Tham vọng chiếm miếng bánh lớn thị trường bảo hiểm của Grab với phí vài nghìn đồng mỗi ngày
Tham vọng ở mảng bảo hiểm của Grab tại Đông Nam Á không nhỏ: bảo vệ hàng triệu gia đình trong khu vực khỏi những tình huống bất định trong cuộc sống bằng dịch vụ số, đơn giản và linh hoạt.
"Chúng tôi tùy biến các sản phẩm để hỗ trợ tài xế trong những tình huống tệ nhất, ví dụ như khi họ không thể đi làm vì đau ốm hay tai nạn", Tom Duncan, người đứng đầu mảng bảo hiểm của Grab, nói với Tech In Asia.
Duncan là người quản lí mảng bảo hiểm GrabInsure của Grab. Ra đời vào tháng 4/2019, GrabInsure đã triển khai một số sản phẩm bảo hiểm vi mô ở Singapore, Malaysia và gần đây nhất là Indonesia. Sản phẩm của GrabInsure bao gồm bảo hiểm tai nạn cá nhân, đau ốm, du lịch và bảo hiểm gọi xe công nghệ.
Mới hoạt động trên dưới một năm, GrabInsure đã phát hành trên 7 triệu đơn bảo hiểm ở Singapore và Malaysia. Trước đó, thực tế, Grab đã triển khai cấp bảo hiểm tai nạn cá nhân miễn phí cho cả tài xế và hành khách Grab từ năm 2016, theo Tech In Asia.
Điểm khác biệt trong sản phẩm bảo hiểm của GrabInsure so với thị trường là việc nó thu phí "theo chuyến xe" hoặc thu phí hàng ngày. Điều này vốn tiện lợi với hàng triệu người vẫn đang dùng ứng dụng Grab mỗi ngày cho các mục đích khác nhau trong cuộc sống.
Lợi thế của một siêu ứng dụng
Điểm mạnh của GrabInsure đến từ chi phí thấp. "Các ông lớn bảo hiểm thường tập trung vào phân khúc nhỏ các khách hàng có đủ thu nhập để trả phí bảo hiểm cao ở các sản phẩm truyền thống. Thứ chúng tôi thấy là nhu cầu của thị trường đại trà cho bảo hiểm sức khoẻ rẻ, dễ tiếp cận", Duncan giải thích.
Tháng trước, Go-Jek cũng giới thiệu Gosure cùng sự hợp tác của công ty công nghệ bảo hiểm Indonesia PasarPolis. Gosure cung cấp các gói bảo hiểm du lịch, bảo hiểm xe máy và bảo hiểm thiết bị di động.
Phiên bản beta của Gosure thu hút hàng nghìn lượt đăng kí trong thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 2/2020, một "tín hiệu tích cực", ông Sony Radhityo, người đứng đầu mảng nền tảng bên thứ ba của Go-Jek, chia sẻ.
Là một siêu ứng dụng mang đến cho Grab rất nhiều lợi thế hơn so với các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm truyền thống. Công ty này đang có tệp người dùng 185 triệu, phục vụ hơn 9 triệu tài xế, các đối tác bán hàng hoặc các doanh nhân vi mô trên khắp Đông Nam Á. Cùng lúc, ví điện tử GrabPay hỗ trợ thanh toán trong ứng dụng với hơn 600.000 điểm bán.
Ở thời điểm hiện tại, việc phát hành bảo hiểm của Grab thực hiện thông qua hợp tác cùng công ty bảo hiểm số Trung Quốc Zhong An.
Hợp tác với Grab cho phép Zhong An tiếp cận hệ sinh thái của Grab ở Đông Nam Á. Grab có thể tận dụng các kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực của Zhong An.
Theo Tech In Asia, Grab sẽ có thể tiếp cận với hệ thống Fusion của Zhong An cùng khả năng tích hợp hệ thống bảo hiểm thông qua giao diện lập trình ứng dụng (API) thời gian thực. Bằng cách này, họ có thể triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhanh chóng.
Hợp tác trên tỏ ra cực kì quan trọng trong bối cảnh Grab đang triển khai một số dịch vụ bảo hiểm liên quan đến COVID-19, Duncan chia sẻ.
