|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

3 điều bất ngờ khiến ngân hàng lớn nhất Nhật Bản đầu tư 80 tỉ yen vào Grab

15:51 | 27/04/2020
Chia sẻ
MUFG Bank là định chế tài chính lớn nhất đầu tư vào Grab. Vốn của họ chiếm 5% cổ phần của "ông lớn" gọi xe Đông Nam Á.

Đại dịch COVID-19 đang thay đổi mọi mặt đời sống người dân trên thế giới. Việc dùng các dịch vụ vận chuyển như taxi đang giảm mạnh trước lệnh phong tỏa hoặc giãn cách xã hội, song các dịch vụ giao đồ ăn hay giao hàng lại phát triển mạnh.

Đông Nam Á, nơi có thể trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, không phải ngoại lệ.

3 bất ngờ khiến nhà băng lớn nhất Nhật Bản chi 80 tỉ yên đầu tư vào Grab - Ảnh 1.

Ông Hironori Kamezawa, Phó Chủ tịch MUFG và Ming Maa, Chủ tịch Grab bắt tay khi công bố thoả thuận hợp tác và đầu tư hồi tháng 2 năm nay. Ảnh: Nikkei.

Nhân sự tại khối chuyển đổi số của ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, MUFG Bank, đang quan sát chặt chẽ tình hình để đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh tới hoạt động kinh doanh. Hồi tháng 2, MUFG Bank kí hợp đồng đầu tư và kinh doanh đáng chú ý với công ty gọi xe đa quốc gia Grab.

Vài tháng trước khi hai bên công bố thương vụ, nhiều thành viên của khối chuyển đổi số từ MUFG Bank đã cùng nhân sự của Grab đã tới thăm Jakarta và nhiều điểm kinh doanh khác của Grab.

Grab cung ứng nhiều loại hình dịch vụ dựa trên cốt lõi là kinh doanh gọi xe và đang đón tăng trưởng nhanh chóng nhờ mô hình "siêu ứng dụng". Nhóm dự án đã mua sắm tại một trung tâm thương mại chấp nhận dịch vụ thanh toán trực tuyến của Grab và trò chuyện cùng một số chủ nhà hàng tham gia GrabFood.

MUFG Bank và Grab gọi khoảng thời gian hơn 3 tháng, bắt đầu đầu tháng 10 năm ngoái, là "100 ngày đầu tiên". Họ chia sẻ các thông tin kinh doanh mật cùng nhau để khám phá cơ hội hình thành một liên minh.

Trên thực tế, MUFG Bank đã rót 10 tỉ yên (100 triệu USD) vào Grab trước thời điểm này. Đầu tư lớn vào giai đoạn đàm phán mới nhen nhóm như vậy khá hiếm trong giới startup. Dù vậy, khi thỏa thuận được chốt vào tháng 2, con số đầu tư đã lên tới 80 tỉ yên (bao gồm 10 tỉ yên trước đó).

Một nhân sự của MUFG Bank phủ nhận thương vụ đầu tư 10 tỉ yên ban đầu diễn ra trên cơ sở thỏa thuận gần như đã được chốt. Dù khoản đầu tư thể hiện thiện chí hợp tác của MUFG, nó cho thấy quan điểm thận trọng của họ trong việc đánh giá đối tác tiềm năng, Nikkei nói.

Vậy điều gì đã khiến MUFG Bank "xuống tiền" đầu tư? Theo Nikkei, MUFG đã thấy ba điều bất ngờ khi nhìn sâu vào bên trong Grab thông qua "tiền vé" 10 tỉ yên.

Ban lãnh đạo MUFG Bank ấn tượng với lượng khách hàng lớn mà Grab có ở 8 quốc gia Đông Nam Á. Ứng dụng Grab xuất hiện trên 185 triệu thiết bị di động, tương đương 1/3 dân số khu vực.

MUFG hiện đã có trong tay Bank of Ayudhya (Thái Lan) và Bank Danamon (Indonesia). Họ cho rằng họ có thể tận dụng lợi thế ấy để xây dựng và củng cố khả năng cung cấp các sản phẩm tài chính trong khu vực Đông Nam Á.

Dữ liệu mà Grab có từ người dùng cũng là một điểm nhấn. Grab đã tích lũy một lượng thông tin khổng lồ, từ gọi xe, mua sắm, thanh toán đến du lịch thông qua quá trình người dùng sử dụng ứng dụng.

Yếu tố thứ ba là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mà Grab áp dụng trong xử lí dữ liệu. Nói một cách ngắn gọi, khả năng phát triển trí tuệ nhân tạo của Grab đã vượt xa MUFG, vốn vẫn khá ngần ngại khi tận dụng dữ liệu cá nhân của người dùng hiện hành.

Bên cạnh đó, hãng gọi xe Đông Nam Á cũng hoạt động trong một khu vực ngày càng sẵn sàng đón nhận các dịch vụ cung cấp thông qua điện thoại thông minh.

Vài năm trước khi MUFG Bank và Grab bắt tay hợp tác, Mizuho Bank cũng đã dự báo tiềm năng của Grab trong lĩnh vực tài chính và khởi động nhiều nghiên cứu nội bộ liên quan đến khả năng hình thành một liên minh. Dù vậy, Mizuho đã quyết định không hợp tác, theo Nikkei.

Với 80 tỉ yên đổi lấy 5% cổ phần Grab, MUFG Bank trở thành cổ đông lớn của Grab. Dù vậy, "kì lân gọi xe" còn rất nhiều nhà đầu tư lớn khác như Uber, Didi Chuxing, SoftBank hay Toyota Motor. Để quá trình hợp tác với Grab diễn ra nhanh chóng và trơn tru, bên cạnh những thảo luận với Grab, MUFG Bank còn phải tìm sự đồng thuận với cả các cổ đông lớn khác.

Thái Sơn

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.