Bảo lãnh (Guarantee) là gì? Các nội dung liên quan đến bảo lãnh
Hình minh họa (phuonghoangtrans.com)
Bảo lãnh (Guarantee)
Khái niệm
Bảo lãnh trong tiếng Anh là Guarantee.
Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. (Theo Bộ luật dân sự năm 2015, Điều 335, Khoản 1)
Các nội dung liên quan đến bảo lãnh
- Về phạm vi bảo lãnh, các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình. Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.
- Về hình thức, bảo lãnh phải lập thành văn bản (có thể là văn bản độc lập hoặc là một điều khoản trong hợp đồng chính); Trường hợp pháp luật có qui định thì văn bản bảo lãnh phải được chứng thực, công chứng.
- Về thù lao, theo Điều 337 Bộ Luật Dân sự 2015 qui định về thù lao: Bên bảo lãnh được hưởng thù lao nếu bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh có thỏa thuận.
Khi nghĩa vụ của bên bảo lãnh phát sinh thông thường là do bên được bảo lãnh đã không thể thực hiện được nghĩa vụ của mình khi đến hạn thì lúc này, bên được bảo lãnh có thể suy đoán là khó có khả năng thực hiện được nghĩa vụ hoàn lại cho bên bảo lãnh. Do đó, trong quan hệ bảo lãnh, pháp luật qui định việc hưởng thù lao của bên bảo lãnh chỉ được áp dụng khi các bên có thỏa thuận cụ thể.
- Về việc nhiều người cùng bảo lãnh, theo Điều 338 Bộ luật Dân sự 2015: Khi nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thoả thuận hoặc pháp luật có qui định bảo lãnh theo các phần độc lập; bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
Thông thường, đối với một nghĩa vụ chỉ cần một người bảo lãnh là có thể đủ để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên trong một số trường hợp, việc một người bảo lãnh cho người khác có thể xảy ra những khả năng sau:
+ Họ chỉ cam kết phạm vi bảo lãnh cho một phần nghĩa vụ
+ Họ cam kết bảo đảm toàn bộ nghĩa vụ nhưng thực tế khả năng để đảm bảo cho việc thực hiện toàn bộ nghĩa vụ là không chắc chắn.
Hệ lụy của hai trường hợp trên rất có thể dẫn đến tình trạng quyền của bên nhận bảo đảm không được thực hiện mặc dù vẫn áp dụng biện pháp bảo đảm. Do đó, pháp luật qui định trường hợp các bên có thể thỏa thuận nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ, theo đó những người này phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Pháp luật kinh tế, NXB Tài chính)