|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lãnh đạo HSC: Không chỉ NĐT cá nhân, tổ chức cũng gặp trường hợp ‘mua đỉnh, bán đáy’

07:23 | 26/04/2024
Chia sẻ
Ban lãnh đạo HSC chia sẻ rất khó để nhà đầu tư nắm bắt yếu tố thời điểm trong đầu tư, không chỉ nhà đầu tư cá nhân mà cả tổ chức cũng có trường hợp “mua đỉnh, bán đáy”. Về dài hạn, theo nhiều nghiên cứu khoa học, việc nắm giữ cổ phiếu đem lại lợi nhuận tối ưu hơn hầu hết các kênh đầu tư khác.

CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC - Mã: HCM) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2023 vào chiều 25/4, theo hình thức trực tuyến. Vào đầu cuộc họp, tỷ lệ tham dự/ủy quyền tham dự đạt gần 64% tổng số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết.

 Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của HSC diễn ra chiều 25/4. (Ảnh: X.N chụp màn hình).

Kỳ vọng lãi cho vay và phí môi giới tăng 44% và 23%

Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng Giám đốc cho biết bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực năm 2023 có nhiều biến động phức tạp, khó lường và tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế, tài chính trong nước. Thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua được đánh giá tăng trưởng tích cực so với trong khu vực và trên thế giới. VN-Index tăng khoảng 12%, vốn hóa thị trường hơn 240 tỷ USD.

Trong điều kiện thị trường biến động và khó lường đó, HSC có lợi nhuận trước thuế 842 tỷ đồng, giảm 21% so với thực hiện 2022 và đạt 93% kế hoạch. Thụ nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) 1.475 đồng.

Năm 2024, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.450 tỷ đồng, tăng 72% so với 2023. Doanh thu dự kiến 3.182 tỷ đồng, tăng 41%, chi phí dự kiến tăng 23%.

Theo ông Giang, kế hoạch kinh doanh được xây dựng với phần tăng vốn 2.400 tỷ đồng được sử dụng từ giữa năm nay. EPS dự phóng 1.890 đồng, tăng 28%.

(Nguồn: Tài liệu họp cổ đông). 

Trong cơ cấu doanh thu, chiếm tỷ trọng lớn nhất là lãi từ cho vay ước tính 1.532 tỷ đồng, doanh thu môi giới 824 tỷ đồng và hoạt động tự doanh 556 tỷ đồng. Đáng chú ý, hoạt động tư vấn tài chính dự kiến đem về 248 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với con số 22 tỷ đồng năm 2023. Doanh thu khác đi ngang 22 tỷ đồng.

Ở hoạt động cho vay ký quỹ (margin), HSC đánh giá nhu cầu sẽ tiếp tục tăng cùng sự gia tăng của thanh khoản thị trường chứng khoán năm 2024. Việc triển khai mô hình quản lý cho vay margin mới từ đầu 2024 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho nhu cầu giao dịch của khách hàng cũng như tính linh hoạt trọng quản lý cho vay. Bên cạnh đó, công ty duy trì áp dụng các chính sách quản trị rủi ro theo hướng thận trọng như trong giai đoạn thị trường biến động trước đó.

Đối với dịch vụ môi giới chứng khoán, HSC đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu đến từ 3 yếu tố: sự gia tăng thanh khoản thị trường; công ty đẩy mạnh các chương trình ưu đãi thu hút thêm khách hàng; áp dụng chính sách thưởng kinh doanh hấp dẫn hơn để tạo động lực cho đội ngũ môi giới.

Quý I, HSC ghi nhận doanh thu 724 tỷ đồng, lãi trước thuế 346 tỷ đồng và lãi sau thuế 278 tỷ đồng. Lãi sau thuế tăng 124% so với cùng kỳ năm trước.

Vị CEO dự đoán thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay sẽ cải thiện hơn. Thứ nhất, môi trường lãi suất trong nước đã hạ nhiệt và có thể thấp hơn, tiếp tục hỗ trợ dòng tiền quay trở lại thị trường và giúp tăng thanh khoản.

