Xuất khẩu gạo sang Indonesia tăng gấp 4 lần trong quý I
Tại Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I/2024, ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong quý I/2024, xuất khẩu gạo của Viêt Nam tăng trưởng 2 con số ở cả về lượng, kim ngạch và giá bán, đồng thời tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm.
Cụ thể, tính đến hết quý I/2024, xuất khẩu gạo tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch so với quý I năm 2023, đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương gần 1,43 tỷ USD.
Giá gạo xuất khẩu trung bình đạt 654 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Xuất khẩu gạo sang Indonesia đứng thứ 2 thị trường, tăng mạnh 200% về lượng, tăng 300% kim ngạch và tăng 36,4% về giá so với cùng kỳ năm 2023.
Hồi cuối tháng 2, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, ông Zulkifli Hasan cho biết, tổng lượng gạo nhập khẩu dự kiến của Indonesia mà chính phủ đã quyết định nhập trong năm 2024 là 3,6 triệu tấn, tăng thêm 1,6 triệu tấn so với dự kiến ban đầu xuất phát từ việc gieo cấy vụ canh tác chính trong năm bị chậm vì thiếu nước canh tác, ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino trong năm 2023.
Dự kiến, việc thu hoạch vụ lúa này sẽ diễn ra vào tháng 5 và tháng 6 thay vì tháng 3 và tháng 4 hàng năm. Trong đó 2 triệu tấn đã được cấp giấy phép. Giấy phép nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn sẽ sớm được ban hành sau khi hoàn tất một số thủ tục hành chính liên quan.
Trong tổng số 2 triệu tấn đã được cấp phép, Indonesia đã thực hiện được khoảng gần 400 tấn. Số lượng, thời điểm nhập khẩu sẽ do chính phủ quyết định và thông báo căn cứ vào tình hình diễn biến vào tình hình sản xuất trong nước, diễn biến thời tiết và thị trường nội địa.
Xuất khẩu các chủng loại gạo có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và ưu thế của Việt Nam ngày càng tăng mạnh như: gạo thơm, ST các loại, gạo trắng cao cấp, gạo japonica.
Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tận dụng tốt cơ hội thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cơ cấu thị trường dần chuyển dịch tích cực theo hướng đa dạng hóa, bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, hay châu Phi, cũng đã mở rộng sang các thị trường “khó tính” như châu Âu, … với giá trị cao tuy khối lượng chưa lớn.
Bên cạnh đó, thương nhân cũng tận dụng tốt cơ hội trong những thách thức từ thị trường thương mại lương thực toàn cầu để trở thành nguồn cung thay thế ở nhiều thị trường tiềm năng như Mỹ, Canada, Chile.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Anh Sơn cho hay, hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức. Cụ thể, chiến lược đa dạng hóa thị trường của thương nhân vẫn còn hạn chế, thị trường xuất khẩu gạo vẫn có dấu hiệu chưa bền vững, phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trọng điểm như Philippines, Trung Quốc và Indonesia.
Các thương nhân chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.