Hàng nghìn tài xế đình công phản đối Grab và Gojek ở Indonesia
Tuần trước, hơn 1.000 tài xế xe ôm công nghệ tại Indonesia đã tiến hành đình công tại nhiều thành phố lớn, nhằm phản đối mức thu nhập thấp và kêu gọi chính phủ cung cấp thêm các biện pháp bảo vệ trước những chính sách mà họ cho là không công bằng từ các công ty gọi xe công nghệ, theo Reuters.
Các tài xế mặc áo khoác xanh đặc trưng của thương hiệu đã tập trung trước Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia cũng như gần văn phòng của công ty công nghệ lớn nhất nước này gồm GoTo và Grab - công ty hàng đầu khu vực Đông Nam Á về dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn.
Xe ôm công nghệ, hay còn gọi là "gojek," là hình thức vận chuyển phổ biến tại Indonesia, đặc biệt ở thủ đô Jakarta, nơi nổi tiếng với tình trạng giao thông tắc nghẽn hàng đầu thế giới. Cuộc đình công đã gây ra một số phàn nàn trên mạng xã hội về dịch vụ chậm trễ.
Đại diện của Gojek, đơn vị thuộc tập đoàn GoTo, cho biết hoạt động của họ vẫn diễn ra bình thường và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các tài xế. Trong khi đó, đại diện Grab cho biết chính sách giá của họ được thiết kế để đảm bảo nhu cầu ổn định cho dịch vụ, đồng thời cân nhắc đến thu nhập của tài xế.
Tuy nhiên, nhiều tài xế cho rằng mức thu nhập hiện tại chưa đủ để trang trải cuộc sống. Họ yêu cầu các công ty tăng tỷ lệ chia sẻ doanh thu từ các chuyến đi, hiện đang ở mức 80%, và mong muốn chính phủ cấp quy chế đặc biệt để cải thiện quyền thương lượng về mức phí.
Anh Andi Kristiyanto, đại diện của Liên minh Taxi Công nghệ Quốc gia - nhóm "châm ngòi" cuộc biểu tình, cho biết các tài xế cần được bảo vệ nhiều hơn để có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc thỏa thuận phí dịch vụ.
Một tài xế tên Wandi chia sẻ rằng anh phải làm việc 10 tiếng mỗi ngày nhưng thu nhập hầu hết chỉ dưới 150.000 rupiah (khoảng 9,73 USD), thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu tại Jakarta là 5 triệu rupiah (khoảng 324,5 USD).
"Chúng tôi muốn các nền tảng lắng nghe chúng tôi," anh Wandi bày tỏ.
GoTo và Grab là hai tập đoàn công nghệ lớn cung cấp dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn và nhiều dịch vụ khác tại nhiều quốc gia Đông Nam Á, với tổng giá trị vốn hóa thị trường khoảng 18 tỷ USD. Tuy nhiên, các công ty này chỉ công nhận tài xế là đối tác, do đó không có nghĩa vụ pháp lý phải quy định mức lương tối thiểu, chi trả bảo hiểm xã hội hay giới hạn giờ làm việc.
Theo bà Nabiyla Risfa Izzati, giảng viên luật lao động tại Đại học Gadjah Mada, chính phủ nên can thiệp để điều chỉnh mức phí tối thiểu và tối đa cho tất cả các ngành dịch vụ liên quan đến vận chuyển công nghệ, bao gồm cả gọi xe và giao đồ ăn.
Bộ Lao động Indonesia chưa có phản hồi chính thức về yêu cầu của các tài xế, trong khi Bộ Giao thông Vận tải cho biết không điều chỉnh các khoản phí mà kêu gọi các nền tảng lắng nghe nguyện vọng của người lao động.
Trong bối cảnh này, nhiều tài xế và nhân viên giao hàng tại khu vực Jakarta cũng đã lên kế hoạch biểu tình, nhằm phản đối các quy định mà họ cho là không công bằng từ cả các công ty công nghệ lẫn chính phủ. Các yêu cầu chính của họ bao gồm việc giảm tỷ lệ hoa hồng hiện ở mức 20-30% và việc hợp thức hóa nghề nghiệp của họ theo luật pháp Indonesia.
Đại diện Gojek cũng khuyến cáo các tài xế không nên bị lôi kéo bởi những hành động khiêu khích và nhấn mạnh rằng sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc nếu có bất kỳ hành vi gây ảnh hưởng đến khách hàng hoặc tài xế khác.