|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tính thanh khoản (Liquidity) là gì? Tính thanh khoản trong chứng khoán là gì?

17:16 | 26/08/2019
Chia sẻ
Trong kinh tế, tính thanh khoản (tiếng Anh: Liquidity) là tính linh hoạt của một tài sản khi chuyển đổi tài sản đó thành tiền mặt. Tuy nhiên, trong chứng khoán và trong tài chính ngân hàng, thuật ngữ tính thanh khoản được sử dụng cho các chủ thể khác nhau thì mang nghĩa khác nhau và có các công thức đo lường khác nhau.
photo-1

Ảnh minh họa (Nguồn: anhsangvacuocsong.vn)

Khái niệm tính thanh khoản (Liquidity)

Tính thanh khoản trong tiếng Anh gọi là Liquidity.

Tính thanh khoản hay tính lỏng, là một thuật ngữ kinh tế dùng để chỉ khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của một tài sản hoặc một sản phẩm.

Như vậy, tính thanh khoản của tiền là 100% vì tiền có thể dùng làm phương tiện trao đổi mua bán và thanh toán các giao dịch. Cổ phiếu và trái phiếu là các tài sản có tính thanh khoản cao vì chúng có thể được chuyển đổi thành tiền nhanh chóng. 

Các tài sản như bất động sản, nhà máy, máy móc và hàng tồn kho có tính thanh khoản rất thấp vì phải mất một thời gian rất dài để chuyển đổi các tài sản này thành tiền mặt.

Tính thanh khoản trong chứng khoán

Các chứng khoán có tính thanh khoản cao là các chứng khoán có thị trường mua bán năng động, có thể dễ dàng được giao dịch với giá cả tương đối ổn định. Tính thanh khoản của chứng khoán càng cao, vốn ban đầu của doanh nghiệp được phục hồi càng nhanh. Bởi vậy, đây là một yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư khi xác định tính an toàn của một thị trường.

Tính thanh khoản của một công ty

Trong ngành tài chính, tính thanh khoản của một công ty thường được xác định bằng khả năng sử dụng tài sản ngắn hạn của công ty để đáp ứng các khoản nợ ngắn hạn của nó. Dưới đây là ba tỉ lệ phổ biến để đo lường tính thanh khoản của công ty hoặc mức độ công ty có thể thanh lí tài sản của mình để đáp ứng các khoản nợ ngắn hạn.

- Tỉ lệ vốn lưu động: tính thanh khoản của một công ty được tính bằng cách chia tài sản ngắn hạn của nó cho các khoản nợ ngắn hạn. Tỉ lệ vốn lưu động được sử dụng để xác định khả năng trả nợ của công ty bằng các tài sản của công ty đó như tiền mặt, chứng khoán thị trường, hàng tồn kho và các khoản phải thu.

- Hệ số thanh toán nhanh được tính bằng bằng tỉ lệ vốn lưu động trừ đi hàng tồn kho. Hàng tồn kho bị loại bỏ vì nó khó chuyển đổi thành tiền mặt nhất khi so sánh với các tài sản hiện tại khác như tiền mặt, đầu tư ngắn hạn và các khoản phải thu. Giá trị hệ số lớn hơn một thường được coi là một hệ số tốt từ quan điểm thanh khoản.

- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (OCF) là thước đo thanh khoản ngắn hạn được tính bằng cách chia dòng tiền hoạt động cho các khoản nợ hiện tại. Đối với một công ty, chỉ số OCF ngày càng tăng là một dấu hiệu tốt của sức khỏe tài chính, trong khi những công ty có OCF giảm có thể có vấn đề về thanh khoản trong ngắn hạn.

(Nguồn: Investopedia)