|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tại sao VinFast bỏ qua Trung Quốc, chọn Mỹ làm nơi đặt chân đầu tiên khi thực hiện chiến lược toàn cầu?

14:37 | 28/12/2021
Chia sẻ
Trung Quốc hiện là thị trường ô tô số một thế giới, nhưng VinFast lại chọn Mỹ, thị trường ô tô số hai thế giới và có khoảng cách vị trí địa lý xa hơn để làm nơi giới thiệu các mẫu sản phẩm xe điện mới.

VinFast đã giới thiệu hai mẫu xe mới là VF e35 và VF e36 tại triển lãm ô tô lâu đời Los Angeles Auto Show 2021 vào tháng 11. Việc đầu tư vào thị trường Mỹ đi đúng với cam kết của công ty khi hãng xe Việt muốn tăng cường sự hiện diện trên toàn cầu.

Thay vì tập trung vào việc tiếp cận Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, Vingroup đã chuyển sang thị trường ô tô toàn cầu lớn thứ hai. Doanh nghiệp Việt Nam làm điều này trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được triển khai sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các luồng hàng hóa và liên kết chuỗi cung ứng trên khắp châu Á Thái Bình Dương.

Có thể có một số lý do để hãng xe Việt quyết định bỏ qua Trung Quốc và chọn Mỹ để làm nơi đặt chân tiếp theo, bao gồm những phức tạp trong quá khứ đối với các công ty ô tô nước ngoài phụ thuộc vào các đối tác liên doanh Trung Quốc hay sự nhạy cảm của chính phủ Trung Quốc đối với lĩnh vực ô tô, một trong những lĩnh vực chủ chốt nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền Bắc Kinh, theo Channel News Asia.

Mặc dù vậy, thị trường Trung Quốc dường như đã bão hòa với sự cạnh tranh giữa các thương hiệu trong nước và thương hiệu quốc tế, qua đó khiến việc thâm nhập thị trường trở nên khó khăn hơn. 

Vì sao VinFast bỏ qua Trung Quốc, chọn Mỹ làm nơi đặt chân khi ra biển lớn? - Ảnh 1.

Ông Michael Lohscheller, cựu CEO VinFast toàn cầu cho rằng muốn trở thành thương hiệu toàn cầu, một công ty cần tới thị trường Mỹ. (Ảnh: VinFast).

Startup có nhiều cơ hội cạnh tranh

Nhiều công ty nổi tiếng hơn VinFast trong ngành ô tô, từ Peugeot đến Isuzu đã tham gia và sau đó rút lui khỏi thị trường ô tô Mỹ. Các startup vì vậy thường gặp nhiều khó khăn. Khi được hỏi về mối đe dọa đến từ các công ty ô tô mới như VinFast, một giám đốc điều hành của BMW dường như không mấy bận tâm. 

Theo ông, những công ty như vậy chỉ đơn giản là không có tên tuổi hoặc lịch sử lâu đời bằng các ông lớn. Vậy điều gì giải thích cho sự đầu tư tập trung của hãng xe Việt và liệu có gì đảm bảo VinFast sẽ thành công tại Mỹ?

Trong một bài phát biểu trên kênh CNN, cựu CEO VinFast toàn cầu Michael Lohscheller giải thích: "Nếu bạn muốn trở thành một thương hiệu toàn cầu, bạn phải đến Mỹ". 

Thật vậy, tiêu chuẩn công nghệ và an toàn cao cho ô tô tại Mỹ đồng nghĩa với việc VinFast hy vọng việc tiếp nhận sản phẩm thành công ở đó sẽ tạo dựng niềm tin cho thương hiệu, từ đó có thể tăng doanh số và sự công nhận ở những nơi khác trên thế giới. VinFast cũng đang xem xét việc thành lập một nhà máy sản xuất tại Mỹ cũng như IPO trên sàn giao dịch chứng khoán ở New York.

