Tập đoàn FLC - Cổ phiếu, tin tức, dự án mới nhất của FLC Group
Công ty cổ phần Tập đoàn FLC là một doanh nghiệp tư nhân đa ngành tại Việt Nam. Công ty được biết đến nhiều trong lĩnh vực bất động sản
Tập đoàn FLC làm những gì?
Công ty cổ phần Tập đoàn FLC là một doanh nghiệp tư nhân đa ngành tại Việt Nam. Công ty được biết đến nhiều trong lĩnh vực bất động sản thông qua những dự án như Quần thể FLC Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), Quần thể FLC Quảng Bình (tỉnh Quảng Bình), Quần thể FLC Qui Nhơn (tỉnh Bình Định), … Ngoài Bất động sản nghỉ dưỡng, FLC còn tham gia vào các phân khúc khác như bất động sản nhà ở – văn phòng, bất động sản khu công nghiệp,
Từ năm 2017 đến nay, Tập đoàn FLC bước chân vào ngành hàng không với việc thành lập Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) do FLC sở hữu 100% vốn. Ngày 12/11/2018, Bamboo Airways được cấp Giấy phép Kinh doanh Vận chuyển hàng không và ngày 16/1/2019, hãng khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên.
Ngoài bất động sản và hàng không, FLC còn tham gia vào một số ngành khác như Nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư tài chính, dịch vụ khách sạn – nghỉ dưỡng, thể thao – sân golf, vận tải du thuyền, khai thác và chế biến khoáng sản, nước uống tinh khiết, giáo dục đào tạo và xuất khẩu lao động.
Tập đoàn FLC lớn cỡ nào?
Theo xếp hạng của Vietnam Report năm 2018, FLC đứng thứ 42 trong danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam và đứng thứ 101 trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2018, FLC có tổng tài sản gần 25.900 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu khoảng 9.020 tỉ đồng – trong đó vốn điều lệ là 7.100 tỉ đồng; nợ phải trả 16.870 tỉ đồng, bằng 65% tổng tài sản.
Trong năm 2019, FLC có kế hoạch phát hành xấp xỉ 300 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp. Nếu phát hành hành thành công, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên mức 10.100 tỉ đồng và số cổ phiếu của công ty lưu hành trên thị trường chứng khoán sẽ vượt mốc 1 tỉ.
Doanh thu thuần cả năm 2018 đạt xấp xỉ 11.700 tỉ đồng, tương đương 45% tổng tài sản. Lợi nhuận sau thuế 470 tỉ đồng, tương ứng biên lãi ròng 4%.
'Họ FLC' gồm những thành viên nào?
Tính đến ngày 31/12/2018, Tập đoàn FLC có 17 công ty con, 2 công ty liên kết và 1 chi nhánh tại TP HCM. Tuy nhiên cụm từ "họ FLC" không chỉ bao gồm những doanh nghiệp này mà còn hàng loạt các công ty đại chúng, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, và có liên quan đến Tập đoàn FLC thông qua việc có chung một số lãnh đạo. Có thể kể đến những cái tên như Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros, CTCP Đầu tư và khoáng sản FLC AMD, CTCP Liên doanh đầu tư quốc tế KLF, CTCP Chứng khoán Artex, CTCP Nông dược HAI.
Các doanh nghiệp này không phải công ty con hay công ty liên kết của Tập đoàn FLC nhưng các lãnh đạo của FLC đều nắm giữ những vị trí chủ chốt tại các công ty trên.
Lãnh đạo Tập đoàn FLC gồm những ai?
Đáng chú ý nhất phải kể đến ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn. Ngoài ra, ông Quyết còn là Chủ tịch HĐQT Công ty FLC Faros, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bamboo Airways.
Ông Quyết là Luật sư, ông có bằng Cử nhân Luật, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Ông là cổ đông lớn nhất tại FLC với tỉ lệ sở hữu 21,19%, ông cũng là cổ đông lớn nhất tại FLC Faros với tỉ lệ sở hữu 67,34%. Cuối năm 2017, số chứng khoán mà ông sở hữu có giá trị lên tới gần 59.000 tỉ đồng, lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Từ ngày 18/7/2018, Tổng Giám đốc FLC là bà Hương Trần Kiều Dung, người đồng thời là Phó Chủ tịch Tập đoàn và Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Artex. Bà Dung có bằng Tiến sĩ Luật Quy hoạch Xây dựng, Đại học Tổng hợp Montesquieu Bordeaux IV, Pháp. Bà có gần 20 năm kinh nghiệm tư vấn về quản trị doanh nghiệp, tư vấn xây dựng, triển khai dự án, đầu tư, M&A. Trước đó bà Dung từng một lần làm Tổng Giám đốc FLC giai đoạn tháng 5/2015 – tháng 3/2017.
Ông Lê Thành Vinh là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC. Ông có bằng Tiến sĩ Luật, Thạc sĩ Kinh doanh quốc tế. Trong năm 2017, ông cũng từng có 8 tháng giữ chức Tổng Giám đốc FLC.
VietnamBiz tổng hợp từ các cơ quan báo chí chính thống và uy tín trong nước.