|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Thuyết tiền tệ Keynes (Keynesian Theory of Money) là gì?

15:52 | 11/09/2019
Chia sẻ
Thuyết tiền tệ Keynes (tiếng Anh: Keynesian Theory of Money) là một nội dung của học thuyết tân cổ điển về tiền tệ. Nó đi ngược lại quan điểm giá cả có quan hệ tỉ lệ thuận với số lượng tiền tệ.
fff

John Maynard Keynes (Nguồn: Pinterest)

Thuyết tiền tệ Keynes (Keynesian Theory of Money)

Thuyết tiền tệ Keynes - danh từ, trong tiếng Anh gọi là Keynesian Theory of Money.

Trong tác phẩm nổi tiếng có tên là Lí thuyết chung về nhân công, lãi suất và tiền tệ (The General Theory of Employment, Interest and Money), John Maynard Keynes từ bỏ quan điểm cổ điển, cho rằng tốc độ lưu thông tiền tệ là một hằng số và phát triển lí thuyết về cầu tiền tệ, trong đó có nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lãi suất. 

Lí thuyết mà Keynes phát triển được gọi là Thuyết tiền tệ Keynes, hay còn gọi là lí thuyết về sự ưa thích tiền mặt. Keynes nêu ra 3 lí do khiến người ta thích giữ tiền, đó là do động cơ giao dịch, động cơ dự phòng, và do động cơ đầu cơ. (Theo Giáo trình Tiền tệ Ngân hàng, NXB Thống kê)

Cầu tiền tệ cho giao dịch

Cách tiếp cận cổ điển của thuyết giao dịch tiền tệ Fisher và thuyết tiền tệ Cambridge cho rằng các cá nhân giữ tiền vì đó là phương tiện trao đổi có thể dùng để tiến hành các giao dịch hàng ngày. Theo truyền thống đó, Keynes nhấn mạnh bộ phận cầu tiền tệ cho giao dịch do mức giao dịch của dân chúng quyết định, ông tin rằng mức giao dịch đó tỉ lệ thuận giới mức thu nhập.

Do đó, cũng như các nhà kinh tế cổ điển, Keynes cho rằng cầu tiền tệ cho giao dịch tỉ lệ thuận với mức thu nhập.

Cầu tiền tệ cho dự phòng 

Đi xa hơn sự phân tích cổ điển, Keynes thừa nhận rằng ngoài việc giữ tiền cho các giao dịch hàng ngày, người ta còn giữ tiền dùng cho những nhu cầu bất ngờ. Đây chính là cầu tiền tệ cho dự phòng. 

Keynes tin rằng số tiền dự phòng người ta cần nắm giữ được xác định bởi mức độ các giao dịch người ta sẽ thực hiện trong tương lai, mà mức độ các giao dịch này lại tỉ lệ thuận với thu nhập, cho nên suy cho cùng cầu tiền tệ cho dự phòng cũng tỉ lệ thuận với mức thu nhập.

Cầu tiền tệ cho đầu cơ

Nếu Keynes chỉ kết thúc học thuyết của mình với cầu tiền tệ cho giao dịch và dự phòng, thì mức thu nhập sẽ là yếu tố quyết định quan trọng duy nhất của cầu tiền tệ, và ông ta cũng chẳng phát triển gì hơn so với thuyết tiền tệ Cambridge

Tuy Keynes đồng ý với các nhà kinh tế Cambridge rằng tiền tệ là phương tiện cất trữ của cải,  nhưng ông ta gọi động cơ giữ tiền này là cầu tiền tệ cho đầu cơ. Cũng như các nhà kinh tế Cambridge, Keynes cho rằng của cải gắn liền với thu nhập cho nên bộ phận cầu tiền tệ cho đầu cơ này cũng gắn liền với thu nhập. 

Tuy nhiên, Keynes quan tâm cẩn thận hơn đến những yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định bao nhiêu tiền được cất trữ như của cải. Khác với các nhà kinh tế Cambridge, ông cho rằng ngoài thu nhập thì lãi suất đóng cũng vai trò quan trọng quyết định cầu tiền tệ cho đầu cơ.

Phương trình cầu tiền tệ của Keynes

Tổng hợp các bộ phận cấu thành cầu tiền tệ và các yếu tố tác động đến cầu tiền tệ, Keynes đưa ra phương trình cầu tiền tệ như sau:

MD/P = f(i,Y)

                -  +

Dấu (-) có nghĩa là cầu tiền tệ MD có quan hệ nghịch biến với lãi suất i trong khi dấu (+) chỉ ra rằng cầu tiền tệ có quan hệ đồng biến với mức thu nhập Y. (Theo Giáo trình Tiền tệ Ngân hàng, NXB Thống kê)

Khai Hoan Chu