|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

HSC cho vay margin 14.200 tỷ đồng, giao dịch phái sinh hơn 1 tỷ USD trong quý I

17:37 | 19/04/2024
Chia sẻ
Đến cuối tháng 3, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) đạt 14.200 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2023 và đánh dấu chuỗi tăng 4 quý liên tiếp.

CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC - Mã: HCM) ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý I. Theo báo cáo tài chính vừa công bố, doanh thu hoạt động trong kỳ đạt 863 tỷ đồng, tăng 37% so với quý I/2023. Các mảng hoạt động chính đều tăng doanh thu, gồm lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lõ (FVTPL) (tăng 13%, lãi từ các khoản cho vay và phải thu ((tăng 52%) và môi giới (tăng 62%).

HSC báo lãi quý I gấp 2,2 lần cùng kỳ. (Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC quý I).

Chi phí hoạt động ghi nhận mức tăng 6%, lên 414 tỷ đồng. Trong đó chi phí hoạt động môi giới tăng 36%, ngược lại lỗ FVTPL giảm 1%, chi phí dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi, lỗ suy giảm tài sản tài chính và chi phí đi vay của các khoản vay giảm 19%.

Chi phí quản lý công ty cũng tăng 21% lên 105 tỷ đồng. Theo đó, HSC báo lãi sau thuế 277 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước.

Đến cuối tháng 3, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) đạt 14.200 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2023 và đánh dấu chuỗi tăng 4 quý liên tiếp (từ cuối quý II/2023). Mức dự nợ hiện tại đã tiệm cận với đỉnh khoảng 14.500 lập vào cuối tháng 3/2022.

 Dư nợ cho vay margin của HSC tăng 4 quý liên tiếp. (Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC).

Tài sản tự doanh của HSC toàn bộ là FVTPL. Giá trị thị trường đạt 2.276 tỷ đồng tại cuối tháng 3, tăng 2% sau 3 tháng, đồng thời cao hơn 2% so với giá gốc.

Cơ cấu sở hữu có sự luân chuyển khi HSC giảm 10% lượng chứng chỉ quỹ về 131 tỷ đồng, ngược lại gia tăng 57% giá trị cổ phiếu (đóng vai trò tài sản cơ sở cho hoạt động phòng ngừa rủi ro của chứng quyền) lên 414 tỷ đồng, trái phiếu giữ nguyên 1.232 tỷ đồng.

Các mã đang chiếm tỷ trọng lớn danh mục cổ phiếu tại cuối tháng 3 đều là bluechip, kể đến MBB, STB, VPB, HPG, VRE, VNM, MSN, VHM, MWG, FPT. Trong kỳ, HSC đã gia tăng đầu tư đáng kể (giá gốc) đối với các khoản đầu tư MBB (+127 tỷ đồng), VPB (+44 tỷ đồng), HPG (+37 tỷ đồng)... ngược lại bán ra FPT (-41 tỷ đồng), MWG (-13,5 tỷ đồng) và cổ phiếu khác.

Cùng với đà tăng trưởng của thị trường, hầu hết các bluechip trên đều đạt tăng trưởng giá cổ phiếu trong 3 tháng đầu năm. HSC ghi nhận thu lãi ròng 98 tỷ đồng từ hoạt động bán các tài sản tài chính FVTPL.

 

Một quan sát khác, thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy khối lượng giao dịch trong quý đầu năm đạt 451 tỷ chứng khoán, tương ứng với 332.749 tỷ đồng (hơn 13,3 tỷ USD, tạm tính theo 1 USD đổi 25.000 VND). Trong đó, giá trị giao dịch của nhà đầu tư chiếm 83%, công ty chứng khoán chiếm 17%. Chứng khoán HSC giao dịch 220.331 hợp đồng tương lai trong quý đầu năm, tương ứng giá trị giao dịch 27.055 tỷ đồng.

HSC ghi nhận giá trị giao dịch quý I đạt khoảng 13,3 tỷ USD. (Nguồn: BCTC quý I).

Xuân Nghĩa