|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Trong nhiều thập kỉ liền, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi luôn lặng lẽ ở hậu trường chứng kiến công ty "con cưng" của mình lớn lên từng ngày, trở thành nhà sản xuất thiết bị viễn thông số một thế giới và hãng điện thoại thứ hai toàn cầu, trên cả đại gia "táo khuyết" Apple.

Mấy tháng gần đây, bức màn bí mật đã được vén lên khi Huawei phải huy động mọi nguồn lực từ kinh tế, chính trị tới truyền thông để chống lại thử thách mới nhất trong lịch sử công ty, đó chính là lệnh cấm vận thương mại của chính phủ Mỹ kèm theo cáo buộc Huawei làm gián điệp và đe dọa an ninh quốc gia.

Đứng mũi chịu sào trong nỗ lực bảo vệ Huawei, doanh nhân tỉ phú 75 tuổi Nhậm Chính Phi từng là một kĩ sư trong quân đội Trung Quốc với quyết tâm lập nghiệp để vượt qua nghèo khó.

Ông sống sót qua những cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt tới mức nhiều đối thủ sừng sỏ phương Tây phải "bật xới", trải qua những thảm họa tài chính và căng thẳng công việc nghiêm trọng đến nỗi nhiều lần ông nghĩ đến chuyện tự sát để giải thoát cho bản thân. 

Thế nên Nhậm Chính Phi coi áp lực từ phía Mỹ và Tổng thống Donald Trump trong cuộc chiến thương mại gần đây chỉ là một phép "lửa thử vàng" khác đối với ông và Huawei, vốn đều đã được tôi luyện từ trong gian khó.

CEO Nhậm Chính Phi: Huawei trải hơn 30 năm gian khổ, nhiều lần tôi tưởng không vượt qua, đã nghĩ đến tự sát - Ảnh 1.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Abacus News, ông Nhậm nói: "Trong suốt 30 năm, Huawei trải qua vô vàn khổ cực mà không có niềm vui. Nỗi khổ của mỗi thời kì lại mỗi khác".

Cuộc đối đầu với Mỹ lần này, ngoài ý nghĩa công việc còn mang tính cá nhân vì con gái của ông là Mạnh Vãn Chu – đồng thời là Giám đốc tài chính của Huawei đang bị giam giữ ở Canada theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận Mỹ áp lên Iran.

CEO Nhậm Chính Phi: Huawei trải hơn 30 năm gian khổ, nhiều lần tôi tưởng không vượt qua, đã nghĩ đến tự sát - Ảnh 2.

Nhậm Chính Phi thành lập Huawei năm 1987 và phải chèo lái công ty trong thời kì kinh tế đang đổi mới nhưng vẫn còn bị chi phối bởi doanh nghiệp nhà nước. Trải qua những thiếu thốn về tài chính và công nghệ, Huawei hiện đã đứng top đầu trong ngành viễn thông toàn cầu.

Dù thành công như vậy, ông Nhậm vẫn luôn nói chuyện với vẻ lo lắng như một doanh nhân ngày đầu vất vả lập nghiệp, sợ cấp dưới của mình tự mãn mà mất ý chí vươn lên. Ông thường xuyên viết thư gửi đến nhân viên, hối thúc mọi người "chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất". Lúc nào ông cũng nói về sự sinh tồn: Phải đảm bảo sự sinh tồn của Huawei.

Theo Tian Tao – đồng tác giả của cuốn sách "Câu chuyện Huawei" (The Huawei Story), văn hóa doanh nghiệp này xuất phát từ tuổi thơ của ông Nhậm ở tỉnh Quí Châu – một trong những vùng nghèo nhất Trung Quốc.

Ông Nhậm lớn lên trong một gia đình có mẹ là giáo viên, cha từng bị đấu tố là kẻ tư bản và có lúc bị giam trong chuồng bò. Với đồng lương ít ỏi 40 nhân dân tệ (6 USD) mỗi tháng, bà mẹ phải nuôi sống 7 người con, trong đó Nhậm Chính Phi là anh cả.

Giai đoạn 1959-1961, Trung Quốc xảy ra nạn đói làm hàng triệu người chết. Bà mẹ quyết tâm đưa cả gia đình mình vượt qua thời khốn khó bằng cách phân chia mọi đồ ăn ra làm 9 phần cho hai vợ chồng và 7 người con. Kết quả cả 9 người cùng sống sót.

