|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chiến lược sản xuất hỗn hợp theo mùa là gì? Ưu và nhược điểm

16:32 | 30/09/2019
Chia sẻ
Chiến lược sản xuất hỗn hợp theo mùa là chiến lược mà trong đó doanh nghiệp có thể thực hiện kết hợp sản xuất các loại sản phẩm theo mùa vụ khác nhau, bổ sung cho nhau.
1536163020

Hình minh hoạ (Nguồn: peoplematters)

Chiến lược sản xuất hỗn hợp theo mùa

Khái niệm

Chiến lược sản xuất hỗn hợp theo mùa là một trong các chiến lược quan trọng trong hoạch định tổng hợp.

Chiến lược sản xuất hỗn hợp theo mùa là chiến lược mà trong đó doanh nghiệp có thể thực hiện kết hợp sản xuất các loại sản phẩm theo mùa vụ khác nhau, bổ sung cho nhau. 

Ví dụ, nhà sản xuất có thể vừa sản xuất lò sưởi vừa sản xuất máy lạnh, hoặc có doanh nghiệp vừa sản xuất áo sơ mi vừa sản xuất áo khoác ấm. 

Để tận dụng năng lực sản xuất, doanh nghiệp cũng có thể nhận cung cấp những dịch vụ gần như đối nghịch nhau. 

Ví dụ các hãng xe có thể vừa phục vụ chở khách hàng đi, vừa có thể cho khách thuê phương tiện tự lái.

Hoạch định tổng hợp là quá trình lập kế hoạch, phân bổ và bố trí các nguồn lực có thể huy động được cho thời kì trung hạn (từ 6 tháng đến 3 năm) nhằm cân bằng khả năng sản xuất của doanh nghiệp sao cho phù hợp với nhu cầu sản xuất dự kiến và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Nội dung của hoạch định tổng hợp là điều chỉnh tốc độ sản xuất, số lượng công nhân, mức độ tồn kho, thời gian làm thêm giờ và lượng hàng đặt gia công bên ngoài với mục đích là giảm thiểu chi phí sản xuất hoặc giảm thiểu sự biến động nhân lực hay mức độ tồn kho trong suốt giai đoạn kế hoạch.

Phạm vi ứng dụng hoạch định tổng hợp rất rộng từ những doanh nghiệp sản xuất đến các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ như bệnh viện, ngân hàng, trường học.

Mục tiêu của hoạch định tổng hợp là phát triển kế hoạch sản xuất có tính hiện thực và tối ưu.

- Tính hiện thực của kế hoạch thể hiện ở chỗ các kế hoạch phải nhằm vào việc đáp ứng nhu cầu khách hàng trong khả năng của doanh nghiệp.

- Tính tối ưu là bảo đảm việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đơn vị với chi phí ở mức thấp nhất.

Ưu và nhược điểm

Ưu điểm của chiến lược

- Tận dụng được các nguồn lực và năng lực sản xuất của doanh nghiệp

- Ổn định nhân lực và quá trình sản xuất

- Luôn có việc làm cho người lao động

- Giữ khách hàng thường xuyên

- Tránh được ảnh hưởng của mùa vụ

Nhược điểm của chiến lược

- Khó điều độ vì sản phẩm thường xuyên thay đổi

- Hạn chế về chuyên môn kĩ thuật, không chuyên môn hóa

- Năng suất lao động thấp

- Mức độ rủi ro cao

Phạm vi áp dụng

Chiến lược sản xuất hỗn hợp phù hợp cho những doanh nghiệp có qui mô nhỏ, dễ thay đổi công nghệ, những doanh nghiệp có sản phẩm ngách của thị trường.

(Tài liệu tham khảo: Quản trị tác nghiệp, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi