Quản lí tài sản nợ (Liability managment) là gì? Thực tế quản lí tài sản nợ
Hình minh họa (Nguồn: mondobio)
Quản lí tài sản nợ (Liability managment)
Quản lí tài sản nợ - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Liability management.
Trước những năm 1960, quản lí tài sản nợ là công việc phẳng lặng, thường không được nhắc đến, bởi vì trong hầu hết các trường hợp, các ngân hàng huy động một lượng vốn cố định, sau đó nỗ lực để đạt được một cơ cấu tài sản có sinh lời tối ưu, nghĩa là ngân hàng chỉ tập trung vào quản lí tài sản có.
Quản lí tài sản nợ là đo lường và kiểm soát các cấp độ rủi ro tài chính: rủi ro lãi suất (chênh lệch giá giữa khoản cho vay và tiền gửi) và rủi ro thanh khoản (xảy ra khi các khoản cho vay và tiền gửi có kì đáo hạn khá nhau).
Mục đích của hoạt động này là quản lí lãi ròng giữa tài sản phát sinh lãi (khoản cho vay) và khoản nợ tiền trả lãi (tiền gửi) nhằm tạo ra sự tăng trưởng nhất định trong danh mục cho vay và lợi nhuận cổ đông, bất chấp sự biến động lãi suất ngắn hạn.
Tại sao các ngân hàng lại tập trung nhấn mạnh quản lí tài sản có hơn tài sản nợ?
Có hai nguyên nhân tập trung nhấn mạnh quản lí tài sản có, đó là:
1. Có tới 60% nguồn vốn của ngân hàng có được từ tài khoản tiền gửi thanh toán, mà theo luật lúc đó, thì các khoản tiền gửi thanh toán không được tính lãi suất.
Do đó, ngân hàng không thể cạnh tranh tích cực với nhau để thu hút nguồn vốn này bằng công cụ lãi suất, nghĩa là, các khoản tiền gửi thanh toán được biếu không cho từng ngân hàng.
2. Thị trường cho vay qua đêm giữa các ngân hàng chưa phát triển, các ngân hàng rất ít khi vay mượn lẫn nhau để đáp ứng nhu cầu dự trữ của mình. (Theo Giáo trình Ngân hàng thương mại. NXB Thống kê)
Thực tế quản lí tài sản nợ
Bắt đầu kể từ những năm 1960, các ngân hàng lớn tại các trung tâm tài chính chủ chốt như New York, Chicago, San Francisco... bắt đầu khám phá ra phương pháp quản lí tài sản nợ vừa bảo đảm được dự trữ vừa bảo đảm được tính thanh khoản.
Điều này dẫn đến sự bùng nổ các thị trường tín dụng qua đêm, như thị trường vốn NHTW (Fed funds market) và phát triển các công cụ tài chính mới như chứng chỉ tiền gửi chuyển nhượng được (CDs) lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1961.
Điều này cho phép các ngân hàng lớn huy động được nguồn vốn một cách nhanh chóng. Bởi vì các ngân hàng nhỏ thường không được thị trường biết đến nhiều như các ngân hàng lớn, do đó chúng được đánh giá là có rủi ro tín dụng cao hơn, nên sẽ khó khăn hơn trong việc huy động vốn trên thị trường phát hành chứng chỉ tiền gửi (CDs). Do đó, các ngân hàng nhỏ không có cơ hội tích cực quản lí tài sản nợ.
Sự linh hoạt mới trong quản lí tài sản nợ hàm ý, các ngân hàng có thể sử dụng các phương thức khác nhau linh hoạt trong quản lí ngân hàng. Các ngân hàng đã không còn phụ thuộc vào tiền gửi thanh toán như là nguồn vốn cơ bản nữa, và kết quả là ngân hàng không còn bị động với nguồn vốn sẵn có nữa.
Thay vào đó, các ngân hàng đã chủ động trong việc xây dựng các mục tiêu tăng trưởng tài sản có và nỗ lực huy động vốn (ví dụ, phát hành CDs) để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng bên tài sản có. (Theo Giáo trình Ngân hàng thương mại. NXB Thống kê)