Đầu mối kinh doanh xăng dầu phải kết nối dữ liệu với Bộ Công Thương
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tại dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất quy định thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kết nối các dữ liệu kinh doanh xăng dầu như dữ liệu cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh xăng dầu, dữ liệu hệ thống phân phối xăng dầu, dữ liệu nhập - xuất - tồn kho xăng dầu với Bộ Công Thương, tương thích với chương trình điện tử do Bộ Công Thương quy định.
Căn cứ hồ sơ, tài liệu về thực hiện kết nối dữ liệu kinh doanh xăng dầu do thương nhân cung cấp, Vụ Thị trường trong nước chuyển hồ sơ, tài liệu về thực hiện kết nối dữ liệu kinh doanh xăng dầu của thương nhân tới Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.
Tiếp đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá, gửi thông báo xác nhận việc hoàn thành/chưa hoàn thành kết nối dữ liệu kinh doanh xăng dầu của thương nhân với Bộ Công Thương tới Vụ Thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, về nội dung hợp đồng đại lý bán lẻ xăng dầu, hợp đồng nhượng quyền thương mại bán lẻ xăng dầu, hợp đồng mua bán xăng dầu, dự thảo quy định, ngoài các thỏa thuận của hai bên, cần có các nội dung chủ yếu như: Tên, địa chỉ, mã số thuế của bên giao và bên nhận đại lý, bên nhượng quyền và bên nhận quyền thương mại bán lẻ xăng dầu, bên bán và bên mua xăng dầu tùy theo hình thức hợp đồng.
Hợp đồng cũng cần nêu rõ các thông tin về số lượng, chất lượng, chủng loại xăng dầu; cách thức giao nhận; thù lao đại lý, phí nhượng quyền thương mại bán lẻ xăng dầu, giá mua bán xăng dầu tùy theo hình thức hợp đồng.
Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ cách xác định và công bố giá xăng dầu thế giới. Theo đó, giá sản phẩm xăng dầu thế giới là giá thành phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế được tổng hợp từ một hoặc một số hãng tin có uy tín.
Bộ Công Thương xác định mặt hàng xăng dầu nhà nước công bố giá xăng dầu thế giới để áp dụng trong công thức giá bán xăng dầu là mặt hàng xăng không chì (có nguồn gốc hóa thạch 100%) và nhiên liệu diesel được tiêu dùng phổ biến trên thị trường.
Đối với xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu, Bộ Công Thương quy định thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân sản xuất xăng dầu được xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu theo kế hoạch đăng ký với Bộ.
Để đảm bảo việc xuất khẩu không ảnh hưởng đến cung cầu xăng dầu tại thị trường trong nước, Bộ Công Thương sẽ xem xét đề nghị xuất khẩu xăng dầu của thương nhân trên cơ sở cân đối nguồn cung, nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Ngoài ra, theo dự thảo, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sau khi điều chỉnh giá bán xăng dầu phải thực hiện công bố giá bán buôn, bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối và thông báo về Bộ Công Thương, UBND cấp tỉnh, Sở Công Thương và cơ quan Quản lý thị trường nơi thương nhân có hệ thống phân phối.
Thương nhân phân phối xăng dầu sau khi điều chỉnh giá bán xăng dầu phải thực hiện công bố giá bán buôn, bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối và thông báo về UBND cấp tỉnh, Sở Công Thương và cơ quan Quản lý thị trường nơi thương nhân có hệ thống phân phối.
Về bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ chủ trì triển khai, hướng dẫn UBND cấp tỉnh thực hiện một hoặc một số phương thức để xác định nguyên nhân biến động giá theo quy định Nghị định số 85 quy định chi tiết một số điều của Luật Giá và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).