|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CEO Grab: Thị trường Việt Nam không quá khắc nghiệt, nếu có công thức đúng sẽ thành công

07:33 | 22/10/2024
Chia sẻ
Giám đốc Grab Việt Nam Alejandro Osorio cho rằng, nếu doanh nghiệp có công thức đúng sẽ thành công tại thị trường Việt Nam. Còn không, các doanh nghiệp rất dễ rơi vào tình thế khó khăn và đối mặt với tình huống xấu nhất là phải rời khỏi thị trường.

Chúng tôi đến thăm văn phòng Grab tại Hà Nội vào dịp kỷ niệm 10 năm hãng gia nhập thị trường Việt Nam – một hành trình với Grab có lẽ là đủ cả thăng hoa và đủ cả thăng trầm.

Trong những năm qua, khi các thủ lần lượt dứt áo ra đi, Grab vẫn ở lại và không ngừng nỗ lực trong cuộc chiến mở rộng thị phần. Ở thời điểm hiện tại, Grab vẫn giữ được phong độ và vị thế nhất định trong lĩnh vực đặt xe và giao đồ ăn nhưng doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức khi các đối thủ mới xuất hiện và sở hữu nhiều tính năng, ưu điểm vượt trội.

Vậy Grab sẽ phải làm gì và hành động ra sao để một thập kỷ sau, hãng lại có một lễ kỷ niệm 20 năm với nhiều dấu ấn tại thị trường Việt Nam?

Cuộc trò chuyện thân mật giữa chúng tôi và Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam Alejandro Osorio sẽ hé lộ những câu chuyện Grab chưa từng kể, chưa từng bật mí và cả những chiến lược của hãng trong thời gian tới.

 

- Trong 10 năm Grab chinh chiến tại thị trường Việt Nam, theo ông, thách thức lớn nhất mà công ty gặp phải là gì?

Ngày nào với chúng tôi cũng là thử thách và những trải nghiệm mới, từ việc vận hành nền tảng đến hoạt động kinh doanh. Song, chúng tôi luôn nhìn thấy những cơ hội trong thách thức.

10 năm qua với chúng tôi là một hành trình nhiều cảm xúc và cũng nhiều khó khăn khi là người tiên phong và thiết lập nên một nền tảng kỹ thuật số tại Việt Nam. Không như bây giờ, ngày ấy nhiều người còn chưa có cả smartphone (điện thoại thông minh) nên mọi thứ với họ đều là mới mẻ.

Đây cũng là lý do trong những ngày đầu ra mắt, chúng tôi phải làm việc từ lúc 3 - 4 giờ sáng để đến các trạm xăng, thuyết phục tài xế taxi chuyển sang chạy xe trên ứng dụng Grab.

Sau đó, chúng tôi lại phải thuyết phục người dùng đặt xe qua Grab, trong bối cảnh chỉ cần bước ra đường là có thể vẫy được xe. Và quan trọng hơn nữa là phải trình bày làm sao để họ thấy được sự an toàn, tiện ích của dịch vụ này.

Có lẽ, cách đây 10 năm, áp lực lớn nhất mà Grab gặp phải là thúc đẩy sự chuyển dịch sang dịch vụ kỹ thuật số. Còn ở thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn còn nhiều bài toán đặt ra và cần tìm lời giải.

Hiện tại, Grab đã có mặt ở 50 tỉnh và thành phố ở Việt Nam nhưng khi mở rộng kinh doanh sang những tỉnh, thành mới, chúng tôi cũng gặp phải khó khăn tương tự như tại Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày đầu. 

- Vậy Grab đã và đang đóng góp những gì vào nền kinh tế số, nhất là ở thị trường Việt Nam, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng, Grab là một trong những nhân tố kích thích trong nền kinh tế số. Grab không phải công ty duy nhất nhưng là một động lực quan trọng. Những đổi mới mà chúng tôi mang đến thị trường không chỉ nhanh chóng mà còn rất phù hợp. 

Mỗi khi chúng tôi tung ra một dịch vụ mới đều là một bước tiến hợp lý, được xây dựng từ những nền tảng sẵn có. Những dịch vụ này không chỉ đến từ nền tảng tốt mà còn đến từ việc chúng tôi hiểu được sâu sắc và chính xác những nhu cầu mà người dùng hay đối tác đang cần. 

Chẳng hạn như làm thế nào để cuộc sống người dân tiện lợi hơn hay giúp đối tác có thêm cơ hội tăng thu nhập trong thời gian rảnh. Khi bạn tìm cách giải quyết hai bài toán trên, bạn sẽ tạo ra nhiều dịch vụ, giúp giữ chân người dùng, đối tác tài xế và đối tác nhà hàng ở lại nền tảng, cũng như thu hút thêm người dùng mới.

