|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc chiến thị trường giao đồ ăn khốc liệt: beGroup dừng dịch vụ beFood?

06:59 | 26/12/2019
Chia sẻ
Theo một nguồn tin riêng, beGroup đã chính thức tạm dừng kế hoạch triển khai dịch vụ giao đồ ăn beFood để tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi là gọi xe.

Sau hơn một năm hoạt động, ứng dụng gọi xe be mở rộng hoạt động tại 10 tỉnh, thành phố Việt Nam.

Cùng với đó là 6 loại hình dịch vụ, bao gồm beBike (dịch vụ đặt xe 2 bánh), beCar (dịch vụ đặt xe 4 bánh), beFinancial (dịch vụ tài chính), beExpress (dịch vụ chuyển phát, bưu chính), beDelivery (dịch vụ giao hàng) và beLoyalty (chương trình khách hàng thân thiết).

beFood chưa kịp ra mắt đã bị be dừng phát triển. (Ảnh: TechBike)

beFood chưa kịp ra mắt đã bị be dừng phát triển. (Ảnh: TechBike)

Dù chưa thể so sánh được với "ông lớn" Grab, song so với Go-Viet, một startup gọi xe có hậu thuẫn từ Go-Jek, be có sự mở rộng với tốc độ cao và chuyển dịch khá nhanh trong bối cảnh các công ty gọi xe đều muốn đa dạng hoá loại hình dịch vụ để nhanh chóng có dòng tiền dương và trở thành "siêu ứng dụng".

Bên cạnh đó, be cũng nhăm nhe ra mắt dịch vụ beFood trong lĩnh vực giao đồ ăn. Dù vậy, theo nguồn tin riêng mới cập nhật người viết có được, beFood ở thời điểm hiện tại đã chính thức bị tạm dừng phát triển. 

Nguồn tin cho biết thêm lí do beFood "chết từ trong trứng nước" đến từ tình hình tài chính khó khăn của be.

Trước đó, hồi trung tuần tháng 11, một email được cựu CEO Trần Thanh Hải gửi đi cho biết be sẽ tập trung hoàn toàn vào mảng gọi xe để "tập trung rút ngắn khoảng cách với đối thủ số 1". Hiện chưa rõ các kế hoạch tiếp theo của be cùng mảng giao đồ ăn.

beGroup dừng dịch vụ giao đồ ăn beFood? - Ảnh 2.

be là công ty gọi xe có thị phần lớn thứ hai ở Việt Nam, song kinh nghiệm từ các mô hình gọi xe trên thế giới cho thấy rất khó để có lãi trong ngắn hạn nếu chỉ dựa vào mảng này dịch vụ gọi xem. (Biểu đồ: Số chuyến xe thực hiện của một số hãng gọi xe lớn trong 6 tháng đầu năm 2019, Số liệu: ABI Research, Đồ hoạ: Thái Sơn)

Theo báo cáo mới nhất của ABI Research, trong 6 tháng đầu năm 2019, Grab là hãng gọi xe có thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Phục vụ 146 triệu chuyến xe, Grab có 73% miếng bánh thị phần. Trong khi đó, be xếp ở vị trí số hai với thị phần 16% cùng 31 chuyến xe thực hiện trong vòng 6 tháng.

Cũng theo báo cáo này, Go-Viet và FastGo có 10% và 1% thị phần với lần lượt 21 triệu chuyến xe và 4 triệu chuyến xe thực hiện. Thị phần không đáng kể còn lại được dành cho các hãng gọi xe khác với tổng cộng chỉ 200.000 chuyến xe thực hiện được trong 6 tháng đầu năm.

Cuộc chiến 'đẫm máu' tại Việt Nam: Nhiều cái tên ra đi, ở lại cũng chật vật

Dịch vụ giao đồ ăn beFood ‘chết yểu’ từ trong trứng do cạn vốn? - Ảnh 3.

Đến năm 2025, mảng giao đồ ăn sẽ quan trọng không kém dịch vụ gọi xe với các startup gọi xe. Đơn vị tỉnh: tỉ USD. (Đồ hoạ: Thái Sơn)

Tổng giá trị hàng hoá giao dịch ở mảng giao đồ ăn trong năm 2019 tại thị trường Đông Nam Á ước đạt 5,2 tỉ USD, theo một báo cáo của Google, Temasek và Bain. Đến năm 2025, con số có thể chạm mốc 20 tỉ USD, tương đương với GMV trong lĩnh vực gọi xe.

Điều này một lần nữa cho thấy mảng giao đồ ăn sẽ tiếp tục nóng lên trong tương lai gần ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. 

Mặc dù được xem là mảng mang lại biên lợi nhuận lớn hơn so với gọi xe cho các startup gọi xe, song mảng giao đồ ăn dường như cũng là cuộc chơi chỉ dành cho những công ty "trường vốn", nhất là trong giai đoạn đầu triển khai.

Cho tới thời điểm hiện tại, những cái tên được xem như "khai thiên lập địa" mảng giao đồ ăn tại Việt Nam như FoodPanda hay Vietnammm đều đã "chết".

Cuối năm 2015, FoodPanda bất ngờ rút khỏi thị trường Việt Nam sau chỉ ba năm hoạt động với lí do được cho là "khủng hoảng kinh tế" và "các nhà đầu tư ngưng rót vốn". Mặc dù, ở thời điểm đó, ông Trương Duy Linh, tổng giám đốc Foodpanda Việt Nam, vẫn khá ngậm ngùi khi nói rằng Việt Nam là thị trường tiềm năng loại một ở hoạt động giao đồ ăn.

Foodpanda sau đó được Vietnammm mua lại. Dù vậy, Vietnammm đến nay cũng đã về tay một ông chủ khác là Woowa Brothers, "kì lân" trong lĩnh vực giao đồ ăn đến từ Hàn Quốc, hồi tháng hai năm nay. Về cơ bản, Vietnammm giờ đây là hiện diện của Woowa Brothers tại Việt Nam.

Trên thị trường giao đồ ăn ở Việt Nam thời điểm hiện tại, Now và GrabFood được xem là hai đối trọng lớn nhất. Thế nhưng cả hai cái tên này đều chưa đạt đến điểm hoà vốn. 

Kết quả kinh doanh của Foody/Now trong năm 2018 cho thấy dù ghi nhận doanh thu 255 tỉ đồng, song nó vẫn lỗ tới 433 tỉ đồng. Grab cũng lỗ ròng tới 2.600 tỉ đồng sau 5 năm hoạt động tại Việt Nam.

Thái Sơn

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.