Thứ hai, các kênh đầu tư khác như vất động sản hay vàng vẫn tiếp tục khó khăn hoạt chưa thuận lợi. Thứ ba, kỳ vọng hệ thống KRX sẽ sớm được triển khai trong năm 2024 giúp có thêm các công cụ và nghiệp vụ với nhằm thu hút quan tâm giao dịch của nhà đầu tư, qua đó tăng thanh khoản thị trường.

Ngoài ra, các giải pháp tích cực vẫn được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai nhằm đáp ứng các yêu cầu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, đưa dòng vốn ngoại chảy vào trong các năm tới.

 Tổng Giám đốc Trịnh Hoài Giang. (Ảnh: X.N chụp màn hình).

Tỷ lệ chia cổ tức 2024 dự kiến 7% bằng tiền mặt

Về phân phối lợi nhuận, cổ đông ủy quyền HĐQT quyết định tỷ lệ chia  cổ tức bằng tiền mặt. Mức chi trả cổ tức khoảng 55% trên lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, tương đương khoảng 268 tỷ đồng.

Đại hội tiếp tục ủy quyền cho HĐQT quyết định tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt năm 2024, căn cứ kết quả kinh doanh thực tế. Tỷ lệ chia dự kiến không quá 80% trên lợi nhuận sau thuế, khoảng 7% trên mệnh giá (1 cp nhận 700 đồng).

Mặt khác, cổ đông thông qua phương án xử lý quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghề nghiệp và quỹ khác thuộc vốn sở hữu. Phương thức là hoàn nhập lợi nhuận chưa phân phối, tổng số tiền gần 282 tỷ đồng. Trong đó, quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghề nghiệp chiếm 278 tỷ đồng.

Phiên thảo luận

-Ban lãnh đạo chia sẻ thêm về tiến độ và hiệu quả thương vụ mảng IB của HSC năm 2024?

Ông Trịnh Hoài Giang: Trong tháng 4 hiện thực hóa 50 tỷ đồng, đang đến các thủ tục cuối cùng hiện thực thêm 50 tỷ đồng nữa. Trong nửa đầu năm có thể đạt doanh thu từ 100 - 120 tỷ, dự kiến kế hoạch6 tháng cuối năm 2024 thêm khoảng 100 - 120 tỷ nữa, là tổng cộng 200 - 240 tỷ cho năm 2024. Năm 2023 chỉ trên 20 tỷ đồng.

Kế hoạch này dựa trên các thương vụ tư vấn đã thành công, chỉ chờ hiện thực hóa phí. Năm 2023, số thương vụ tham gia, tổng giá trị khoảng 1,2 tỷ USD, khá lớn trên thị trường. Những thương vụ này chưa được công bố, sẽ công bố trên truyền thông khi được hoàn tất đầy đủ.

Mảng IB gần đây HSC nhận thấy có nhiều nhu cầu trong đầu tư vốn tư nhân. Dù khối ngoại bán ròng nhưng trên quan điểm đầu tư dài hạn vẫn có nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam thông qua các thương vụ mua cổ phần trực tiếp từ các công ty tư nhân Việt Nam. Đây là mảng lớn mà HSC sẽ nhắm đến trong tương lai.

-Công ty làm gì để nâng cao thị phần môi giới để không bị bỏ lại so với các đối thủ cạnh tranh mạnh về công nghệ?

Ông Trịnh Hoài Giang: Môi giới có 2 khối tổ chức và cá nhân. Hiện thị phần khối tổ chức của HSC khá tốt, đứng đầu thị trường, do có thế mạnh về nghiên cứu và uy tín trong trong vấn đề tuân thủ, công nghệ, giao dịch và quan hệ với khách hàng.

Thị phần cá nhân bị thụt lùi khá mạnh năm 2023 nguyên nhân chính do không đủ vốn. Năm qua các ngân hàng trung ước tăng mạnh lãi suất lên, nhà đầu tư có sự hoảng sợ. Quá trình tăng vốn của HSC chậm trễ, đợt trước phải mất gần 2 năm mới hoàn tất, đưa được tiền tăng vốn vào sử dụng. Việc này dẫn đến thiệt hại khi thị trường bùng nổ giao dịch, nhu cầu nhà đầu tư lớn.

