|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tập đoàn thực phẩm Nestle tiếp tục tăng giá sản phẩm do lạm phát

01:57 | 18/02/2023
Chia sẻ
Nestle đã tăng giá trung bình 8,2% trong năm ngoái khi chi phí sản xuất sữa, ngũ cốc và năng lượng tăng. Hãng cho biết đợt tăng giá lần này là cần thiết để bù đắp những thiệt hại do lạm phát.

Các sản phẩm sữa của Nestle được bày bán tại một siêu thị ở Madrid (Tây Ban Nha). (Ảnh: TTXVN)

Ngày 17/2, Tập đoàn thực phẩm Nestle của Thụy Sĩ thông báo tiến hành đợt tăng giá mới do lạm phát, cho dù người tiêu dùng trên toàn thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Nestle - nhà sản xuất viên nén càphê Nespresso, nước cốt Maggi, socola thanh KitKat..., cho biết doanh số bán hàng đã tăng 8,4% lên 94,4 tỷ franc Thụy Sĩ (102,3 tỷ USD) trong năm 2022.

Tuy nhiên, tăng trưởng thực nội bộ của hãng - thước đo lượng hàng bán ra - chỉ nhích thêm 0,1%, thấp hơn nhiều so với năm 2021, chủ yếu do sức mua của người tiêu dùng yếu. Biên lợi nhuận cơ sở của Nestle cũng đã giảm nhẹ xuống mức 17,1%.

Trong khi đó, lợi nhuận ròng giảm 45% so với năm 2021 xuống còn 9,3 tỷ franc trong năm 2022, song sự so sánh này không phản ánh thực chất vì trong năm 2021, việc thanh lý cổ phần mà Nestle nắm giữ trong tập đoàn L'Oreal chuyên về mỹ phẩm đã giúp doanh thu của nhà sản xuất thực phẩm này tăng mạnh.

Giám đốc điều hành Nestle, ông Mark Schneider, cho biết năm 2022 có nhiều thách thức và khó khăn đối với các gia đình, các cộng đồng và doanh nghiệp.

Khắp nơi trên thế giới đều đối mặt với tình trạng lạm phát cao chưa từng có, áp lực chi phí sinh hoạt đè nặng và tác động của những căng thẳng địa chính trị do hệ lụy của cuộc xung đột tại Ukraine.

Nestle đã tăng giá trung bình 8,2% trong năm ngoái khi chi phí sản xuất sữa, ngũ cốc và năng lượng tăng. Quyết định tiếp tục tăng giá lần này là điều cần thiết nhằm bù đắp cho những thiệt hại mà tập đoàn này phải gánh chịu do tác động của lạm phát.

Nestle dự báo tăng trưởng doanh số bán hàng trong năm nay dao động từ 6%-8%.

Minh Tâm

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.