Kế hoạch đầy tham vọng của An Khang, Long Châu và Pharmacity trên 'chiến trường' bán lẻ dược phẩm
Mới đây, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) đã tăng tỷ lệ sở hữu tại chuỗi nhà thuốc An Khang từ 49% lên 100%. Như vậy, An Khang đã chính thức trở thành công ty con của Thế Giới Di Động.
Chia sẻ về sự kiện này, phía Thế Giới Di Động cho biết: "Sau khi đạt hiệu quả kinh doanh tích cực ở cấp độ công ty với 178 cửa hàng cuối năm 2021 và chính thức hợp nhất vào kết quả kinh doanh của Thế Giới Di Động, chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ đầu tư cả về nguồn lực tài chính và đội ngũ lãnh đạo chuyên trách để phát triển mạnh mẽ".
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vừa qua, ông Đoàn Văn Hiểu Em - người phụ trách chính chuỗi nhà thuốc này trong thời gian tới cũng đã có những chia sẻ về kế hoạch cho tương lai.
Theo đó, ông Hiểu Em cho biết công ty đang xử lý một số vấn đề tại những cửa hàng hiện hữu để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng cũng như tìm kiếm cơ hội để thúc đẩy doanh số bán hàng. Hiện doanh thu mỗi nhà thuốc An Khang đang đạt mức 500 triệu đồng/nhà thuốc/tháng. Theo ông Hiểu Em, như vậy đã hòa vốn nhưng dư địa để tăng trưởng vẫn còn rất lớn.
"Cần phải hoàn tất cho mô hình An Khang hoàn toàn mới. Trong năm nay sẽ tăng tốc cho An Khang để có thể tham gia cuộc đua trong lĩnh vực này", ông Đoàn Văn Hiểu Em chia sẻ.
Chia sẻ về cơ hội trong ngành bán lẻ dược phẩm, Chủ tịch Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài cho biết: "Ngành thuốc sau đợt dịch vừa rồi đã có những phát triển tốt. Nếu như trước đây ngành thuốc cơ bản nói về thuốc chữa bệnh là chính thì sau đợt dịch vừa rồi thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ,… cũng đã tăng trưởng ngon lành.
Đây là những dấu hiệu cho thấy ngành thuốc Việt Nam đang dịch chuyển từ thuốc chữa bệnh - đau đâu chữa đó, sang bảo vệ sức khỏe. Chúng tôi cho rằng ngành thuốc muốn kiếm lợi nhuận thì đây là giai đoạn phù hợp".
Ngoài An Khang, một số thương hiệu lớn trong ngành bán lẻ dược phẩm cũng có những kế hoạch riêng nhằm mở rộng thị trường, tăng tốc trên đường đua trong thời gian tới, tiêu biểu là hai thương hiệu Long Châu và Pharmacity.
Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, dự kiến họp ngày 15/4 tại TP HCM, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail – Mã: FRT) đã chia sẻ những con số chi tiết về chuỗi bán lẻ nhà thuốc Long Châu.
Tính đến cuối năm 2021, FPT Retail cán mốc 400 nhà thuốc Long Châu. Trong năm 2022, công ty có kế hoạch sẽ mở rộng vùng phủ ra 63 tỉnh, dự kiến mở thêm ít nhất 300 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng tính tới cuối năm nay lên khoảng 700 - 800 cửa hàng.
Năm 2021 đánh dấu mốc nhà thuốc Long Châu chính thức có lãi; doanh thu gấp 3,3 so với năm 2020, đạt 3.977 tỷ đồng.
Ngoài ra, Long Châu tiếp tục phát triển các sản phẩm độc quyền, các nhãn riêng. Theo kế hoạch, công ty sẽ có khoảng 50 sản phẩm độc quyền, nhãn riêng trong năm 2022.
Đại diện FPT Retail cho biết công ty dồn sức đầu tư cho chuỗi nhà thuốc Long Châu bởi xác định thị trường bán lẻ điện thoại, laptop hiện nay đang dần bão hòa, trong khi thị trường dược phẩm được đánh giá có tiềm năng phát triển cao hơn trong dài hạn.
Điều này cũng tương tự với chia sẻ của Chủ tịch Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài khi ông từng đưa ra nhận định rằng thị trường bán lẻ điện thoại đã rơi vào trạng thái bão hòa, và Thế Giới Di Động sẽ chuyển hướng sang các chuỗi mới thay vì tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi.
Trong khi đó, tính đến tháng 5/2021, Pharmacity có hơn 600 nhà thuốc tại 15 tỉnh thành và có kế hoạch mở đến 1.000 nhà thuốc vào cuối năm 2021, tương đương tốc độ mở 2 nhà thuốc mỗi ngày.
Công ty đặt ra mục tiêu mở đến 5.000 nhà thuốc trên nhiều tỉnh thành Việt Nam, cho phép 50% người dân Việt Nam có thể đến nhà thuốc Pharmacity trong vòng 10 phút lái xe. Kế hoạch đầy khát vọng trong 5 năm tiếp theo sẽ đưa Pharmacity đạt được doanh thu hơn 1,5 triệu USD và tạo ra lực lượng lao động với hơn 29.000 nhân viên, tăng từ 4.000 nhân viên như hiện tại.
Trong 5 năm tiếp theo, công ty sẽ công bố kế hoạch cho một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe với việc kết hợp hình thức bán lẻ truyền thống với các dịch vụ y tế cơ bản, các sản phẩm bảo hiểm và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.
Pharmacity cũng có kế hoạch củng cố cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của mình. Theo kế hoạch 05 năm đến 2025, Pharmacity sẽ ra mắt một "siêu ứng dụng" ("super app") nhằm mang lại nhiều dịch vụ khác nhau bao gồm Dược sĩ và Bác sĩ trực tuyến, đặt xe cấp cứu, và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà hoặc dịch vụ chăm sóc người bệnh.
"Tầm nhìn của Pharmacity là chuỗi nhà thuốc tiện lợi nhất tại Việt Nam nơi bạn trao trọn niềm tin và sức khoẻ", ông Chris Blank, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Pharmacity nhấn mạnh.