"Cách chia bữa ăn của người mẹ đã có tác động rất lớn tới Nhậm Chính Phi", tác giả Tian Tao nói.

Theo nguyên lí phân chia này, Huawei cho biết chủ sở hữu công ty chính là 90.000 cán bộ nhân viên là công dân Trung Quốc, trong tổng số 190.000 nhân viên Huawei trên toàn thế giới. Ông Nhậm khẳng định Huawei tuyệt nhiên không có cổ đông nào khác, dù là chính phủ hay tổ chức tư nhân.

Họ tên từng cổ đông của Huawei được viết trong một cuốn sổ lớn đặt tại trụ sở công ty ở thành phố Thẩm Quyến, người ngoài không được xem bản danh sách này.

Tỉ lệ sở hữu của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi tại Huawei hiện chỉ là 1,14% do công ty phát hành thêm cổ phần cho nhân viên. Báo cáo Hurun Report chuyên theo dõi tài sản của những người giàu có tại Trung Quốc xác định giá trị tài sản ròng của ông Nhậm hiện vào khoảng 3 tỉ USD, tăng 25% so với năm 2018.

Vị CEO này cho rằng thành công của mình có được là nhờ sự tập trung vào từng tiểu tiết, không phải do quá trình nuôi dạy mà thành. Ông nói rằng nếu không vào đại học, có thể ông đã trở thành người phối giống lợn hoặc quản lí một nhà máy sản xuất mì. 

"Đừng nghĩ rằng từ tấm bé tôi đã có những ý tưởng lớn lao. Khi còn trẻ, ước mơ của tôi chỉ là có thật nhiều bánh bao, vì hồi đó chúng tôi rất thiếu ăn", ông Nhậm nói.

CEO Nhậm Chính Phi: Huawei trải hơn 30 năm gian khổ, nhiều lần tôi tưởng không vượt qua, đã nghĩ đến tự sát - Ảnh 3.

"Sự nghèo khó không mang lại cho tôi những nhân tố để thành công. Kết quả đạt được ngày hôm nay không phải là điều hiển nhiên phải xảy ra", ông Nhậm nói.

CEO Nhậm Chính Phi: Huawei trải hơn 30 năm gian khổ, nhiều lần tôi tưởng không vượt qua, đã nghĩ đến tự sát - Ảnh 2.

Cậu thanh niên Nhậm Chính Phi từng được học máy tính điện tử, kĩ thuật số, tự động hóa tại Đại học Trùng Khánh.

Nhập ngũ năm 1974, ông tham gia Binh chủng Kiến thiết Cơ sở hạ tầng của quân đội với nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng Nhà máy Hóa sợi Liêu Dương. Tại đây, ông phải ngủ ngoài trời khi nhiệt độ xuống thấp còn -28 độ C.

[eMagazine] CEO Nhậm Chính Phi: Huawei trải hơn 30 năm gian khổ, nhiều lần tôi tưởng không vượt qua, đã nghĩ đến tự sát - Ảnh 6.

Nhậm Chính Phi thời còn trong quân đội Trung Quốc.

Cũng trong thập niên 1970, Nhậm Chính Phi gặp may khi ông chế tạo ra một thiết bị đo dựa theo lời kể của một kĩ thuật viên từng trông thấy dụng cụ tương tự ở nước ngoài.

"Đất nước khi đó đang tìm những điển hình tiên tiến để chứng minh cho người dân thấy rằng khoa học và công nghệ rất hữu dụng, và thế là thiết bị của tôi được thổi phồng lên thành một phát minh vĩ đại", Nhậm Chính Phi nhớ lại.

Sau khi rời quân ngũ, ông Nhậm bất đắc dĩ bước chân vào con đường khởi nghiệp. Năm 1987, ông lập ra Huawei với hoạt động ban đầu chỉ là bán thiết bị viễn thông nhập khẩu. Không lâu sau đó, nhà cung cấp của Huawei bị đối thủ cạnh tranh mua lại và công ty của ông Nhậm chuyển sang tự phát triển sản phẩm.

Theo Abacus News, năm 2019, chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Huawei ước tính tăng 20% lên 17 tỉ USD, thuộc nhóm cao nhất trên thế giới.