Khi các nhân viên y tế gặp khó khăn để di chuyển tới nơi làm việc, Grab ra mắt gói GrabCare ở Singapore dành riêng đáp ứng cho nhu cầu đi lại của các nhân viên y tế. GrabInsure sẽ áp dụng gói bảo hiểm COVID-19 miễn phí cho các tài xế tham gia chương trình GrabCare.
Phí bảo hiểm siêu thấp
Với nhóm dân số không có đủ khả năng chi trả các gói phí bảo hiểm lớn hàng tháng hoặc hàng năm, gói bảo hiểm phí thấp của Grab thực sự mang tính thay đổi cuộc chơi.
Gói bảo hiểm đau ốm của Grab – hợp tác cùng NTUC Income - nhắm đến đối người dùng là tài xế Grab và thực hiện thu phí bảo hiểm dựa trên số chuyến xe. Nó khác với bảo hiểm truyền thống khi yêu cầu người được bảo hiểm đóng phí cố định trong một khoảng thời gian.
Theo gói sản phẩm này, tài xế Grab có thể chọn thanh toán từ 0.07 USD đến 0.35 USD cho mỗi chuyến xe và qua đó tích luỹ với số tiền bảo hiểm tối đa lên tới 137.000 USD.
"Họ càng đi nhiều, số tiền bảo hiểm càng tăng", Duncan giải thích. Đáng nói, chính sách bảo hiểm sẽ áp dụng cho cả các hoạt động bên ngoài mối quan hệ đối tác với Grab.
Ở Malaysia, nơi bảo hiểm gọi xe là bắt buộc với các tài xế, GrabInsure cung cấp gói bảo hiểm với phí từ 0,23 USD đến 0,45 USD, thấp hơn rất nhiều so với bảo hiểm truyền thống.
Grab cũng cung cấp dịch vụ bảo hiểm du lịch, với sự hợp tác cùng Chubb, với chi phí hàng ngày từ 1,7 USD đến 3,4 USD, tuỳ vào điểm đến. Trong tháng đầu triển khai tại Singapore, dịch vụ này đón 10.000 người dùng.
Trong khi đó, với phí 0,2 USD/ chuyến xe, bảo hiểm của Grab sẽ chi trả cho những bất chắc liên quan đến tai nạn khi di chuyển trên đường của người dùng và đồng thời bảo hiểm cả rủi ro các tài xế chậm trễ đón khách.
Grab cũng đang triển khai một sản phẩm tương tự dành cho dịch vụ giao đồ ăn. "Ví dụ, người dùng sẽ được thanh toán nếu đồ ăn giao chậm 15 phút nếu mua bảo hiểm", Duncan nói thêm.
Ở các thị trường như Indonesia, Thái Lan và Malaysia, hơn 85% khách hàng bảo hiểm cá nhân, đặc biệt là người trẻ và đam mê công nghệ, tỏ ra cởi mở với việc mua thêm bảo hiểm từ những nhà phân phối mới, theo một nghiên cứu của Bain & Co.
"Nhu cầu về bảo hiểm sức khoẻ chưa được đáp ứng ở Indonesia là rất lớn", Duncan nhận định. Tỉ lệ sử dụng bảo hiểm nhân thọ (tỉ lệ tổng phí bảo hiểm trên GDP đầu người) ở đây mới chỉ đạt 2%. Con số này tại Singapore lên tới 10%, cũng theo Bain & Co.
Thị trường mục tiêu tiếp theo của GrabInsure cho sản phẩm bảo hiểm tai nạn cá nhân là Indonesia. Ở thời điểm hiện tại, người dùng Grab tại Indonesia đã có thể đăng kí các gói bảo hiểm nhân thọ của hãng này. Dù thế, Grab thừa nhận đối tượng bảo hiểm chủ yếu hiện tại vẫn đang là các tài xế.
Song ở Indonesia, trong số các hợp đồng bảo hiểm của Grab, tỉ lệ người được bảo hiểm trên mỗi tài xế hiện đạt 1,8%, một con số thú vị cho thấy nhiều tài xế đang mua bảo hiểm cho cả các thành viên gia đình.