Grab và Go-Jek đốt tiền để duy trì ‘xương sống’ giữa đại dịch COVID-19
Grab và Go-Jek đều đang đau đầu với tình hình tài chính khi chi hàng triệu USD để hỗ trợ tài xế trong lúc đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Theo Nikkei, nhu cầu gọi xe trong khu vực đang giảm với tốc độ hai con số. Thực tế này khiến các tài xế không thể chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Amir, một tài xế của Go-Jek ở Indonesia, đang gặp nhiều khó khăn khi không thể trả tiền thuê nhà hay thậm chí tiền ăn mỗi ngày.
"Thu nhập hàng ngày của tôi rơi xuống mức 30.000 rupiah (1,91 USD)", anh chia sẻ. "Nó chỉ bằng 1/3 mức thu nhập trước đại dịch".
Cả Singapore và Malaysia đều đang áp dụng lệnh yêu cầu người dân ở nhà. Trong khi đó, ở Indonesia, "sân nhà" của Go-Jek, Tổng thống Joko Widodo cũng kêu gọi người dân thực hiện động thái tương tự.
Hồi tuần trước, thủ đô Jakarta thực hiện lệnh hạn chế xã hội nghiêm khắc hơn, bao gồm việc cấm chở khách trên xe máy.
Số liệu từ Statqo Analytics cho thấy số lượng người gọi xe trên Grab đã giảm 24% trong khoảng thời gian từ tuần kết thúc vào ngày 26/3 so với tuần từ ngày 22 đến 28/2. Cùng kì, Go-Jek chứng kiến mức giảm 11%.
Nhưng thay vì giảm chi phí và nhân sự, Grab và Go-Jek đều đang triển khai các chính sách hỗ trợ tài xế. Grab triển khai gói chiết khấu 30% với các khoản phí thuê xe của tài xế Singapore cho tới ngày 4/5.
Ở các thị trường Đông Nam Á, "ông lớn" gọi xe cũng thực hiện chính sách trợ cấp cho tài xế dương tính với COVID-19 hoặc đang phải cách li bắt buộc. Công ty khẳng định họ đã chi gần 40 triệu USD cho các hoạt động này.
Hồi cuối tháng 3, Go-Jek mở một quĩ hỗ trợ giá trị 100 tỉ repiah (6,38 triệu USD), để trợ cấp cho các tài xế ở các khu vực bị ảnh hưởng. Các lãnh đạo Go-Jek góp một phần tư lương hàng năm cho quỹ.
Hôm 7/4, Go-Jek nói sẽ cung cấp 1 triệu phiếu giảm giá mỗi tuần. Mỗi phiếu trị giá 5.000 rupiah và các tài xế có thể sử dụng tại các nhà hàng tham gia chương trình.
Nikkei nhận định cả Grab và Go-Jek đều rất sợ khả năng mất tài xế nếu họ không hỗ trợ hợp lý trong giai đoạn khó khăn. Không có tài xế, tiềm năng tăng trưởng của cả hai "kì lân" đều không còn.
Ở Singapore và một số thị trường khác, Grab cho các tài xế thuê xe và nếu các tài xế dừng làm việc, những chiếc xe sẽ trở thành tài sản không sinh ra lợi nhuận.
Một yếu tố khác cũng tạo ra áp lực lớn cho Go-Jek và Grab nằm ở việc cả hai công ty đều xây dựng hình ảnh như những công ty "tạo ra việc làm". Cả hai đều không thể quay lưng với các tài xế của họ ở thời điểm hiện tại.
Hồi cuối tháng 3, Andre Soelistyo, người đồng CEO Go-Jek, chia sẻ với Reuters rằng Go-Jek có thể sẽ phục hồi "trong vài tháng tới". Hỗ trợ tài xế giúp Go-Jek đảm bảo khả năng đáp ứng khi thị trường phục hồi.
Cả Go-Jek và Grab đều không công bố kết quả kinh doanh, song Nikkei nhận định những khoản hỗ trợ tài xế sẽ tiếp tục đè nặng lên bảng cân đối kế toán của hai startup.
Năm ngoái, Grab gọi thành công 2,1 tỉ USD vốn đầu tư từ một số nhà đầu tư như SoftBank, theo DealStreetAsia. Go-Jek cũng có thêm 1,6 tỉ USD trong một vòng gọi vốn có sự tham gia của Alphabet (công ty mẹ của Google).
Hiện nay Grab và Go-Jek là những startup có dòng vốn đầu tư dồi dào nhất Đông Nam Á. Nhưng đại dịch cũng đang ảnh hưởng tiêu cực đến bức tranh toàn cảnh lĩnh vực đầu tư mạo hiểm. Nikkei nhận định cơ hội nhận đầu tư trong mùa dịch đang giảm dần.
Trước đó, theo nguồn tin của The Information, Grab và Go-Jek đang thảo luận khả năng sáp nhận nhưng cả hai công ty đều phủ nhận.