|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tài xế xe công nghệ, shipper ồ ạt tắt app: Nền tảng nói gì?

16:49 | 16/01/2025
Chia sẻ
Nhiều tài xế xe công nghệ, shipper cho biết sẽ nghỉ Tết sớm nếu tình trạng kẹt xe, tắc đường kéo dài. Ngoài ra, mức xử phạt vi phạm giao thông tăng cao cũng là nỗi ám ảnh của họ hiện nay.

18h, tại nút giao Kim Mã – Nguyễn Chí Thanh, Thanh Giang, 24 tuổi, nhân viên văn phòng vẫn “đánh vật” với các app (ứng dụng) gọi xe. Cô đã đứng ở đây 20 phút mà vẫn không có tài xế nào nhận vận chuyển. Khác so với trước đây, Giang chỉ cần chờ vài phút là có xe.

18h30, một tài xế nhận chuyến xe, cô cảm thấy rất hạnh phúc.

Không chỉ Giang. Gần đây, trên các diễn đàn mạng xã hội thực trạng khó đặt xe vào giờ cao điểm được người dùng quan tâm.

Thừa nhận thực tế này, anh N.H, một tài xế Grab cho biết, từ ngày mức xử phạt vi phạm giao thông tăng theo Nghị định 168, họ hầu như không dám vượt đèn đỏ, leo vỉa hè… nên chuyến nào xa điểm đón thường sẽ bỏ vì đến muộn thì khách phàn nàn, đi ẩu thì bị xử phạt.

Người này cho biết có lần anh đứng tại đường Nguyễn Khang và mất 10 phút để di chuyển sang làn đường đối diện (Láng), do tắc đường. Anh buộc phải gọi điện cho khách xin lỗi và mong họ thông cảm. Trong một số trường hợp, anh thấy đoạn đường đến điểm đón quá xa sẽ từ chối nhận khách.

Một tài xế Be đón khách trên đường Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: Lâm Anh).

Nghị định 168/2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định, người điều khiển ô tô không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, hay đi ngược chiều, sẽ bị xử phạt 18-20 triệu đồng; với xe máy sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng. Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị trừ điểm giấy phép hoặc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe theo quy định. So sánh với chế tài xử phạt vi phạm giao thông trước đó, mức này cao gấp hơn 3 lần.

Trong khi đó, một tài xế quê Phú Thọ chạy Be tại Hà Nội chia sẻ rằng, những cuối năm đường ngày nào cũng tắc. Vào giờ cao điểm, anh chạy từ Trường Chinh về Lê Văn Lương với chiều dài quãng đường là 7 km, sau khi trừ chiết khấu app, chưa tính xăng xe mới lãi được 27.000 đồng.

Nhiều tài xế xe công nghệ có ý định nghỉ Tết sớm nếu tình trạng kẹt xe kéo dài. (Ảnh: Lâm Anh).

Tài xế này dự kiến về quê ăn tết sớm, phần vì chở khách dịp cuối năm vừa mệt mỏi, trong khi tiền công không nhiều.

“Hiện tại, tôi chỉ chạy 9 - 10 khách/ngày, còn lại chạy ship giao hàng.  Từ ngày các đồng nghiệp của tôi vì vội đón khách, vượt đèn đỏ xong bị phạt tôi cũng rén hơn”, anh tâm sự.

Thậm chí có những tài xế như L.H 32 tuổi, chạy Grab, có kế hoạch sẽ nghỉ việc sau Tết và tìm một công việc khác do thị trường quá khắc nghiệt.

Ngoài áp lực trên đường, H. nói khách hàng hiện nay cũng có thói quen khiếu nại lên hãng nếu phải đợi xe quá lâu. Khi người dùng liên tục cho 1 sao (dịch vụ kém chất lượng), sẽ ảnh hưởng đến điểm đánh giá của tài xế trên ứng dụng.

Nhiều shipper cũng đồng quan điểm, anh V.K cho biết dù vào giai đoạn cao điểm nhưng mỗi ngày anh chỉ nhận 8 – 10 đơn, giảm một nửa so với ngày trước. Nếu tình trạng này không cải thiện, anh sẽ chuyển hẳn sang làm shipper ruột cho cửa hàng thay vì chạy qua hãng.

Nói về thực trạng này, Be - một trong ba nền tảng có thị phần lớn nhất ở Việt Nam, cho biết nhu cầu đặt xe công nghệ đã tăng cao đột biến trong thời gian gần đây. Hiện tượng này phần lớn xuất phát từ nhu cầu gia tăng trong dịp cuối năm với các hoạt động như tất niên, mua sắm, giao hàng hỏa tốc, mua vé tết...

"Bên cạnh đó, tình trạng tắc nghẽn giao thông tại các khu vực trung tâm thành phố vào giờ cao điểm trong giai đoạn cận Tết cũng là một trong những nguyên nhân khiến thời gian đón và hoàn thành chuyến đi kéo dài, làm giảm năng suất hoạt động của tài xế", phía Be nói thêm.

Để giải quyết tình trạng trên, Be đã thực hiện nhiều giải pháp như cải tiến bản đồ và tính năng chỉ đường và tăng cường lực lượng tài xế. Hãng cho biết tính đến cuối năm 2024, số lượng tài xế của hãng tăng 30% so với hồi đầu năm.

Việc tài xế tắt app, rời nền tảng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân dịp cuối năm. An Thu (Hà Nội) cho biết trong những ngày qua, chị mất rất nhiều thời gian để đặt xe. Chị thường đặt 2-3 chuyến xe/ngày, trong đó có một chuyến cố định vào lúc 19h đưa các con đến lớp gia sư.

“2 tuần nay nhà tôi đến quay cuồng trong việc đưa đón con khi việc đặt xe trở nên khó khăn. Các tài xế giải thích rằng lượng người tham gia giao thông cuối năm tăng mạnh và mức xử phạt vi phạm tăng cao”, Thu nói.

Theo chị Thu, nhiều bạn bè, đồng nghiệp ở cơ quan chị cũng đang đau đầu trong việc đặt xe, đặt đồ ăn. Nhiều người còn gặp trường hợp dở khóc dở cười trong thời gian này như đến muộn tiệc cuối năm, đón con trễ… vì tài xế không nhận đơn.

Trong những năm qua, thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân, từ đi lại, đặt đồ ăn, giao hàng,... Các con số cũng cho thấy điều này. 

Chẳng hạn, tính đến hết năm 2023, Xanh SM sở hữu 16.100 phương tiện, phục vụ hơn 160.000 chuyến/ngày. Trong khi số liệu năm 2018 của Grab cho biết, hãng 175.000 tài xế (cả ô tô và xe máy) tại Việt Nam. Tới nay đã hơn 6 năm, lượng tài xế của Grab có thể gấp nhiều con số 2018. Be chưa có công bố chi tiết về số lượng phương tiện nhưng hãng tiết lộ tính đến cuối năm 2024 có khoảng 15 triệu người dùng ứng dụng.

Lâm Anh