Thuyết giao dịch tiền tệ Fisher (The Fisher’s Quantity Theory of Money) là gì?
Irving Fisher (phải) (Nguồn: Irving Norton Fisher)
Thuyết giao dịch tiền tệ Fisher (The Fisher's Quantity Theory of Money)
Thuyết giao dịch tiền tệ Fisher - danh từ, trong tiếng Anh được gọi là The Fisher's Quantity Theory of Money.
Trước kia các tác giả theo thuyết số lượng tiền tệ đều cho rằng có mối quan hệ tỉ lệ giữa số lượng tiền tệ và giá cả nhưng kết luận này vẫn chưa được chứng minh.
Đầu thế kỉ 20, nhà kinh tế học thuộc trường Đại học Yale, Irving Fisher đã nghiên cứu, chắt lọc và lập nên thuyết giao dịch tiền tệ Fisher, trong đó đưa ra phương trình trao đổi, góp phần rất quan trọng trong việc mở ra một thời kì mới cho các học thuyết tiền tệ hiện đại.
Irving Fisher (1867-1947) là một trong những nhà kinh tế vĩ đại nhất của Mỹ. Ông là người đồng sáng lập và chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Kinh tế lượng vào năm 1930.
Các công trình nghiên cứu của ông tập trung vào việc tìm kiếm khả năng vận dụng hằng số, bởi theo ông lí thuyết sẽ không có tác dụng nếu không thể nghiên cứu ứng dụng và phân tích lượng trên cơ sở số liệu thực tế. (Theo Giáo trình Tiền tệ Ngân hàng, NXB Thống kê)
Phương trình trao đổi trong thuyết tiền tệ Fisher
Nếu gọi M là số lượng tiền tệ; VT là tốc độ lưu thông tiền tệ, tức là số lần tiền tệ được trao đổi cho mục đích giao dịch; PT là giá cả trung bình của mỗi giao dịch và T là tổng số lần giao dịch phát sinh trong kì, phương trình trao đổi của Fisher có dạng như sau :
MVT = PTT.
Chẳng hạn nếu số lượng tiền tệ là 400 tỉ dollar quay 6 vòng một năm thì tổng doanh số giao dịch (PTT) sẽ là 2.400 tỉ dollar. Bằng cách giả định rằng, tốc độ vòng quay đồng tiền và số lần giao dịch tiền tệ được quyết định một cách độc lập với số lượng tiền tệ và giá cả, thì phương trình trao đổi trở thành lí thuyết về sự biến động của giá cả.
Khi đó, phương trình có thể viết lại thành :
PT = (VT/T)M.
Phương trình trên cho thấy rằng, mức giá cả chung tỉ lệ thuận với số lượng tiền tệ. Chẳng hạn nếu M = 300 tỉ dollar, VT = 6 và T = 200 tỉ thì PT = 9 dollar. Bây giờ nếu số lượng tiền tệ tăng thêm 1/3 tức là lên đến 400 tỉ dollar thì giá cả trung bình sẽ tăng 1/3 tức là lên đến :
PT = (VT/T)M = (6/400) 400 = 12 dollar.
Theo Fisher, trong thời gian ngắn tốc độ vòng quay đồng tiền và số lần giao dịch T xem như bất biến. Do đó, phương trình có thể viết lại thành:
PT = kM (với k = VT/T = hằng số)
Trong trường hợp này, thuyết giao dịch tiền tệ trở thành thuyết số lượng tiền tệ, hay nói khác di, thuyết giao dịch tiền tệ Fisher phản ánh cả nội dung của thuyết số lượng tiền tệ. (Theo Giáo trình Tiền tệ Ngân hàng, NXB Thống kê)