Vấn đề thứ hai làm giảm thị phần là yếu tố tuân thủ. HSC chú trọng ngoài việc đánh giá trên khía cạnh cơ bản, doanh nghiệp còn phải không làm giá, không làm trái với quy định, để giữ vững tuân thủ, tránh bị phạt, tổn hại uy tín, đặc biệt là mảng cá nhân.

Vấn đề thứ ba là HSC không cho vay cổ phiếu bị làm giá, thiếu thanh khoản. Thứ tư hệ thống giao dịch của HSC chưa được tốt.

Để nâng thị phần, HSC phải cải thiện tất cả các vấn đề trên. Thứ nhất phải cải thiện về vốn, năm nay khá thuận lợi khi ngân hàng cho vay dễ, lãi suất tốt. Thứ hai là vấn đề tuân thủ, làm tốt hơn, tuân thủ nhưng không làm khách hàng khó chịu. Thứ ba, về hoàn tất hệ thống giao dịch mới, khi KRX đi vào hoạt động thì HSC sẽ nâng cấp hệ thống. Thứ tư, là yếu tố sản phẩm dịch vụ. Với hệ thống giao dịch mới, hy vọng vận hành trong tháng 5, có sản phẩm mới HSC có thể chủ động trên nền tảng công nghệ mới.

Thị trường chứng khoán như hiện nay có cuộc đua về giá, nhiều công ty giảm phí môi giới để đạt thị phần cao, được bù từ lãi cho vay, đây là cách hầu hết đơn vị áp dụng để cạnh tranh thị phần. HSC không cách nào khác, không giảm giá về 0 nhưng đảm bảo phí cạnh tranh, linh động. HSC có một cách đi riêng, kết hợp nhiều yếu tố chứ không phải giảm giá tăng thị phần. Cá nhân tôi kỳ vọng thị phần cá nhân cuối năm nay sẽ tăng gấp đôi so với năm 2023.

Đại hội thảo luận. (Ảnh: X.N chụp màn hình).

-Vừa qua hệ thống VNDirect gặp sự cố. HSC làm gì để bảo vệ cho nhà đầu tư?

Ông Trịnh Hoài Giang: May mắn HSC không bị tấn công, hoặc có nhưng không phát hiện, công ty không bị thiệt hại gì trong đợt qua. Trong hoạt động IT, HSC đặt vấn đề đảm bảo an ninh lên hàng đầu, kết hợp với các bên tư vấn để kiểm tra vài lần, thử tấn công để xem có lỗ hổng không. Thứ hai, HSC làm một hệ thống backup mạnh, chi phí đáng kể, khi có vấn đề sẽ cô lập hóa với hệ thống hiện tại. Bên cạnh là các chính sách bảo mật.

Gần đây chúng tôi nhận thấy một vấn đề nữa là điện thoại của khách hàng bị hack, bên thứ ba thực hiện bán chứng khoán trên tài khoản khách hàng sau đó chuyển tiền ra ngoài. Chúng tôi đã phòng chống được. Câu chuyện của VNDirect là bị vấn đề mã hóa dữ liệu, chúng tôi đã phòng chống được và tiếp tục gia cố thêm, cộng tác với các chuyên gia để phòng chống.

Sắp tới hệ thống giao dịch mới HSC sẽ bổ sung một lớp bảo vệ nữa là sinh trắc học để đảm bảo an toàn hơn.

HSC sẽ chuẩn hóa việc đảm bảo an ninh, chi thêm tiền để làm cơ sở dữ liệu mang tính bảo mật hơn, mua thêm phần cứng, phần mềm, rà soát chính sách và nhân viên nội bộ. HSC giữ quan hệ tốt với các chuyên gia tư vấn để giúp xử lý khi sự cố xảy ra. Việc này đòi hỏi đầu tư trong tương lai khá lớn, và chúng tôi đã có kế hoạch tài chính.

