Danh mục đầu tư Granular (Granular Portfolio) là gì? Ưu, nhược điểm của Danh mục đầu tư Granular
Danh mục đầu tư Granular
Khái niệm
Danh mục đầu tư Granular trong tiếng Anh là Granular Portfolio.
Một danh mục đầu tư Granular là một danh mục đầu tư có mức đa dạng hóa tốt với nhiều loại tài sản khác nhau, đặc thù với số lượng các cổ phiếu nắm giữ chiếm phần nhiều.
Bởi vì loại danh mục đầu tư này chứa một số lượng lớn các vị thế tài sảncủa các loại tài sản khác nhau hoặc tài sản trong các lĩnh vực khác nhau, nên nó có lược đồ rủi ro tổng thể thấp hơn.
Ngược lại, danh mục đầu tư có mật độ thấp, có ít vị thế hơn hoặc chứa các tài sản có tương quan cao. Các danh mục này ít đa dạng hơn và có lược đồ rủi ro tổng thể cao hơn.
Đặc điểm Danh mục đầu tư Granular
Danh mục đầu tư Granular có thể được sử dụng để chỉ các danh mục đầu tư tín dụng, tiền tệ, vốn chủ sở hữu, trái phiếu hoặc danh mục bao gồm các loại tài sản hỗn hợp.
Các danh mục đầu tư Granular càng lớn, đôi khi còn được gọi là danh mục đầu tư Granular vô hạn, thì rủi ro phi hệ thống của danh mục càng nhỏ.
Hay danh mục được da dạng hóa đến mức rủi ro cá biệt của chứng khoán hầu như được loại bỏ, và chỉ để lại rủi ro hệ thống trong danh mục đầu tư.
Rủi ro hệ thống là loại rủi ro mà các nhà đầu tư không thể giảm thiểu thông qua đa dạng hóa danh mục.
Ưu điểm của Danh mục đầu tư Granular
Danh mục đầu tư Granular có nhiều ưu điểm, trong đó nổi bật nhất là giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, còn có khả năng tùy chỉnh danh mục và các lựa chọn tài sản đầu tư đa dạng.
- Giảm rủi ro
Chứa nhiều khoản đầu tư thuộc các lĩnh vực và các loại tài sản khác nhau, giúp giảm rủi ro tổng thể của danh mục đầu tư.
Ví dụ, nếu cổ phiếu một công ty y dược hoạt động kém hiệu quả. Trong danh mục đầu tư Granular với các tài sản thuộc nhiều lĩnh vực khác đa dạng như công nghệ, tài chính và tiêu dùng, sẽ giúp nhà đầu tư bù đắp lại rủi ro của khoản đầu tư thua lỗ này.
Trái phiếu cũng có thể được thêm vào danh mục đầu tư Granular.
- Có thể tùy chỉnh danh mục
Bởi vì danh mục đầu tư Granular có thể bao gồm nhiều loại tài sản, chúng có thể dễ dàng được điều chỉnh để đáp ứng nhiều mục tiêu tài chính của nhà đầu tư tại các thời điểm khác nhau.
Ví dụ nhà đầu tư có thể phân chia tùy ý tài sản vốn, trái phiếu và tiền mặt. Lúc còn trẻ, nhà đầu tư có thể phân bổ 90% danh mục đầu tư vào cổ phiếu, với 5% vào trái phiếu và 5% vào tiền mặt.
Khi nhà đầu tư sắp đến tuổi nghỉ hưu, họ có thể dễ dàng điều chỉnh danh mục đầu tư để có mức phân bổ ít rủi ro hơn.
- Lựa chọn tài sản đầu tư
Danh mục đầu tư Granular mang lại cho các nhà đầu tư sự linh hoạt trong việc đa dạng hóa nhiều loại tài sản nếu họ muốn.
Ví dụ nếu các mặt hàng kim loại quí, như vàng và bạc, đang có xu hướng cao hơn, một nhà đầu tư có thể thêm một số hợp đồng tương lai vào danh mục đầu tư của mình để tiếp xúc với động thái này.
Nhược điểm của Danh mục đầu tư Granular
Mặc dù danh mục đầu tư Granular có ít nhược điểm hơn, nhưng rủi ro của chúng có thể có tác động đáng kể đến hiệu quả danh mục, đặc biệt là trong thời gian thị trường bất định hoặc suy thoái.
- Lợi nhuận
Với cấu trúc đa dạng của danh mục đầu tư Granular, nếu một tài sản đầu tư thu được khoản lợi nhuận đáng kể, thì tác động của nó sẽ không quá lớn đến lợi nhuận tổng thể của danh mục.
- Rủi ro
Trong một môi trường kinh tế ổn định thì danh mục đầu tư Granular có thể tận dụng nhiều loại tài sản không tương quan ở các lĩnh vực khác nhau để bù đắp cho nhau, nhằm giảm thiểu rủi ro.
Nhưng nếu đặt trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, rủi ro không được hạn chế mà có thể còn tăng lên do mối quan hệ giữa các tài sản thay đổi.
Ví dụ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2009, giá cổ phiếu và hàng hóa trở nên tương quan chuẩn mạnh với nhau, trong khi trái phiếu và cổ phiếu lại mất đi sự tương quan ban đầu.
Các nhà đầu tư nắm giữ danh mục đầu tư Granular nên liên tục theo dõi sự thay đổi trong các mối tương quan giữa các loại tài sản, để đảm bảo họ không có quá nhiều rủi ro.
Hiểu được mối quan hệ giữa tương quan và biến động thị trường có thể giúp các nhà đầu tư quản lí rủi ro danh mục đầu tư hiệu quả.
(Theo Investopedia)