|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Lí thuyết của Shaw và McKinnon về một hệ thống tài chính bị kìm hãm là gì?

09:06 | 17/07/2020
Chia sẻ
Trọng tâm của lí thuyết này là chính phủ không nên can thiệp vào hệ thống tài chính mà để chúng vận động trên cơ sở thị trường tự do. Như vậy nguyên tắc hiệu quả sẽ được tôn trọng và nguồn lực tài chính sẽ được phân bổ một cách tốt nhất.
Lí thuyết của Shaw và McKinnon về một hệ thống tài chính bị kìm hãm là gì? - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: slideplayer)

Lí thuyết của Shaw và McKinnon về một hệ thống tài chính bị kìm hãm 

Khái niệm

Theo lí thuyết này hệ thống tài chính nên phát triển trước để cổ vũ cho việc tăng trưởng kinh tế chứ không phải là sản phẩm của sự phát triển. 

Ngày nay, lí thuyết này đã được ít nhiều chấp nhận tại các quốc gia đang phát triển và trong hai thập kỉ 1970 – 1989 một số nước đã tiến hành cải cách khu vực tài chính theo hướng nới lỏng sự can thiệp của chính phủ vào hệ thống tài chính.

Nội dung

Đối lập với lí thuyết của trường phái Keynes về vai trò thụ động của hệ thống tài chính trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các lí thuyết cổ vũ cho quan điểm hệ thống tài chính có vai trò tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đều có chung các giả định. 

Rằng hệ thống tài chính là người phân bổ tốt nhất các nguồn lực tài chính thông qua cơ chế chia sẻ rủi ro và chuyển giao có thời hạn (maturity transformation) và trong điều kiện vốn đầu tư là tương đối khan hiếm nhất là tại các nước nghèo có thu nhập thấp thì một hệ thống tài chính được tự do hóa sẽ phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả nhất. 

Năm 1973 trong tác phẩm "Tiền tệ và vốn trong phát triển kinh tế", McKinnon, dựa trên quan điểm của Shaw, đã đưa ra lí thuyết về kìm hãm và tự do hóa tài chính

Trọng tâm của lí thuyết này là chính phủ không nên can thiệp vào hệ thống tài chính mà để chúng vận động trên cơ sở thị trường tự do. Như vậy nguyên tắc hiệu quả sẽ được tôn trọng và nguồn lực tài chính sẽ được phân bổ một cách tốt nhất.

Giả định của lí thuyết

Lí thuyết của McKinnon dựa trên giả định: đầu tư và tiết kiệm đều phụ thuộc vào lãi suất, trong đó:

- Lãi suất cao làm tăng tiết kiệm (sự phụ thuộc đồng biến). Ngoài ra tiết kiệm cũng phụ thuộc vào thu nhập.

- Đầu tư phụ thuộc nghịch biến vào lãi suất. (Một số đầu tư của chính phủ với mục tiêu phúc lợi công cộng không được xem xét trong lí thuyết này).

McKinnon cũng chỉ ra rằng tại hầu hết các nước đang phát triển, Chính phủ thường thích can thiệp vào hệ thống tài chính nước đó nhằm giữ một mức lãi suất thực thấp hơn mức cạnh tranh, làm cho hệ thống tài chính bị kìm hãm và không phát triển được. 

Khi lãi suất bị kìm hãm ở dưới mức cân bằng thì sẽ không có sự phân bổ nguồn lực, vì một số dự án sinh lợi nhiều hơn có thể không nhận được vốn đầu tư làm hiệu quả trung bình của đầu tư giảm sút. 

Như vậy, nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng chậm hơn các kết quả đạt được khi tháo bỏ một phần việc kiểm soát lãi suất.

Lí giải cho việc giữ lãi suất ở dưới mức cân bằng, chính phủ các nước này thường cho rằng điều này sẽ cải thiện được đầu tư vì các dự án sẽ dễ sinh lợi hơn nhưng các phân tích của lí thuyết McKinnon chứng minh rằng khi hệ thống tài chính bị kìm hãm (financial repression) đầu tư sẽ giảm và sự can thiệp của chính phủ thường không mang lại hiệu quả kinh tế. 

Trên cơ sở đó, McKinnon khuyến nghị Chính phủ ở các nước đang phát triển không nên can thiệp vào hệ thống tài chính của nước họ và nên để cho chúng hoạt động theo qui luật thị trường hay nói cách khác là nên để cho hệ thống tài chính tự do (financial liberalization).

(Tài liệu tham khảo: Một số lí thuyết về tự do hoá tài chính trong hội nhập quốc tế về ngân hàng, Trung tâm Bồi dưỡng Đại biểu Dân cử)

Diệu Nhi