Cuối cùng, tôi cũng thường nói đùa với nhân viên là đừng thách thức với các hacker, để họ đừng làm gì hại mình.

-Chia sẻ thêm về cơ cấu danh mục tự doanh và hoạt động cho vay ký quỹ (margin) khi tăng vốn 2.400 tỷ đồng?

Ông Trịnh Hoài Giang: Một phần sẽ đưa vào margin, kế hoạch cuối năm 2024 margin phải đạt từ 18.000 – 20.000 tỷ đồng. Thơi điểm cuối tháng 4 chỉ tiêu này đạt gần 15.000 tỷ, đầu năm khoảng 12.000 tỷ đồng. Tốc độ nhanh hơn bình quân thị trường.

Như đã đề cập, vấn đề đi vay hiện nay thuận lợi hơn các năm trước. Và với uy tín của HSC, các ngân hàng khá “rộng tay” trong cấp tín dụng cả trong nước và nước ngoài. Trong trường hợp cần nhiều vốn hơn, HSC có thể vay trực tiếp từ khách hàng cá nhân và tổ chức tại HSC từ các hợp đồng dân sự đi vay.

Hoặc đại chúng thì chúng tôi sẽ thực hiện phát hành trái phiếu HSC ra công chúng. Tuy nhiên, việc này thực hiện lãi suất có thể phải cộng thêm 1-2 điểm cơ bản mới có thể huy động được. Hiện vốn vay của HSC khá rẻ và có hạn mức rộng. Nhiều ngân hàng nước ngoài lớn sẵn sàng cho HSC vay hàng trăm triệu USD.

Tuy vậy, một nguyên tắc HSC không từ bỏ là quản lý rủi ro margin, không vì sức ép tăng dư nợ mà từ bỏ quản trị rủi ro về margin. Dù có thanh khoản cao thế nào cũng không cho vay, như trước đây chúng tôi từ chối cho vay margin đối với 2 cổ phiếu ROS, FLC.

Về tự doanh, sắp tới HSC có thêm trái phiếu doanh nghiệp. Mảng này trước giờ HSC không đầu tư, nhưng đây là thời điểm tốt để vào, khi quy định Chính phủ và UBCK trở nên rõ ràng hơn, vấn đề giao dịch trái phiếu cũng trở nên rõ ràng hơn trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Doanh số cả mảng tự doanh năm 2024 dự kiến 360 - 400 tỷ đồng, quý I đã đạt khoảng 100 tỷ đồng. Quý I tình hình khá tốt nhờ thị trường đi lên. Tuy nhiên quan điểm HSC là thị trường lên hay xuống đều có thể kiếm tiền, nhờ chứng khoán phái sinh. Năm 2023 vốn khá eo hẹp nên phải dành cho margin. Năm nay đã tăng vốn nên sẽ linh hoạt hơn.

-Liệu HSC có tìm nhà đầu tư chiến lược nào trong thời gian tới hay không? Chiến lược của họ là gì? HSC có kế hoạch tăng vốn hay không?

Ông Johan Nyvene, Chủ tịch HĐQT: Năm nay, HSC không có tờ trình tăng vốn. Thời điểm này công ty đang kỳ vọng sử dụng số tiền cổ đông góp trong đợt phát hành vừa rồi con số hơn 1.700 tỷ đồng. HSC chưa có kế hoạch tăng vốn tiếp trong năm nay. Công ty sẽ có kế hoạch trong tương lai. Vốn là một trong hai nguồn tài nguyên quan trọng chúng ta có, cùng với nhân sự.

Nếu tiếp tục đi theo hướng ngôi vị là một trong CTCK và ngân hàng đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, HSC phải tiếp tục tăng vốn. Việc này dựa vào nhiều yếu tố như thị trường, khả năng kinh doanh. Thời điểm khi nào thì công ty sẽ dung hòa đều đặn với thị trường, niềm tin cổ đông cũng như khả năng phát triển.