Vì vậy, tôi cho rằng những nỗ lực để trở nên phù hợp với thị trường Việt Nam đã giúp chúng tôi ngày càng đem lại lợi ích cho nhiều người hơn.  

- Trong những năm qua, nhiều đối thủ của Grab trong lĩnh vực đặt xe và giao đồ ăn đã lần lượt rời khỏi thị trường, công ty bình luận gì về việc này? Phải chăng thị trường Việt Nam quá khắc nghiệt?

Chúng tôi đã thấy nhiều đối thủ đến và đi, không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều thị trường khác mà Grab đang hoạt động. Sự cạnh tranh diễn ra hàng ngày và cạnh tranh là tốt, là cơ hội tốt để thúc đẩy chúng tôi có thể học hỏi đối phương, liên tục cải tiến và tìm ra cơ hội mang lại nhiều giá trị hơn cho người dùng.  

Tôi không cho rằng thị trường Việt Nam là khắc nghiệt nhưng đây là thị trường có yêu cầu cao. Điển hình là nhu cầu của người dùng ở mỗi khu vực và địa phương sẽ có sự phân hoá nhất định. Ví dụ như thói quen và hành vi tiêu dùng của người dùng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là khác nhau hoàn toàn.

Khác với nhiều doanh nghiệp, khi đặt chân đến Việt Nam, Grab tập trung vào tính địa phương và có sự tuỳ chỉnh thích hợp theo vùng miền. Để từ đó, chúng tôi nhận thức và hiểu về thị trường một cách chính xác, thay vì giải quyết các vấn đề chỉ bằng tiền.

Theo tôi, nếu bạn có công thức đúng, bạn có thể thành công tại Việt Nam và tôi nghĩ Grab là minh chứng.

- Sự xuất hiện của một tân binh trên thị trường gần đây với những lợi thế như có lương cứng, được cấp phương tiện (xe điện thân thiện môi trường) và chiết khấu cao, Grab có lo lắng về sự “chào sân” ấn tượng này?

Như tôi đã nói, Grab không hề xa lạ với cạnh tranh, chúng tôi luôn đối mặt với cạnh tranh ở mọi thị trường và mọi mảng dịch vụ.

Nhìn lại Grab, chúng tôi có lợi thế về hệ sinh thái. Với đa dạng dịch vụ và đa dạng phân khúc giá, đi kèm với những giá trị cộng thêm như GrabUnlimited, GrabRewards, người dùng luôn có nhiều lý do để mở ứng dụng và đặt dịch vụ. Và ở thời điểm hiện tại, không có đối thủ nào mang lại những lợi ích tương tự cho người dùng như chúng tôi.

Ngoài ra, Grab còn có lợi thế về quy mô và độ phủ sâu rộng, cùng với kinh nghiệm ở Việt Nam trong 10 năm qua. Công nghệ của chúng tôi cũng cải tiến liên tục.

Một doanh nghiệp nào đó có thể tạo ra ứng dụng giống Grab, nhưng họ sẽ gặp khó khăn khi vận hành như Grab.

- Vậy bài học lớn nhất mà Grab rút ra sau một thập kỷ gia nhập thị trường Việt Nam là gì? Thị trường Việt Nam được đánh giá như thế nào so với các thị trường khác trong khu vực?

Việt Nam là thị trường quan trọng với Grab, đây là quốc gia có dân số trẻ, năng động và tràn đầy tinh thần khởi nghiệp. Hiện tại, tỷ lệ thâm nhập thị trường ở một số lĩnh vực còn thấp, nghĩa là cơ hội còn nhiều nhưng khai thác ra sao và hiệu quả thế nào sẽ phụ thuộc vào chiến lược của từng doanh nghiệp.

Về bài học lớn nhất và cách để Grab thành công sau một thập kỷ gia nhập thị trường Việt Nam là có sứ mệnh đúng đắn. Nghe thì có vẻ sáo rỗng nhưng đó là thực tế.

Khi một nền tảng phục vụ quá nhiều đối tượng mà doanh nghiệp lại không có sứ mệnh đúng đắn thì sẽ không thể cân bằng các nhu cầu hay lợi ích của các bên liên quan như tài xế, khách hàng, cửa hàng….

Nhiệm vụ đặt ra từ những ngày đầu của chúng tôi là tạo cơ hội kinh tế và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người, để ngày càng nhiều người dân Việt Nam có thể tiếp cận với những lợi ích của nền kinh tế số. Grab từng trải qua những giai đoạn khó khăn để giữ mọi thứ cân bằng. 

Song, có một nguyên tắc mà chúng tôi luôn áp dụng là ở bất cứ thời điểm nào, Grab sẽ đều tiếp nhận và giải quyết các vấn đề một cách thực chất. Chỉ có như vậy, chúng tôi mới tồn tại và đi lên, bởi lẽ dịch vụ không phải lúc nào cũng hoàn hảo ngay từ khi ra mắt.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hoàng Dung