Ông Nhậm cho biết ông cảm thấy hối hận khi bước chân vào ngành viễn thông sau khi chứng kiến mức độ cạnh tranh khốc liệt của lĩnh vực này. Nhưng ông cũng không thể bắt đầu lại vì toàn bộ tiền tiết kiệm của gia đình đều đã được dồn vào Huawei.

Ông cố gắng đảm bảo sự tồn tại lâu dài của công ty thông qua một hệ thống ra quyết định tập thể, trong đó một nhóm ba người sẽ thay phiên nhau giữ chức Chủ tịch công ty, mỗi người 6 tháng.

Mặc dù vậy Nhậm Chính Phi vẫn nổi tiếng là một người lãnh đạo quyết đoán, thậm chí là độc đoán. Điều này được thể hiện rõ nhất trong một cuộc "nội chiến" năm 2000 từng suýt nữa khiến Huawei phải "tan đàn xẻ nghé".

"Cuộc khủng hoảng ngày nay chỉ bằng khoảng 1% áp lực khi đó", ông Nhậm nhớ lại.

CEO Nhậm Chính Phi: Huawei trải hơn 30 năm gian khổ, nhiều lần tôi tưởng không vượt qua, đã nghĩ đến tự sát - Ảnh 5.

Thời ấy, một số lãnh đạo muốn Huawei đầu tư vào mảng dịch vụ điện thoại cầm tay cá nhân (PHS) nhưng ông Nhậm phản đối vì coi ý tưởng này đi chệch hướng với chiến lược phát triển công nghệ điện thoại di động thế hệ thứ ba (3G) của Huawei.

Ông Nhậm nhận các báo cáo gần như hàng ngày từ các quản lí của Huawei, hối thúc ông ủng hộ mảng PHS khi chi phí cho phát triển 3G liên tục lên cao.

Các cơ quan nhà nước Trung Quốc được kì vọng sẽ phê duyệt 3G sớm nhất vào năm 2003. Thực tế là tới năm 2009, giấy phép 3G đầu tiên mới được cấp và đến thời điểm đó Huawei đã rót tổng cộng 6 tỉ nhân dân tệ (750 triệu USD) vào công nghệ này.

"Mỗi lần tôi trông thấy một bản báo cáo, tôi cảm thấy rất đau đớn. Có lẽ chứng trầm cảm của tôi vì thế mà trở nên tồi tệ hơn", nhà sáng lập Huawei nhớ lại.

Nhiều đêm ông không ngủ được và gọi điện cho nhân viên, giãi bày lo lắng về việc kiếm đâu ra 300 triệu nhân dân tệ (50 triệu USD) để trả lương. 

"Khi Nhậm Chính Phi nói chuyện với nhân viên của mình 6-7 năm trước, ông tiết lộ rằng đã nhiều lần ông nghĩ đến chuyện tự sát", tác giả Tian Tao nói.

CEO Nhậm Chính Phi: Huawei trải hơn 30 năm gian khổ, nhiều lần tôi tưởng không vượt qua, đã nghĩ đến tự sát - Ảnh 3.

Các nhân viên của Huawei trước đây thường nói đùa rằng Huawei là tập đoàn lớn nhất mà mọi người chưa từng nghe tên.

Bản thân ông Nhậm phải đến năm 2013 mới trả lời phỏng vấn báo chí lần đầu tiên. Trước đó một năm, Huawei trở thành một thương hiệu hàng tiêu dùng với việc ra mắt chiếc smartphone đầu tiên.

Năm 2016, ông Nhậm gây bão mạng xã hội khi một bức ảnh lan truyền cho thấy ông đứng đợi taxi ở sân bay bay Thượng Hải trong khi các hành khách xung quanh không hề nhận ra vị tỉ phú công nghệ. Cộng đồng mạng khi đó tỏ ý ngưỡng mộ khi ông không dùng máy bay riêng và các tiện nghi xa xỉ khác.

D7je-KYXsAAzc_1

Nhậm Chính Phi và con gái đầu Mạnh Vãn Chu.

Ở cái tuổi "thất thập cổ lai hi", khi mà đa phần doanh nhân Trung Quốc đều đã nghỉ hưu, Nhậm Chính Phi lại đảm nhiệm thêm vai trò là bộ mặt truyền thông của Huawei sau khi Mạnh Vãn Chu - con gái ông và cũng là Giám đốc tài chính (CFO) của công ty bị bắt vào tháng 12/2018. 

