Trái phiếu địa phương (Municipal bonds) là gì? Mục đích và đặc điểm của trái phiếu địa phương
Hình minh họa (Nguồn: moneycrashers)
Trái phiếu địa phương
Khái niệm
Trái phiếu địa phương hay Trái phiếu chính quyền địa phương, Trái phiếu đô thị, và thường được gọi là Trái phiếu Muni trong tiếng Anh được gọi là: Municipal bonds.
Trái phiếu địa phương là khoản vay của chính quyền địa phương (thành phố, tỉnh hoặc vùng dân cư) đối với các tổ chức và cá nhân. Việc phát hành trái phiếu địa phương đòi hỏi phải có giấy phép của cơ quan quản lí Nhà nước về chứng khoán.
Số tiền thu được do phát hành trái phiếu địa phương được sử dụng vào các mục đich như xây dựng trường học, bệnh viện, đường xá giao thông của địa phương.
Mục đích phát hành trái phiếu chính quyền địa phương
Mục đích phát hành trái phiếu chính quyền địa phương là một trong những nội dung trọng tâm và được qui định tại Điều 3 Thông tư 100/2015/TT-BTC. Cụ thể như sau:
+ Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo qui định của Luật Ngân sách nhà nước;
+ Đầu tư vào các dự án có khả năng hoàn vốn tại địa phương.
(Theo Điều 3 Thông tư 100/2015/TT-BTC)
Đặc điểm trái phiếu chính quyền địa phương
- Mệnh giá phát hành:
Trái phiếu chính quyền địa phương có mệnh giá là một trăm nghìn (100.000) đồng. Các mệnh giá khác của trái phiếu chính quyền địa phương là bội số của một trăm nghìn (100.000) đồng.
- Kì hạn phát hành:
Trái phiếu chính quyền địa phương có kì hạn từ 1 năm trở lên. Kì hạn cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn và điều kiện thị trường.
- Khối lượng phát hành:
Khối lượng phát hành từng đợt do chủ thể phát hành quyết định căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của địa phương, khả năng huy động vốn trên thị trường và phải nằm trong hạn mức phát hành đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt qui định tại Thông tư 100/2015/TT-BTC.
- Lãi suất phát hành:
Lãi suất phát hành trái phiếu chính quyền địa phương do chủ thể phát hành quyết định cho từng đợt phát hành nhưng không được vượt quá khung lãi suất do Bộ Tài chính qui định theo qui định tại Điều 9 Thông tư 100/2015/TT-BTC.
- Phương thức phát hành:
+ Phương thức đấu thầu
+ Phương thức bảo lãnh phát hành
+ Phương thức đại lí phát hành
(Theo Điều 10 Thông tư 100/2015/TT-BTC)
(Tài liệu tham khảo: Thông tư 100/2015/TT-BTC. Giáo trình Thị trường Chứng khoán, NXB Tài chính)