Chuyên gia: Indonesia có thể lỡ cơ hội nếu không hiểu vì sao các công ty lớn như Apple chọn Việt Nam
Do chính sách nội địa hóa lâu đời của Indonesia, gọi là “TKDN,” Apple chưa thể bán mẫu iPhone mới nhất tại nước này cho đến khi họ đầu tư hoặc sử dụng nhiều linh kiện nội địa hơn, theo CNBC.
Cụ thể, ngày 3/12, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia thông báo rằng quốc gia này dự định tăng yêu cầu nội địa hóa đối với các khoản đầu tư vào smartphone.
Kế hoạch này được đưa ra sau khi chính phủ từ chối một đề xuất trị giá 100 triệu USD từ Apple nhằm mở đường cho việc bán iPhone 16. Thay vào đó, chính phủ yêu cầu Apple đầu tư 1 tỷ USD vào sản xuất linh kiện điện thoại tại Indonesia.
Các yêu cầu nội địa hóa, được áp dụng cho nhiều ngành công nghiệp từ pin mặt trời đến xe điện, nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước và xây dựng chuỗi cung ứng giá trị gia tăng tại Indonesia.
Tuy nhiên, khi các yêu cầu này được nâng cao, Indonesia đang phải cạnh tranh với các quốc gia Đông Nam Á khác, như Việt Nam, để thu hút đầu tư và chuỗi cung ứng đang rời khỏi Trung Quốc.
Chiến lược có phù hợp?
Dù chính sách nội địa hóa đã thu hút một số cam kết từ các nhà sản xuất trước đây, các chuyên gia kinh tế nhận định đây vẫn là một chiến lược sai lầm, không giải quyết được các vấn đề cốt lõi khiến Indonesia thất bại trong việc thu hút chuỗi cung ứng công nghệ.
Bhima Yudhistira Adhinegara, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật (CELIOS), nhận định:
“Đây là dạng bảo hộ giả. Chính sách này không nhằm bảo vệ thị trường nội địa khỏi hàng nhập khẩu, mà là để dọa các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nước này.”
Ông cho rằng Indonesia đang cố ép các tập đoàn lớn như Apple phải đầu tư nhiều hơn, nhưng cách tiếp cận này không hiệu quả.
Một nhà phân tích từng chia sẻ với CNBC rằng Indonesia có thể là cơ hội tăng trưởng tiềm năng cho Apple nếu công ty này tìm được cách gia nhập thị trường.
Apple từng nhận được thiện cảm tại Indonesia thông qua việc thành lập “Học viện Nhà phát triển Apple,” nơi đào tạo sinh viên các kỹ năng như phát triển phần mềm. CEO Tim Cook của Apple đã thông báo kế hoạch mở thêm một học viện mới tại Bali trong chuyến thăm Indonesia vào tháng 4.
Tuy nhiên, chính phủ hiện muốn nhiều hơn từ chuỗi cung ứng của Apple và yêu cầu các cơ sở sản xuất nội địa tham gia vào quá trình sản xuất thực tế.
Giới chức Indonesia cho rằng giá trị đầu tư mà Apple đề xuất thấp hơn doanh thu bán hàng tại nước này. Họ cũng viện dẫn rằng các công ty như Xiaomi (Trung Quốc) và Samsung (Hàn Quốc) đã đầu tư nhiều hơn vào thị trường.
Indonesia sở hữu lợi thế là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á và đứng thứ tư thế giới. Tuy nhiên, đây vẫn là thị trường nhỏ với Apple, khi ít người tiêu dùng đủ khả năng mua iPhone đời mới. Giá trị vốn hóa thị trường của Apple còn lớn hơn tổng GDP của Indonesia.
Tác dụng ngược?
Hầu hết các nhà kinh tế được CNBC phỏng vấn đều cho rằng chính sách nội địa hóa không hiệu quả trong việc thu hút các công ty lớn như Apple, thậm chí có thể phản tác dụng.
“Các yêu cầu nội địa hóa không giúp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Indonesia. Ngược lại, chính sách này đã góp phần khiến các kế hoạch của Foxconn và Tesla bị rút lại trong những năm gần đây,” Arianto Patunru, chuyên gia kinh tế tại Đại học Quốc gia Australia, nhận xét.
Adhinegara từ CELIOS cũng cảnh báo rằng các biện pháp “dọa nạt” doanh nghiệp như Apple đang gây tổn hại cho môi trường đầu tư tại Indonesia, tạo ra sự không chắc chắn về mặt quy định.
Yessi Vadila, chuyên gia thương mại tại Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á, nhấn mạnh rằng các yêu cầu nội địa hóa tại Indonesia thường làm tăng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu và năng suất, trong khi tác động đến tăng trưởng và việc làm không đáng kể.
Dù đã có một số thành công bề nổi, các chuyên gia cho rằng điều này không đủ để thu hút các khoản đầu tư lớn hơn từ Apple hay các tập đoàn tương tự.
So với Indonesia, Việt Nam được coi là một điểm đến hấp dẫn hơn nhờ các ưu đãi đầu tư, chính sách ổn định và cơ sở hạ tầng tốt hơn so với các nước cùng khu vực.
Việt Nam cũng có lợi thế nhờ các hiệp định thương mại tự do với châu Âu, trong khi Indonesia vẫn đang đàm phán một thỏa thuận tương tự. Việt Nam còn được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng.
Bhima Yudhistira cảnh báo rằng Indonesia có thể bỏ lỡ cơ hội nếu không hiểu lý do tại sao các công ty như Apple từng chọn Việt Nam thay vì mình.
Dù đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Indonesia đã tăng qua các năm, tỷ lệ FDI so với GDP lại giảm trong hai thập kỷ qua, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới.
Hồi tháng 4, CEO Apple, Tim Cook đã có chuyến công tác tới Việt Nam và hãng cho biết có thể sẽ tăng chi tiêu cho các nhà cung cấp ở Việt Nam trong năm nay. Kể từ năm 2019, Apple đã đầu tư gần 16 tỷ USD (tương đương 400.000 tỷ đồng) vào Việt Nam thông qua chuỗi cung ứng trong nước và tăng hơn gấp đôi chi tiêu hàng năm tại Việt Nam trong cùng thời kỳ.
Tập đoàn này là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ ba tại Việt Nam, với hơn 70 nhà máy và 250.000 nhân công trong chuỗi cung ứng. Tính đến năm ngoái, số lượng nhà cung cấp tại Việt Nam đã tăng từ 21 lên 25. Foxconn, nhà cung cấp iPhone lớn của Apple, đã đầu tư 300 triệu USD vào Việt Nam để mở rộng sản xuất.
Dự kiến, đến năm 2025, Việt Nam sẽ sản xuất 20% iPad, 5% MacBook, và 65% AirPods của Apple. Tháng 8 năm ngoái, dịch vụ Apple Pay đã ra mắt tại Việt Nam, cho phép người dùng thanh toán trực tiếp qua thiết bị mà không cần tiền mặt. Đồng thời, vào tháng 5/2023, cửa hàng trực tuyến Apple Store chính thức khai trương tại Việt Nam, cung cấp đầy đủ sản phẩm và hỗ trợ tiếng Việt cho khách hàng.