Bằng cách tập trung vào doanh số bán xe điện tại Mỹ, VinFast nhận thấy cơ hội tiến bước vào một thị trường đang đổi mới, nơi những người dẫn đầu trong ngành không phải lúc nào cũng là các công ty lâu đời. 

Thay vào đó, hãng xe Việt nhận thấy sự cạnh tranh với các công ty mới như Tesla Motors hoặc một số đơn vị khác như Rivian. Thực tế, các công nghệ mới thường thu hút những người mua trẻ tuổi sẵn sàng dùng thử các thương hiệu chưa được biết đến rộng rãi.

Giấc mơ California

VinFast hiện đang tập trung vào khu vực California, trung tâm của thế giới nghiên cứu và phát triển công nghệ. Những chiếc xe được giới thiệu tại Los Angeles vào tháng 11 là xe điện do hãng Pininfarina thiết kế với kiểu dáng thu hút nhưng vẫn an toàn.

Nhiều studio thiết kế và hiểu biết về văn hóa ô tô được đặt tại California. Ngoài ra, bang này thường được coi là nơi tạo ra xu hướng cho các phong cách mới, có thể du nhập đến những nơi khác trên thế giới.

Thành phố Los Angeles đã cung cấp cho VinFast một gói hỗ trợ để đặt trụ sở chính tại đây. Chiến lược bán hàng của VinFast sẽ tập trung vào hình thức trực tuyến, đi theo con đường của các nhà sản xuất xe điện khác. Tuy nhiên, những đơn vị đi trước thường gặp phải thách thức từ luật nhượng quyền đại lý ô tô của Mỹ.

Vì sao VinFast bỏ qua Trung Quốc, chọn Mỹ làm nơi đặt chân khi ra biển lớn? - Ảnh 2.

Trụ sở VinFast tại California. (Ảnh: VIC).

Một yếu tố khác mà VinFast chưa cần đề cập đến ngay, nhưng có thể trở thành yếu tố quan trọng quyết định vào thành bại của hãng xe tại Mỹ chính là liệu các mẫu xe điện của công ty có được lượng lớn người dân gốc Á tại California đón nhận hay không. 

Hiện số lượng người Mỹ gốc Á, bao gồm Việt Nam đang chiếm khoảng 16% dân số tại California. Ngoài xu hướng công nghệ, người Mỹ gốc Á cũng được cho là yêu thích các sản phẩm thân thiện với môi trường như xe điện.

Những công ty phát triển các công nghệ xanh, thân thiện với môi trường dần chiếm được cảm tình từ người tiêu dùng toàn cầu. Chính những yếu tố như vậy đã định hình chiến lược phát triển toàn cầu của các công ty lớn như General Motor. Gã khổng lồ này cũng lên kế hoạch tung ra các sản phẩm chạy điện trong năm 2035 tại Mỹ.

Trong khi đó, VinFast vẫn đều đặn xuất hiện trên đường phố Việt Nam. Chiếc xe bán chạy nhất trong nước là một chiếc hatchback Fadil. Đây không phải là một chiếc xe điện hay một chiếc xe hơi sang trọng, hoàn toàn khác với hình ảnh tiên tiến mà Vingroup đang quảng bá ra nước ngoài thông qua sự ra mắt mới nhất tại Mỹ. Xây dựng bản sắc thương hiệu mới là một công việc mạo hiểm.

Được thực hiện một cách cẩn thận, VinFast có thể sớm thâm nhập vào danh sách những thương hiệu mới thời thượng, thu hút sự chú ý của người mua trẻ trên toàn cầu và vượt qua những gã khổng lồ ô tô truyền thống như General Motor, Toyota và Volkswagen.

Đánh cược lớn vào việc xây dựng thương hiệu cho tương lai dường như là một chiến lược hợp lý dành cho một công ty ô tô chưa có lịch sử lâu đời. Việc không bị ràng buộc bởi những gốc rễ như vậy có lẽ sẽ trở thành một trong những "tài sản" lớn nhất của VinFast.

Quốc Anh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.