|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đàn heo cả nước giảm gần 27% trong 2019 vì dịch tả heo châu Phi

15:05 | 23/12/2019
Chia sẻ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết năm 2019, tổng số heo tiêu hủy khoảng 5,9 triệu con với trọng lượng 337,8 nghìn tấn, chiếm 8,9% tổng sản lượng thịt cả nước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2019 chăn nuôi heo gặp khó khăn do dịch tả heo châu Phi lây lan trên diện rộng và xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước.

Tổng số heo tiêu hủy khoảng 5,9 triệu con với trọng lượng 337.800 tấn, chiếm 8,9% tổng sản lượng thịt cả nước.

Đàn heo giảm khoảng 26,8% so với cùng thời điểm năm 2018; sản lượng thịt heo cả năm khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018.

Hiện giá heo hơi đang tăng mạnh nên nhiều địa phương chủ động tái đàn nhưng được kiểm soát chặt chẽ nhằm hạn chế bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn heo.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết bệnh dịch tả heo châu Phi cần thời gian dài để xử lý.

Dịch bệnh phần nào được kiểm soát, hoạt động tái đàn an toàn sinh học được đẩy mạnh

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết Ngành năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm. Từ năm 2018 đến nay, đã có 30 quốc gia phát hiện dịch tả heo châu Phi. 

Nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và nước lân cận Việt Nam lâm vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung, thậm chí có nước khủng hoảng thịt heo.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết ở Việt Nam, dịch tả heo châu Phi lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 2 và đã được trung ương Đảng, Chính phủ tổ chức chỉ đạo tiêu hủy, tiêu độc khử trùng dập dịch.

Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã chủ trì, chỉ đạo tại 5 Hội nghị và trực tiếp đến cơ sở để kiểm tra và chỉ đạo tổ chức công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi.

Bộ đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để quán triệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp với các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và các nước hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh và tổ chức nghiên cứu vacxin, qua đó, đã giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do dịch bệnh

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, Chính phủ đã chi ngân sách tới gần 5000 tỉ đồng để phòng chống dịch bệnh. Khi xảy ra dịch bệnh, Bộ chủ động khuyến khích nuôi gia súc lớn, gia cầm, thủy sản… để bù đắp nguồn cung. Do đó sản lượng của các loại thịt này đều tăng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đến nay, dịch tả heo châu Phi tại nhiều địa phương từng bước được kiểm soát, số lượng heo tiêu hủy giảm nhiều.

Theo đó, một số địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh như Hưng Yên, Hải Dương đã hết dịch. Ngoài ra, 19 tỉnh khác có 85% số xã đã qua 30 ngày không có dịch. Do đó, việc tái đàn an toàn sinh học được đẩy mạnh.

Hiện cả nước có 109.000 con giống cụ kị, 2,5 triệu con nái thương phẩm đủ đáp ứng nhu cầu tái đàn. Nhiều tỉnh đã tái đàn lượn tốt như Bắc Giang, Hưng Yên, Phú Thọ…

Theo đại diện của tỉnh Bắc Giang, địa phương sản xuất heo lớn thứ ba cả nước, hiện nay toàn tỉnh có đã có 221 xã qua 30 ngày hết dịch. Số đàn heo của Bắc Giang đạt trên 800.000 con. Tỉnh cũng đang ập trung tái đàn chặt chẽ, đảm bảo an toàn sinh học.

Đại diện tỉnh Bắc Giang cho hay dịp Tết Nguyên Đán năm nay tỉnh sẽ có trên 300.000 đầu heo có thể xuất chuồn tương đương 35.000 tấn thịt. Trong đó, 40% dùng để tiêu thụ trong tỉnh và 60% còn lại được tiêu thụ ở các tỉnh lân cận.

Với những động thái đẩy mạnh tái đàn ở các tỉnh Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: "Mặc dù giá thịt heo cao nhưng với những nỗ lực tái đàn hiện nay sẽ cơ đáp ứng cơ bản nhu cầu thị trường".

Trong khi đó, đàn gia cầm phát triển tốt, sản lượng đạt gần 1,3 triệu tấn, tăng 15%; sản lượng thịt bò ước đạt 0,35 triệu tấn, tăng 4,4%. Sản lượng trứng ước đạt 13 tỉ quả, tăng 12%.

Cả năm sản lượng thịt hơi đạt 5 triệu tấn, giảm 6,2% so với năm 2018; sản lượng sữa tươi hơn 1 triệu tấn, tăng 10%.

H.Mĩ