Trước khi cô con gái bị bắt, Nhậm Chính Phi chưa từng trả lời phỏng vấn truyền hình, ông cũng rất ít khi nói chuyện với báo giới vì ông cảm thấy để cấp dưới của mình lộ diện là đủ.

Giờ đây, hình ảnh Nhậm Chính Phi xuất hiện ở khắp nơi. Từ tháng 1 tới nay, Nhậm Chính Phi đã trả lời nhiều cuộc phỏng vấn dài tới hai giờ đồng hồ với các phóng viên, cả trong nước lẫn nước ngoài, đến thăm trụ sở công ty ở Thẩm Quyến.

Mục đích của ông là giành lại quyền kiểm soát thông điệp và xoa dịu lo ngại của khoảng 190.000 nhân viên của hãng trên khắp thế giới.

Nhậm Chính Phi nổi tiếng là người nói năng bộc trực, tới mức đồng nghiệp của ông thường không để cho ông tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Tuy nhiên trước công chúng, ông tỏ ra là người nhã nhặn, thậm chí là thân thiện.

Mặc dù con gái ông bị cảnh sát Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ, Nhậm Chính Phi vẫn bày tỏ sự ngưỡng mộ với nước Mỹ, ông thường tránh chỉ trích Washington và không muốn Bắc Kinh trả đũa Mỹ vì lệnh cấm vận áp lên Huawei.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time hồi tháng 6 năm nay, ông Nhậm nói: "Khi còn trẻ tôi rất yêu thích nước Mỹ. Đến giờ tôi vẫn rất thích nước Mỹ. Nếu các bạn đọc các tài liệu doanh nghiệp mà tôi viết trong vài thập kỉ qua, các bạn sẽ thấy những tài liệu này mang đầy tinh thần Mỹ. Vì vậy tôi nghĩ các chính trị gia Mỹ đang tấn công nhầm đối tượng".

CEO Nhậm Chính Phi: Huawei trải hơn 30 năm gian khổ, nhiều lần tôi tưởng không vượt qua, đã nghĩ đến tự sát - Ảnh 4.

Nhậm Chính Phi hiện vẫn là CEO nhưng không trực tiếp quản lí công việc hàng ngày. Ông cho biết mình không có kế hoạch nghỉ hưu vì sở thích duy nhất của ông là làm việc. Ông thúc đẩy văn hóa quản trị của công ty và nói về các vấn đề với những cấp dưới được mời vào văn phòng ông uống trà.

Ông Nhậm phủ nhận đồn đoán rằng Huawei sẽ xoa dịu lo ngại về an ninh của Phương Tây bằng cách bán cổ phần ra công chúng và niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán.

"Rất ít công ty đại chúng có thể trở nên lớn mạnh. Tư bản cần phải tham lam. Vì Huawei là một công ty tư nhân (không phải công ty đại chúng – PV) nên chúng tôi mới kiên trì theo đuổi những lí tưởng dài hạn".

Ông cũng nói thêm rằng việc con gái mình bị bắt cũng hoàn toàn không phải là lần đầu tiên gia đình ông hi sinh vì Huawei.

Khi Mạnh Vãn Chu (mang họ Mạnh của mẹ) và những anh chị em của bà còn nhỏ, ông Nhậm vẫn ở trong quân ngũ và xa nhà 11 tháng mỗi năm. Đến khi đã xuất ngũ và lập ra Huawei, ông làm việc 16 tiếng một ngày.

"Tôi cho rằng quan hệ của tôi với các con không được thân thiết lắm, đặc biệt là với người con gái út. Là một người cha, tôi cảm thấy mình còn nợ các con rất nhiều. Có lẽ sau khi nghỉ hưu, tôi sẽ cố gắng để bù đắp cho bọn trẻ", nhà sáng lập Nhậm Chính Phi chia sẻ.

CEO Nhậm Chính Phi: Huawei trải hơn 30 năm gian khổ, nhiều lần tôi tưởng không vượt qua, đã nghĩ đến tự sát - Ảnh 8.

CEO Nhậm Chính Phi và hai cô con gái: Mạnh Vãn Chu (bên trái) và Annabel Yao (bên phải).

Đức Quyền, Song Ngọc
Alex Chu
Kinh tế & Tiêu dùng