|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Quản lí rủi ro (Risk Management) là gì? Các phương pháp quản lí rủi ro

09:44 | 23/08/2019
Chia sẻ
Quản lí rủi ro (tiếng Anh: Risk Management) là quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học và có hệ thống nhằm nhận diện, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất, mất mát, những ảnh hưởng bất lợi của rủi ro.
Risk-Management-Nonprofit-Governance-Relationship

Hình minh họa. Nguồn: boardeffect

Quản lí rủi ro (Risk Management)

Định nghĩa

Quản lí rủi ro trong tiếng Anh gọi là Risk ManagementQuản lí rủi ro là quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học và có hệ thống nhằm nhận diện, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất, mất mát, những ảnh hưởng bất lợi của rủi ro.

(Theo Hệ thống Quản lí rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000, NXB Hồng Đức)

Các phương pháp quản lí rủi ro

Né tránh rủi ro

Đây là biện pháp thông thường và được sử dụng tương đối thường xuyên trong đời sống, đặc biệt là trong các xã hội và nền kinh tế chưa hoặc đang phát triển. 

Mỗi cá nhân, tổ chức đều có biện pháp riêng để né tránh rủi ro có thể xảy ra đối với mình, tức là tìm cách tránh, loại trừ hoặc hạn chế tối đa khả năng xảy ra rủi ro. 

Ví dụ: Để tránh tai nạn giao thông thì có người sẽ không chọn nghề lái xe hoặc hạn chế đi lại, hoặc để tránh tai nạn lao động thì có người không chọn các nghề nguy hiểm… 

Kiểm soát rủi ro

Là các biện pháp nhằm hạn chế tối đa các tổn thất có thể xảy ra. 

Ví dụ: Hạn chế tổn thất hoả hoạn bằng cách mua bình cứu hỏa, hạn chế tổn thất do tai nạn lao động bằng cách trang bị thiết bị và đào tạo kĩ năng về an toàn lao động… 

Chấp nhận rủi ro

Đây là hình thức mà người bị tổn thất tự chấp nhận tổn thất đó. Một trường hợp điển hình của chấp nhận rủi ro là tự bảo hiểm. 

Có nhiều hình thức chấp nhận rủi ro, tuy nhiên, thông thường được chia làm 2 nhóm chính là chấp nhận rủi ro thụ động và chủ động. 

Chấp nhận thụ động là việc không có sự chuẩn bị trước mà chỉ khi rủi ro xảy ra thì mới tìm kiếm các nguồn tài chính để khắc phục, bù đắp. 

Chấp nhận chủ động là việc lập ra quĩ dự trữ, quĩ dự phòng để bù đắp tổn thất. Theo hình thức chấp nhận rủi ro, vốn sẽ không đươc̣ sử dụng một cách tối ưu, thậm chí rất bị động vì mức độ tổn thất không hoàn toàn giống nhau và không lường trước được.

Chuyển giao rủi ro

Chuyển giao rủi ro là mô hình lí tưởng nhất, từ hình thức chuyển giao rủi ro thô sơ đến hình thức tham gia bảo hiểm. Đây là công cụ đối phó với hậu quả tổn thất do rủi ro gây ra và có hiệu quả nhất. 

Hình thức phân tán rủi ro hay chuyển giao rủi ro thô sơ có từ thời trung cổ. Các chủ thuyền vận tải hàng hóa đường biển đã biết cách không tập trung vận chuyển tất cả hàng hóa của mình vào một thuyền mà phân tán sang các thuyền khác nhau hoặc sang thuyền của các chủ khác để hạn chế khả năng xảy ra tổn thất lớn. 

Khi nền kinh tế đạt đến một trình độ phát triển nhất định, hoạt động kinh doanh bảo hiểm mới thực sự xuất hiện. Khi sở hữu một khối tài sản có trị giá lớn, người chủ sở hữu phải đối mặt với tổn thất do các rủi ro không lường trước được gây ra, và cách khôn ngoan nhất để họ bảo vệ khối tài sản đó là chuyển giao rủi ro

Người được bảo hiểm chuyển giao rủi ro cho người bảo hiểm để đổi lấy sự an toàn về tài chính trong suốt thời gian chuyển giao đó. Đây chính là nguyên lí cơ bản của hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Lí thuyết bảo hiểm, NXB Tài chính; Giáo trình Đại lí bảo hiểm cơ bản, NXB Tài chính)

Minh Lan