|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Thuyết số lượng tiền tệ (Quantity Theory of Money) là gì?

14:49 | 11/09/2019
Chia sẻ
Thuyết số lượng tiền tệ (tiếng Anh: Quantity Theory of Money) là lý luận cho rằng trong dài hạn số lượng tiền tệ phụ thuộc vào thay đổi của giá cả hoặc thay đổi của mức giá chung của nền kinh tế.
credit-score

Hình minh họa (Nguồn: IDEA TUTORS)

Thuyết số lượng tiền tệ (Quantity Theory of Money)

Thuyết số lượng tiền tệ - danh từ, trong tiếng Anh gọi là Quantity Theory of Money.

Thuyết số lượng tiền tệ là học thuyết cổ xưa nhất, đặt nền tảng cho việc nghiên cứu mối quan hệ giữa số lượng tiền tệ và mức giá chung của nền kinh tế. Theo nghĩa hẹp, học thuyết này cho rằng có mối quan hệ tỉ lệ giữa sự thay đổi giá cả và số lượng tiền tệ. 

Theo nghĩa rộng hơn, học thuyết này cho rằng số lượng tiền tệ có ảnh hưởng đến cả hoạt động của nền kinh tế và giá cả.

Gọi p là giá cả, M là số lượng tiền tệ, Q là khối lượng hàng hóa sản xuất ra trong nền kinh tế, V là tốc độ vòng quay đồng tiền và k là hằng số, mối quan hệ giữa giá cả và số lượng tiền tệ được diễn tả như sau:

P = f(M) =(V/Q)M = kM.

Công thức trên cho thấy p là hàm số của M và vì VQ là hai yếu tố cố định nên tỉ số V/Q được thay bởi hằng số k.

fff

Mối quan hệ giữa giá cả và số lượng tiền tệ (Nguồn: The Market Oracle)

Lịch sử phát triển của Thuyết số lượng tiền tệ

Ra đời rất sớm và trải qua thời gian dài của lịch sử, thuyết số lượng tiền tệ đã có nhiều thay đổi và bổ sung quan trọng.

Quan điểm của Jean Bodin

Thật ra, mối quan hệ giữa giá cả và số lượng tiền tệ đã được tìm ra từ lâu. Jean Bodin (1568) giải thích sự gia tăng mạnh của giá cả xảy ra vào cuối thế kỉ 17 ở Châu Âu là kết quả của việc nhập khẩu ồ ạt vàng bạc từ Thế Giới Mới, tức là từ các lục địa khác mới được khám phá. 

Quan điểm của Richard Cantillon

Tuy nhiên, giữa thế kỉ 18 Richard Cantillon xem xét kĩ hơn mối liên hệ mang tính chất quá trình giữa sự thay đổi của số lượng tiền tệ và giá cả. Ông cho rằng tiền tệ (tiền vàng) đầu tiên được tạo ra từ ngành khai khoáng, và các nhà sản xuất nhận thấy rằng việc tích lũy vàng có thể làm gia tăng nhu cầu hàng hóa tiêu dùng. 

Kế đến là nhu cầu gia tăng và cùng với nó sự gia tăng giá cả lương thực thực phẩm. Sự gia tăng giá cả lương thực, cùng với sự giá tăng giá cả hàng tiêu dùng làm sụt giảm tiền lương thực tế, điều này khuyến khích các công ty thu nhận thêm nhân công.

Về sau, sự gia tăng nhu cầu lao động đẩy tiền lương tăng lên, và tiền lương tiếp tục tăng cho đến khi ngang bằng với sự gia tăng giá cả và tiền tệ.

Quan điểm của David Hume

Không lâu sau đó, David Hume, nhà triết học người Scotland, đã bổ sung và phổ biến những tư tưởng của Cantillon. Đóng góp quan trọng nhất của Hume trong lĩnh vực tiền tệ là sự giải thích của ông ta về cơ chế lưu thông tiền vàng. 

Theo Hume có sự phân phối tự nhiên tiền vàng trên phạm vi thế giới, và bất cứ lúc nào có khuynh hướng phân phối tiền vàng thực tế chênh lệch so với phân phối tự nhiên, thì sẽ có một sự điều chỉnh tự động bằng cách gia tăng giá cả. 

Chẳng hạn, một quốc gia nào đó do có nhiều mỏ vàng, tự nhiên có nhiều tiền vàng sẽ có sự gia tăng nhu cầu và theo đó là sự gia tăng giá cả. Tương tự, quốc gia khác ở vào vị thế ngược lại do không có mỏ vàng nên tiền vàng trở nên hiếm hoi hơn, và do đó, giá cả giảm. 

Do giá cả ở nước xuất khẩu (vàng) sẽ tăng trong khi giá cả ở nước nhập khẩu sẽ giảm, nên tiền sẽ di chuyển từ nước có giá cả cao sang nước có giá cả thấp. Quá trình này tiếp tục cho đến khi có sự cân bằng giữa khối lượng tiền thực tế và khối lượng tiền tự nhiên.

Nhìn chung, các nhà kinh tế học cổ điển đều thống nhất rằng có mối quan hệ tỉ lệ giữa số lượng tiền tệ và giá cả, nhưng điều này chỉ xảy ra trong dài hạn. Trong ngắn hạn, họ tin tưởng rằng một sự gia tăng hoặc kiềm chế số lượng tiền tệ sẽ tác động đến hoạt động của nền kinh tế. .

Khai Hoan Chu