|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tái tương quan (Recoupling) là gì? Nhận biết hiện tượng Tái tương quan

21:43 | 15/04/2020
Chia sẻ
Tái tương quan (tiếng Anh: Recoupling) là thuật ngữ chỉ một sự kiện hoặc quá trình xảy ra trên thị trường, ở đó lợi nhuận của các lớp tài sản trở lại các mô hình tương quan truyền thống sau khi đi chệch hướng trong một khoảng thời gian.
Tái tương quan (Recoupling) là gì? Nhận biết hiện tượng Tái tương quan  - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: Investopedia

Tái tương quan

Khái niệm

Tái tương quan trong tiếng Anh là Recoupling.

Tái tương quan là thuật ngữ chỉ một sự kiện hoặc hiện tượng xảy ra trên thị trường, ở đó lợi nhuận của các lớp tài sản trở lại các mô hình tương quan lịch sử, hay truyền thống của chúng, sau khi đi chệch hướng trong một khoảng thời gian.   

Tái tương quan trái ngược với việc decoupling (tạm dịch: tách rời tương quan), chỉ hiện tượng các lớp tài sản tách ra khỏi các mối tương quan truyền thống (đã xảy ra trong quá khứ) của chúng.   

Đặc điểm Tái tương quan 

Mối quan hệ giữa các lớp tài sản liên quan tạo nên các mô hình tương quan không chỉ trên lí thuyết mà còn được chứng minh trong thực tiễn theo thời gian.   

Đôi khi, các mối tương quan tách rời khỏi nhau (decoupling), buộc các nhà quan sát thị trường phải tìm kiếm lời giải thích xác đáng cho sự tác động qua lại của các tài sản. 

Thời gian tách rời có thể ngắn hoặc dài, nhưng cuối cùng chuyển động của lớp tài sản sẽ tái tương quan (recoupling) trở lại với các mô hình chuẩn mực đã có trong quá khứ. 

Mối tương quan hiếm khi bị tách rời vĩnh viễn. Tuy nhiên khi điều này xảy ra, nó là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy đang có một yếu tố ngoại tác, không có trong các mô hình truyền thống, có tác động rất đáng kể.       

Có rất nhiều mối tương quan trên thị trường được xem là điểu hiển nhiên. Ví dụ lợi suất trái phiếu tăng có nghĩa là giá trị đồng tiền của quốc gia đó đang tăng.   

Hay lãi suất tăng làm giảm giá thị trường chứng khoán trong khi lãi suất giảm lại giúp thị trường vốn phát triển.   

Ngoài ra, còn có mối tương quan giữa giá dầu thế giới và đồng USD. Giá dầu và các mặt hàng toàn cầu khác tăng sẽ đi kèm với sự suy yếu của đồng USD.   

Nhận biết hiện tượng Tái tương quan 

Các mối tương quan được tại thành bởi các yếu tố kế toán tài chính thường hầu như không bao giờ tách rời. Còn các mối tương quan thống kê giả thường xuyên bị tách rời hơn. 

Ngoài ra, các mối quan hệ nhân quả trong kinh tế sẽ trải qua các giai đoạn tách rời tương quan sau đó tái tương quan (recoupling) để phản ánh những thay đổi thực sự về cấu trúc của các mối quan hệ trong nền kinh tế. Đặc biệt là các thay đổi trong các yếu tố kích thích hay ưu đãi kinh tế, và các yếu tố tâm lí.     

Các nhà kinh tế thường có xu hướng tập trung vào những thay đổi trong điều kiện kinh tế, yếu tố kích thích kinh tế và quan hệ của chúng trong các lí thuyết kinh tế, để giải thích sự tách rời tương quan và tái tương quan (recoupling).  

Ví dụ sau một cú sốc kinh tế lớn điển hình như tiến bộ công nghệ hay các thay đổi lớn trong chính sách kinh tế, nền kinh tế thường trải qua các giai đoạn "làm quen" khi các biến số kinh tế (như lợi nhuận của các lớp tài sản khác nhau) cố gắng điều chỉnh theo các điều kiện mới của thị trường.   

Tình huống này thể hiện sự tách rời tương quan tạm thời, cho đến khi nền kinh tế chuyển sang trạng thái cân bằng mới, và lợi nhuận sẽ có xu hướng hồi phục. Lúc đó các lớp tài sản sẽ có lợi nhuận tái tương quan (recoupling) trở lại như trước khi cú sốc xảy ra.   

Tuy nhiên, các điều kiện kinh tế mới vẫn có khả năng tạo ra trạng thái cân bằng kinh tế mới. Lúc đó một số mối tương quan giữa các biến số kinh tế khác nhau sẽ được thay đổi vĩnh viễn. 

Khi việc này xảy ra, không có gì đảm bảo rằng toàn bộ các mối quan hệ trong quá khứ sẽ tái tương quan (recoupling) trở lại. 

Các trường phái kinh tế và Tái tương quan 

Các nhà kinh tế học theo trường phái Keynes và kinh tế học hành vi cho rằng thị trường luôn hành xử một cách phi lí.   

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các mối tương quan lâu dài (được hỗ trợ bởi các mô hình kinh tế đã được chứng minh trong nhiều thập kỉ) bị tách rời trong một khoảng thời gian. 

Họ cho rằng các yếu tố tâm lí, như thiên kiến nhận thức hoặc tâm lí bầy đàn phức tạp có thể trì hoãn hay thậm chí ngăn chặn vĩnh viễn sự tái tương quan của một số yếu tố kinh tế. 

Dù vậy, phần lớn các nhà kinh tế học vẫn tin rằng sự tái tương quan sẽ xảy ra, nhưng với một chút thay đổi nhỏ. Nguyên nhân là do các mô hình truyền thống luôn được tiếp tục điều chỉnh để bắt kịp với sự phát triển ngày một phức tạp của thị trường.   

(Theo Investopedia)

Lê Thảo