc làm cũng như hàng triệu đơn vị sản lượng xe, theo Autonews.

Kịch bản về "ngày tận thế" đã được đưa ra trong tháng này bởi Akio Toyoda, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản. Ông chỉ trích mục tiêu "xanh hóa" ngành công nghiệp ô tô và cho rằng việc làm này không bền vững.

Ông nói lộ trình của chính phủ Nhật Bản, với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 và đạt được mức trung tính carbon năm 2050, nên được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Theo ông, mạch máu của nền kinh tế Nhật Bản bắt nguồn từ sản xuất.

Toyota đưa ra kịch bản về 'ngày tận thế' của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, dự báo hàng triệu lao động sẽ mất việc làm - Ảnh 1.

Akio Toyoda, Chủ tịch Toyota Motor Corp. (Ảnh: Autonews).

Toyoda, Chủ tịch Toyota Motor Corp., nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới cho biết sự chuyển hướng sang xe điện có thể làm suy yếu nền công nghiệp Nhật Bản, và đất nước này cần một giải pháp tiếp cận sáng tạo hơn để giảm phát thải carbon.

"Nhật Bản là một quốc gia phụ thuộc vào lĩnh vực xuất khẩu. Vì vậy, việc giảm phát thải carbon liên quan đến vấn đề việc làm của Nhật Bản. Một số chính trị gia cho rằng chúng ta cần biến tất cả ô tô thành xe điện hoặc ngành công nghiệp sản xuất là một ngành lỗi thời.

Tuy nhiên, tôi không nghĩ như vậy. Để bảo vệ công ăn việc làm và cuộc sống của người dân Nhật Bản, tôi nghĩ rằng cần phải cân bằng giữa tương lai và những nỗ lực chúng ta đã làm từ trước đến nay", ông Toyoda chia sẻ.

5,5 triệu lao động trong ngành ô tô Nhật Bản có thể bị mất việc

Bên cạnh đó, ông chia sẻ ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản sản xuất khoảng 10 triệu xe mỗi năm, trong số đó có tới một nửa được xuất khẩu. "Cho đến năm 2030, dự báo rằng các nhà máy trong nước sẽ vẫn sản xuất khoảng 8 triệu xe mỗi năm được trang bị động cơ đốt trong, bao gồm cả hybrid và plug-in hybrid", ông cho biết.

Ông Toyoda cho biết các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài chuyển quá trình sản xuất sang thị trường nước ngoài. "Điều này có nghĩa là sản lượng hơn 8 triệu chiếc sẽ bị mất và ngành công nghiệp ô tô có thể đối mặt nguy cơ mất đi gần 5,5 triệu việc làm. Nếu họ nói động cơ đốt trong là kẻ thù, chúng tôi sẽ không thể sản xuất hầu hết mọi phương tiện", lãnh đạo Toyota Motor chia sẻ.

Cả trong vai trò người phát ngôn của ngành và chủ tịch Toyota, ông Toyoda đều chia sẻ thẳng thắn, lên tiếng về sự tiết chế và linh hoạt trong việc theo đuổi chương trình giảm phát thải carbon.

Con đường này nên được điều chỉnh phù hợp với các điều kiện cụ thể ở mỗi quốc gia, đi kèm sự tự do hơn trong việc sử dụng công nghệ để đạt được điều đó, miễn là chúng dẫn đến mục tiêu cuối cùng – giảm phát thải khí carbon.

Sự phản đối của ông Toyoda xuất hiện khi các nhà lập pháp Mỹ xem xét những yếu tố thúc đẩy người dân nước này mua xe điện, trong đó có những ý tưởng mà Toyota và Honda, hai nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới đã công khai phản đối.

Xe hybrid sẽ là giải pháp?

Ông Toyota khẳng định rằng xe hybrid vẫn có những đóng góp đáng kể trong việc hướng tới tính trung hòa của carbon, mặc dù chúng được trang bị động cơ đốt trong. Xe hybrid có giá cả phải chăng hơn xe điện và có thể thâm nhập vào các thị trường chưa có cơ sở hạ tầng trạm sạc. Thêm vào đó, những cải tiến kỹ thuật giúp xe hybrid sạch hơn.

Theo tính toán của Toyota, 18,1 triệu xe hybrid mà hãng đã bán được cộng dồn trong những năm qua đã có tác động giảm lượng carbon dioxide tương tự như việc bán được 5,5 triệu chiếc xe điện– con số mà chưa hãng xe nào đạt được.

Trong khi đó, nhìn từ quan điểm kinh tế, sử dụng xe hybrid làm công nghệ cầu nối hướng tới xe điện có thể giúp giảm bớt tác động đến các công việc chế tạo những bộ phận cho động cơ và hộp số. Để giúp tăng tuổi thọ của xe động cơ đốt trong, Toyota thậm chí đã phát triển động cơ đốt cháy hydro nén như xăng, nhưng không phát thải.

"Để đạt được tính trung hòa carbon, kẻ thù là carbon dioxide, không phải chất đốt trong. Để giảm lượng khí thải carbon dioxide, cần phải có những sáng kiến thiết thực và bền vững, phù hợp với các tình huống khác nhau ở từng quốc gia và khu vực", ông Toyoda nhấn mạnh.

Tại Nhật Bản, khoảng 40% tổng số ô tô bán ra đã được điện khí hóa. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ trong số đó là xe điện.

Trong tháng 6, khoảng 777.000 xe điện đã được giao tại nước này. Dù vậy, chưa đến 8.500 chiếc chạy hoàn toàn bằng điện và có khoảng 3.200 chiếc trong số đó đến từ các thương hiệu nhập khẩu. Khoảng 97% tổng số xe điện được bán là xe hybrid tiêu chuẩn hoặc hybrid nhẹ, không bao gồm xe plug-in hoặc xe chạy pin nhiên liệu.

Mặc dù là ông vua hybrid tại Nhật Bản, Toyota thực tế chỉ bán được hơn 500 chiếc xe điện trong nước trong nửa đầu năm, gồm 497 chiếc crossover Lexus UX 300e và 74 chiếc xe Toyota C + pod.

Tuy nhiên, ông Toyoda vẫn đổ lỗi cho các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản vì đã cố gắng sao chép và áp dụng những chính sách giảm phát thải carbon của những nước châu Âu, nơi các nhà sản xuất ô tô thậm chí phát triển công nghệ hybrid chậm hơn.

"Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều mục tiêu khác nhau, nhưng những con số đó không phù hợp với tình hình thực tế ở Nhật Bản, mà là phù hợp với xu hướng quản lý ở châu Âu. Mỗi quốc gia nên có cách tiếp cận riêng với việc giảm phát thải khí carbon", lãnh đạo Toyota nhận định.

Quốc Anh