Trước đây, HSC ngang ngửa hoặc cao hơn một số đối thủ về vốn, thị phần. Tuy nhiên, bây giờ các công ty chứng khoán đó đã vượt xa chúng ta về vốn, tính bằng lần. Đó là định hướng để chúng ta phải tiếp tục tăng vốn để cạnh tranh với các công ty chứng khoán, ngân hàng đầu tư hàng đầu.

Về cổ đông chiến lược, nếu cùng ngành nghề thì có nước ngoài và trong nước. Cổ đông trong nước cùng ngành nghề đồng nghĩa họ là đối thủ, thì không thể.

Còn cổ đông chiến lược cùng ngành nghề mà nước ngoài, nếu họ có đầu tư vào HSC và mong muốn đạt được tỷ lệ sở hữu kiểm soát, theo tôi, HSC chưa nghĩ tới. Lý do là HSC là qua mười mấy năm làm việc tại HSC, ban lãnh đạo nhận thấy HSC có định hướng kinh doanh và văn hóa kinh doanh riêng. Nếu có cổ đông nước ngoài giành quyền kiểm soát, HSC sẽ không duy trì được văn hóa cũng như định hướng như thế.

Nếu cổ đông cùng ngành mà không muốn đầu tư với tỷ lệ kiểm soát, theo tôi cũng có cơ sở để xem xét. Chúng ta không thiếu các đại gia khắp nơi trên thế giới. Từ tìm hiểu đến kiếm một đối tác đồng hành không muốn giữ quyền kiểm soát thì không phải một sớm một chiều xong được.

Trường hợp những cổ đông nửa chiến lược, không cùng ngành nghề và có định hướng đầu tư vào công ty chứng khoán hàng đầu tại Việt Nam và không muốn kiểm soát thì cũng có cơ sở. Thời gian qua ban lãnh đạo cũng đã gặp gỡ. Thậm chí có cổ đông không phải chiến lược trong ngành nghề liên quan cũng đã đầu tư tỷ lệ lớn vào HSC. Dragon Capital đã đầu tư và đồng hành cùng HSC trong thời gian qua. Ngoài ra cũng có một quỹ nước ngoài khác đầu tư vài phần trăm tại HSC.

 Ông Johan Nyvene, Chủ tịch HĐQT. (Ảnh: X.N chụp màn hình).

-Tôi đầu tư vào cổ phiếu HSC phát hành, kỳ vọng công ty mang về lợi nhuận tốt hơn. Vậy việc nắm giữ trong bao lâu thì có hiệu quả hơn các kênh đầu tư khác?

Ông Lê Anh Minh, Phó Chủ tịch HĐQT: Đây là chia sẻ góc nhìn cá nhân. Các kênh đầu tư khác thì phải xét thời điểm, ví dụ bitcoin nếu đầu tư thời điểm trước đây lãi lớn, nhưng gần đây chắc lỗ nặng. Mục tiêu, kỳ vọng của môi nhà đầu tư là khác nhau.

Ở phương diện hoạt động HSC, nguồn vốn mới vào cần khoảng thời gian chứ không thể kỳ vọng ngắn hạn được. Đến tháng 6 thì công ty mới có thể sử dụng được. Xét năm tài chính 2024 thì vốn đó mới được sử dụng 6 tháng.

Ở phương diện lợi nhuận khoản đầu tư, quan điểm của chúng tôi là đầu tư dài hạn. Rất khó để nhà đầu tư nắm bắt yếu tố timing (thời điểm) trong đầu tư, không chỉ nhà đầu tư cá nhân mà cả tổ chức cũng có trường hợp “mua đỉnh, bán đáy”. Về dài hạn, theo nhiều nghiên cứu khoa học, việc nắm giữ cổ phiếu đem lại lợi nhuận tối ưu hơn hầu hết các kênh đầu tư khác.

Ông Johan Nyvene: Trong khoảng 2-3 năm gần đây, giá cổ phiếu HCM có mức sinh lợi khoảng 100%.

 Ông Lê Anh Minh, Phó Chủ tịch HĐQT. (Ảnh: X.N chụp màn hình).

Xuân Nghĩa